Hạ tầng đám mây trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia

03/07/2021 | Ý kiến Chuyên gia
Điện toán đám mây là một trong các trọng tâm của chiến lược Hạ tầng số, bên cạnh hạ tầng kết nối viễn thông như 5G, một số platform thiết yếu, hay hệ thống đường truyền Internet cáp quang.

Chia sẻ

Hạ tầng số phát triển là bệ phóng cho chuyển đổi số

Chuyển đổi số, thúc đẩy nền kinh tế số đã trở thành xu thế tất yếu của các chính phủ và doanh nghiệp trên toàn thế giới; đặc biệt dưới sự tác động của đại dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp buộc phải dịch chuyển các hoạt động kinh doanh lẫn vận hành nội bộ lên môi trường mạng. Đối với Việt Nam, chúng ta cũng không đứng ngoài xu thế đó. Thúc đẩy kinh tế số với mục tiêu đóng góp 20% GDP toàn nền kinh tế trong giai đoạn 2021 – 2025 là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong bài phát biểu sau lễ tuyên thệ nhậm chức, tân Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược có trọng tâm, coi trọng chuyển đối số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ là một trong những nhiệm vụ mà Chính phủ nhiệm kỳ mới phải thực hiện. Để đạt được thành công trong quá trình này, phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông được xác định là nền tảng cho chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Trong Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 1/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, điện toán đám mây là một trong các trọng tâm của chiến lược Hạ tầng số, bên cạnh hạ tầng kết nối viễn thông như 5G, một số platform thiết yếu, hay hệ thống đường truyền Internet cáp quang.

Điện toán đám mây hay được nhắc đến như những kho lưu trữ dữ liệu ảo khổng lồ như các ứng dụng lưu trữ Google Drive của Google, Icloud của Apple. Trên thực tế vai trò của công nghệ này quan trọng hơn rất nhiều ở chỗ hạ tầng điện toán đám mây phục vụ cho nhiều mục đích khác như dịch vụ tính toán cho phép tạo máy chủ ảo, phát triển các ứng dụng web, thử nghiệm các ứng dụng được phát triển trên nền tảng, host ứng dụng,… Hơn thế nữa, hiệu quả kinh tế, giúp cắt giảm chi phí cho tổ chức, doanh nghiệp sử dụng so với các công nghệ truyền thống cũng tạo thêm lợi thế cho điện toán đám mây. Ví dụ, để triển khai một ứng dụng, trang web, thay vì phải mua hoặc thuê một hay nhiều máy chủ đặt tại các trung tâm dữ liệu vật lý, người dùng khi sử dụng điện toán đám mây có thể tiếp cận nguồn tài nguyên công nghệ thông tin theo nhu cầu thông qua Internet với chính sách thanh toán theo mức sử dụng. Nhờ đó, người dùng có thể cắt giảm chi phí hoạt động, vận hành cơ sở hạ tầng hiệu quả với sự thay đổi quy mô linh hoạt theo nhu cầu sử dụng. Điều này tương tự như cách người dùng bật công tắc điện tại nhà; họ có thể linh hoạt bật - tắt bóng đèn tại khu vực cần thiết thay vì tiêu tốn năng lượng phát sáng cho toàn bộ căn nhà.

Các nghiên cứu đều thừa nhận rằng sự linh hoạt dễ nâng cấp, mở rộng của đám mây, đặc biệt là đám mây công cộng (Public Cloud), kết hợp với những thuật toán, công nghệ học máy,… thực sự đã đem lại nhiều lợi ích về mặt chi phí cho các doanh nghiệp.

Thứ nhất, cắt giảm chi phí vận hành, tăng hiệu quả kinh doanh. Trường hợp ví dụ là Easy Pay, một công ty tại Ấn Độ, cung cấp hệ thống điểm bán hàng (POS) cho các cửa hàng địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán với các nhà cung cấp. Kể từ khi áp dụng điện toán đám mây, Easy Pay cung cấp gần 100% tính khả dụng và thời gian giao dịch đã giảm từ 12 giây xuống chỉ còn 5 giây. Easy Pay dự kiến ​​số lượng người sử dụng hệ thống của họ sẽ tăng ít nhất 5 lần, từ 300.000 lên 1,5 triệu người, vào năm 2021 và coi đám mây là một yếu tố quan trọng để đáp ứng sự gia tăng lưu lượng truy cập theo cấp số nhân này.

