Nhân viên quán cơm chay Bình An (quận 10) phát cơm miễn phí cho người gặp khó khăn trong dịch Covid-19. Ảnh: Nguyệt Nhi
Rời ca trực bảo vệ cuối ngày, ông L.B.Trung đạp xe đến trạm buýt gần nhà, ngồi trên ghế đợi, ăn buổi tối như thói quen thường ngày. Nhiều tuyến xe buýt ở TPHCM đã ngừng hoạt động, dòng xe cộ qua lại thưa vắng hơn nhưng dẫu sao vẫn làm ông đỡ thấy cô đơn hơn về nhà.
“Tuổi này mà sợ nhiễm virus gì nữa, già rồi, trước sau gì cũng bệnh chết, chỉ sợ không có cơm ăn thôi”, ông Trung nói trong lúc ăn ổ bánh mì.
Ông Trung năm nay 67 tuổi, sống một mình ở quận Bình Thạnh (TPHCM). Trước đại dịch Covid-19, mỗi ngày ông bươn chải bán vé số vào buổi sáng và làm bảo vệ tại một cửa hàng kinh doanh cửa kính vào ca chiều.
“Năm ngoái đau nằm viện mà không có bảo hiểm y tế, lại không có tiền để dành, đành phải vay nóng. Lãi mẹ đẻ lãi con, trả nợ đến giờ vẫn chưa xong”. Ông cho hay, mỗi ngày ông phải trả cho chủ nợ 100.000 đồng, chưa kể tiền mua thuốc do thường đau ốm, nên nếu chỉ làm một công việc sẽ không đủ trang trải.
Như nhiều công dân khác ở TPHCM, những ngày này ông Trung liên tiếp nhận được tin nhắn khuyên người già hạn chế ra đường. Tin tức về dịch bệnh ở Việt Nam và thế giới ngập tràn trên bản tin thời sự cuối ngày ông theo dõi. Xe tuyên truyền của quận đi vào ngõ hẻm nơi ông sống nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm túc chỉ thị chống dịch của thành phố.
Theo tín ngưỡng thờ Mẫu, ông thường đi lễ 3-4 lần mỗi tháng, ông tin Mẹ giúp ông miễn nhiễm với virus, nhưng nay ông ở nhà đọc kinh cầu nguyện, thôi đi lễ theo chỉ thị của thành phố. Ông cũng đeo khẩu trang tìm nơi vắng vẻ trong công viên tập thể dục, tránh tụ tập đông người như khuyến cáo của các cấp chính quyền.
Trong lúc số lượng các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục tăng ở hai thành phố lớn nhất nước, thông điệp “Ở nhà là yêu nước” được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Facebook, mỗi ngày ông Trung đều phải trải qua gần 10 tiếng đồng hồ trên hè phố, với chiếc khẩu trang vải bịt kín gương mặt.
Bây giờ, điều ông lo lắng nhất không phải là bị nhiễm bệnh hay không được đi lễ mà là tiền mua thức ăn và trả nợ trong những ngày tới. Cửa hàng nơi ông làm việc nhiều khả năng sắp phải đóng cửa. Khi ấy, ông sẽ mất việc. Công việc bán vé số vốn ế ẩm từ ngày TPHCM có nhiều ca nhiễm cũng đã dừng lại trước đó. Không có tiền tiết kiệm, ông sợ sẽ không trụ được nếu dịch bệnh kéo dài và số ngày cách ly tăng thêm.
“May có các nhà hảo tâm cho mì, gạo nên cũng đỡ một ít”, ông Trung chia sẻ.
Thời niên thiếu của ông trải dài trong khói lửa chiến tranh. Mậu Thân 1968, một quả bom rơi sát hầm trú ẩn của mấy mẹ con ông ở quê nhà Huế, tất cả đều sống sót một cách may mắn.
“Nhưng dịch bệnh lần này thì khác. Quả bom, mình nhìn thấy được; còn con virus thì như vô hình. Bom đạn nổ vùng này, dân chạy tản cư qua vùng khác. Còn dịch xảy ra toàn cầu, toàn nước, mình không biết chạy đi đâu kiếm sống”, ông so sánh mối nguy của đại dịch Covid-19 và cuộc chiến mình từng đi qua.
Theo điều tra mức sống dân cư năm 2018, lao động ở khu vực thành thị như ông Trung chiếm gần 23% trong tổng số hơn 11,3 triệu người cao tuổi. Ông Trung cũng nằm trong 18 triệu lao động phi chính thức theo công bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2017.
Với tuổi tác của mình, ông cũng rơi vào nhóm được các chuyên gia y tế cảnh báo là có nguy cơ và nhiều rủi ro nhiễm SARS-CoV-2. Đại dịch Covid-19 đã phơi bày những vấn đề liên quan đến sự già hóa dân số ngày một nghiêm trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới mà Việt Nam không phải là ngoại lệ. Người già ở Việt Nam, đặc biệt là những lao động lớn tuổi vẫn là nhóm dân số mong manh trong đại dịch.
Bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), nhận định lao động tự do lớn tuổi là nhóm bị ảnh hưởng kép trong đại dịch: vừa dễ bị lây nhiễm bệnh, vừa dễ bị mất sinh kế. Họ cũng là nhóm ẩn hiện, không có mặt trên nhiều văn bản giấy tờ của các cấp chính quyền; vì vậy, rất dễ bị bỏ quên trong các chính sách.
Theo ông Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI), kết quả các cuộc điều tra mức sống dân cư nhiều năm chỉ ra rằng, tỷ lệ người già vẫn đang phải làm việc còn rất lớn, và hầu hết họ thuộc nhóm lao động phi chính thức, không có bảo hiểm xã hội, không có bảo hiểm y tế, thu nhập bấp bênh.
Mức trợ cấp hiện nay cho nhóm người cao tuổi thuộc hộ nghèo, không có lương hưu, không có nguời phụng dưỡng là 270.000-810.000 đồng/tháng/người. Ông Tùng đánh giá, chính sách hỗ trợ hiện còn mang tính hình thức hơn là thực chất. Mức trợ cấp này không bảo đảm cho người già ở khu vực thành thị duy trì được mức sống tối thiểu. Ngày thường, đây là nhóm dễ bị tổn thương; vào thời điểm đại dịch, các hoạt động kinh tế bị đình trệ, họ càng đối mặt với rủi ro mất sinh kế nhiều hơn.
Theo bà Hồng, một chính sách hỗ trợ cho những lao động tự do lớn tuổi đảm bảo chi tiêu ăn ở, an tâm ở nhà mùa dịch cũng là cách giúp hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế. Nhóm đối tượng này không nhỏ nhưng cũng không lớn đến mức Nhà nước không đủ nguồn lực hỗ trợ; chính quyền cấp phường, các tổ chức hội đoàn địa phương hoàn toàn có thể nắm được danh sách.
Tuy nhiên, bà Hồng cũng cho rằng, nguồn lực trong xã hội vô cùng lớn, có nhiều tổ chức, cá nhân sẵn lòng đóng góp cho cộng đồng. “Nếu chuyện gì cũng trông cậy vào ngân sách, đợi các cấp phê quyệt thì tôi e người già nghèo khó không đợi được. Nhà nước cần hỗ trợ hành lang pháp lý để nhiều tổ chức xã hội được thành lập và thuận lợi giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn hơn”, bà nêu ý kiến.
Đồng quan điểm trên, ông Tùng cho rằng, cần nhiều thay đổi trong chính sách an sinh xã hội với người già ở Việt Nam. Trong ngắn hạn, Chính phủ cần phối hợp với các nguồn lực xã hội để hỗ trợ kịp thời những lao động lớn tuổi đang phải lo từng bữa ăn trong mùa dịch.
“Đó là vấn đề sinh tồn của một nhóm dân số, cũng là sự ổn định của quốc gia trong và sau thời dịch bệnh”, ông Tùng nhấn mạnh.
Còn theo ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, 20% dân số có thu nhập thấp nhất hiện nay là những người hầu như không có tiết kiệm, phải chạy ăn từng bữa như chú bé đánh giày, người bán vé số, là những người phải kiếm sống dựa vào những rơi vãi của nền kinh tế. Họ ngay lập tức đối mặt với cái đói, mất bữa ăn hằng ngày khi đại dịch xảy ra.
“Trách nhiệm hỗ trợ các nhóm người nghèo, yếu thế, dễ bị tổn thương lúc này cần tập trung ở chính quyền cấp địa phương, không nên trông chờ vào Trung ương. Vì để chính sách Trung ương đến được địa phương thì đã quá muộn với đa số người nghèo”, ông Tự Anh nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS):
Hoan nghênh Chính phủ đã có dự thảo đề xuất gói hỗ trợ người lao động, trong đó có lao động phi chính thức. Tuy nhiên, có ba vấn đề cần được chú ý trong dự thảo như sau:
Thứ nhất, mức hỗ trợ khoảng 1 triệu đồng/tháng/người (kéo dài ba tháng 4-5-6) là vẫn còn hạn chế, số tiền này chưa đủ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Để có thêm tiền, Chính phủ nên tiết kiệm nguồn chi thường xuyên để đắp cho quỹ. Nếu cắt 5%, đã có thể có thêm 50.000 tỉ đồng cho quỹ. Với quy mô lao động phi chính thức là khoảng 18 triệu, mỗi người nhận được khoảng 2,5 triệu/tháng mới tạm đủ đảm bảo mức sống tối thiểu và vượt qua khó khăn mùa dịch.
Thứ hai, xác định đối tượng lao động phi chính thức không hề dễ dàng. Có thể dùng dữ liệu từ thuế, từ bảo hiểm xã hội để loại trừ những người làm việc ở khu vực doanh nghiệp; hộ kinh doanh; lao động chính thức, và những người hưởng lương từ quỹ hưu trí; khi đó phần còn lại là nhóm phi chính thức không có thu nhập ổn định. Kết hợp phương pháp này với danh sách qua xác minh của tổ dân phố, thôn xóm. Hệ thống đoàn thể – mặt trận tổ quốc có thể giám sát khi thực thi. Lúc hoạn nạn thế này, “phát nhầm còn hơn bỏ sót” một số trường hợp.