Hiện tại, ở lĩnh vực điện toán đám mây, Viettel IDC chiếm thị phần khoảng 29%... Ảnh: Viettel IDC.

Thứ hai, gia tăng khả năng dự đoán cho hoạt động kinh doanh. Đám mây công cộng có thể giúp tăng tốc và triển khai các giải pháp công nghệ và số hóa mới nhất trong các công việc văn phòng, chẳng hạn như kế toán dựa trên phân tích. Ví dụ, California Design, một thương hiệu chăn ga gối đệm thời trang trực tuyến, từng phụ thuộc vào các hệ thống để theo dõi quy trình dự báo và lập kế hoạch hàng tồn kho theo cách thủ công bằng phần mềm bảng tính trên máy tính để bàn. Tuy nhiên từ khi chuyển cơ sở dữ liệu sang nền tảng đám mây kết hợp với các giải pháp học máy, công ty đã giảm được hơn 50% việc vận chuyển hàng tồn kho và cải thiện độ chính xác của việc lập kế hoạch nhu cầu theo quý.

Thứ ba, khả năng mở rộng quy mô nhanh chóng. Cơ sở hạ tầng và sự hiện diện trên toàn cầu của các nhà cung cấp dịch vụ đám mây có thể được khai thác để mở rộng quy mô sản phẩm gần như ngay lập tức cho các phân khúc khách hàng và khu vực địa lý khác nhau. Điển hình như trường hợp của ứng dụng Zoom, trong những ngày đầu của Đại dịch COVID-19, ứng dụng này nổi lên như một phương thức giao tiếp và làm việc từ xa hiệu quả nhưng nó phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người truy cập. Nhờ có cơ sở hạ tầng đám mây, ứng dụng này đã tăng dung lượng cho với tốc độ 5000 – 6000 máy chủ sử dụng cùng lúc để đáp ứng nhu khổng lồ của người dùng.

Không chỉ các doanh nghiệp, ngay cả các cơ quan nhà nước khi áp dụng điện toán đám mây cũng có thể tiết kiệm được các chi phí vận hành. Ví dụ, theo báo cáo của Cơ quan dịch vụ công Hoa Kỳ (GSA), sau khi chuyển cổng thông tin USA.gov sang một máy chủ lưu trữ dựa trên đám mây, GSA có thể giảm thời gian nâng cấp trang web từ chín tháng xuống còn một ngày; thời gian ngừng hoạt động hàng tháng được cải thiện từ hai giờ lên mức khả dụng 99,9%. Từ đó, cơ quan này đã tiết kiệm được 1,7 triệu USD cho các dịch vụ lưu trữ.

Tận dụng và khai thác tiềm năng

Có thể thấy, trong mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ điện toán đám mây, cơ quan nhà nước cũng được coi là một khách hàng và hoàn toàn có thể được hưởng lợi ích như một doanh nghiệp thông thường. Với những tiềm năng và lợi ích mà điện toán đám mây mang lại, việc sử dụng và phát triển công nghệ này có thể làm thuận lợi hóa việc quản lý, kết nối, chia sẻ tiến tới mở dữ liệu trong quá trình xây dựng chính phủ số tại Việt Nam.

Hiện nay, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có nhắc đến ứng dụng công nghệ điện toán đám mây trong quá trình tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, đây mới chỉ là định hướng chung để chuyển đổi số quốc gia, chưa có một chiến lược ngành hay chính sách để ưu tiên công nghệ điện toán đám mây trong chuyển đổi số với các nội dung cụ thể như phân loại dữ liệu của Chính phủ, các mô hình đám mây được khuyến khích lựa chọn, nguồn kinh phí để thực hiện chuyển đổi hạ tầng,… Bởi vậy, Việt Nam cần có chính sách cụ thể về ứng dụng điện toán đám mây cho Chính phủ nói riêng và khu vực công nói chung để giải quyết được những vấn đề trên.

Đối với khách hàng là doanh nghiệp, để có thể khai thác hiệu quả giá trị mà đám mây đem lại, các doanh nghiệp cần tìm hiểu, thúc đẩy chuyển cơ sở dữ liệu từ mô hình vận hành vật lý lên đám mây công cộng; chú trọng đầu tư vào việc sử dụng nền tảng đám mây được tiêu chuẩn hóa để cải thiện năng suất; chuyên nghiệp hóa đội ngũ để thích ứng với sự thay đổi và phát triển của công nghệ.

Trần Đăng Quang - Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS)

Theo Báo Khoa học & Phát triển