Thứ ba, tốc độ triển khai là vô cùng quan trọng vào thời điểm này. Chính phủ cần phải làm nhanh công tác hỗ trợ vì lao động phi chính thức thường không có nguồn tiết kiệm để chi tiêu, cần huy động thêm các đoàn thể địa phương tham gia, ví dụ mặt trận tổ quốc, hội người cao tuổi… – những tổ chức này vừa tham gia hỗ trợ vừa tham gia giám sát.
Phương án tối ưu trong đại dịch
Nhà kinh tế Gregory Mankiw từng nhận định rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, để nền kinh tế rơi vào suy thoái là phương án tối ưu. Có lẽ Mankiw cho rằng chủ động giảm bớt các hoạt động kinh tế, đồng nghĩa với chấp nhận suy thoái, chính là biện pháp tốt nhất chống dịch.
Tất nhiên sẽ có sụt giảm tăng trưởng khi thực hiện giãn cách xã hội hay đóng cửa, nhưng đó là điều mọi người nên làm vào lúc này. Một nhà kinh tế nổi tiếng khác là Paul Krugman cũng tán đồng quan điểm đó và khuyến cáo rằng các chính sách kinh tế lúc này phải nhắm vào vấn đề an sinh và trợ giúp cuộc sống của người dân, tạm thời chưa nên xem xét vấn đề giải cứu doanh nghiệp hay kích cầu/kích cung.
Cụ thể hơn, ý tưởng mà Mankiw đề xuất là trợ giúp ngay cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, rồi họ có phải hoàn trả tiền trợ cấp hay không sẽ xem xét sau. Chính phủ sẽ trợ giúp cho mỗi người dân một khoản “X” đô la trong vòng “N” tháng bất kể có bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hay không. Sau khi dịch bệnh kết thúc mỗi người dân sẽ phải trả lại cho nhà nước (thông qua một sắc thuế đặc biệt một lần) số tiền NxXx(Y2020/Y2019). Trong đó Y2020 là thu nhập của người đó năm 2020, Y2019 là thu nhập trong năm 2019.
Như vậy nếu trong năm 2020 người nào đó bị thất nghiệp (Y2020=0) thì không phải trả đồng nào. Nếu thu nhập giảm một nửa thì sẽ phải hoàn lại 50% số đã được trợ cấp. Còn nếu Y2020 không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì sẽ phải hoàn trả toàn bộ hoặc thậm chí hơn số đó nếu Y2020 lớn hơn Y2019.
Phương án này giúp san sẻ gánh nặng của dịch bệnh cho những người ít/không bị ảnh hưởng trong khi chỉ cần thông tin sau khi dịch bệnh kết thúc để tính số tiền phải hoàn trả cho từng cá nhân. Việc chi trả cũng như thu hồi sẽ rất minh bạch với chi phí thấp cũng là một thuận lợi cho quá trình triển khai. Chi phí cuối cùng cũng không quá lớn (Mankiw tính chỉ khoảng 1,2% GDP cho một ví dụ đơn giản N=6, X=2000). Cách này áp dụng không chỉ với cá nhân mà cả với doanh nghiệp.
Trên thực tế, Mỹ và một số quốc gia khác đã tung ra gói giải cứu khẩn cấp cho người dân một cách đơn giản nhất là phát tiền đồng đều không điều kiện cho mọi công dân. Dù bị chỉ trích phung phí tiền cho những tầng lớp giàu có, phát tiền theo dạng thu nhập cơ bản phổ quát (Universal Basic Income – UBI) như vậy có ưu điểm lớn là nhanh và không cần thông qua hệ thống hành chính phức tạp.
Trong bối cảnh khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam khá lớn và đa số những người tham gia vào khu vực này là người nghèo/cận nghèo, trợ cấp tiền không điều kiện và trực tiếp là giải pháp tối ưu nhất. Có thể có một chút không công bằng, một chút lãng phí nhưng bây giờ không phải là lúc cần cân đong đo đếm chính xác.
Sau khi bệnh dịch qua đi, khơi thông nguồn tín dụng cho doanh nghiệp là chính sách đúng đắn. Với các doanh nghiệp nhỏ, nhất là khu vực phi chính thức, nguồn vốn cũng quan trọng nhưng chưa hẳn là tối cần thiết. Với một số lớn lao động giản đơn, các chính sách trợ cấp xã hội (như thu nhập cơ bản phổ quát) sẽ là cần thiết hơn.
Nếu được trợ giúp để tồn tại qua dịch, những người bán vé số, buôn thúng bán bưng vỉa hè sẽ khôi phục lại hoạt động kinh tế của họ nhanh hơn các doanh nghiệp phải dựa vào tín dụng. Nhưng về lâu dài, biện pháp “giải cứu” bền vững nhất là dần đưa họ vào khu vực kinh tế chính thức, có đóng thuế, có bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Các gói trợ giúp doanh nghiệp sắp tới cần thiết kế sao cho tạo ra động cơ khuyến khích để các doanh nghiệp tăng thuê mướn/đào tạo lao động giản đơn từ khu vực phi chính thức.