Luật Giao dịch điện tử có đón đầu xu thế thương mại số?

12/12/2021 | Chính phủ số
Việt Nam đang nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Trong các lĩnh vực cấu thành khu vực kinh tế số, thương mại số đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Luật Giao dịch điện tử có đón đầu xu thế thương mại số?

Chia sẻ

Luật Giao dịch điện tử có đón đầu xu thế thương mại số? | DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT

Xác thực điện tử nên được coi là cơ sở hạ tầng mềm cho sự phát triển của tất cả kĩ thuật số và giao dịch số.

Tuy nhiên, thương mại số, không chỉ thương mại trong phạm vi quốc gia, mà thương mại liên quốc gia, thông qua nền tảng số, đang gặp phải những vướng mắc pháp lý về danh tính số; xác thực danh số, chữ ký số, hoá đơn “số”…Vì vậy, cơ hội sửa đổi Luật Giao dịch điện tử lần này là dịp để gỡ những vướng mắc này.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng vừa trình Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi.

Hoàn thiện khung pháp lý cho xác thực, định danh điện tử


Xét về mặt tiềm năng, thương mại số, bao gồm giá trị của các luồng dữ liệu đối với việc tạo ra giá trị thực trong nền kinh tế quốc nội thông qua việc hỗ trợ áp dụng các công nghệ kỹ thuật số, kể cả trong các ngành truyền thống (như sản xuất nông nghiệp), cũng như bản thân giá trị của dữ liệu như một loại hàng hóa, dịch vụ độc lập. Các tính toán ước tính. thương mại số của Việt Nam có tiềm năng đạt 953 nghìn tỷ đồng xét về giá trị kinh tế vào 2030.

Đáp ứng những yêu cầu ấy, hồ sơ sửa đổi luật đã xác định những vấn đề cơ bản này và đưa vào xử lý. Cụ thể, Dự thảo đề nghị xây dựng Luật Giao dịch điện tử đề xuất: (1) bổ sung quy định về giá trị pháp lý của các phương pháp xác thực, định danh điện tử (mã OTP, sinh trắc học, …); (2) bổ sung quy định về dịch vụ tin cậy và nhà cung cấp dịch vụ tin cậy. Đây là những đề xuất hết sức quan trọng, nền tảng cho phát triển kinh tế số, thương mại số.

Định danh, xác thực điện tử nên được coi là một trụ cột, cơ sở hạ tầng mềm (soft infrastructure), cho sự phát triển của tất cả kĩ thuật số và giao dịch số. Theo ước tính của McKinsey, định danh, xác thực điện tử có thể đóng góp 3% vào GDP quốc gia, tương đương 6.8 tỷ đô la Mỹ cho Việt Nam vào 2030.

Tuy nhiên, về mặt tiếp cận dự thảo luật cũng cần được đặt trong bối cảnh rộng hơn của thương mại số.

Cụ thể, việc hoàn thiện khung pháp lý cho xác thực, định danh điện tử, cần được đặt trong định hướng gia tăng thương mại số xuyên biên giới, giao thương quốc tế, chứ không chỉ của nền kinh tế số nội địa Việt Nam.

Bài học quốc tế


Ngay từ bây giờ, Việt Nam nên tích cực thúc đẩy thảo luận, tham gia hợp tác quốc tế về hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý cho xác thực, định danh điện tử với các nước phát triển về kinh tế số, thương mại số như Singapore, Anh Quốc, Nhật Bản, Úc.

Các quốc gia này đều đang thúc đẩy tự do dòng chảy dữ liệu tài chính (free movement of financial data) trong các hiệp định đối tác kinh tế số mới đã hoặc đang được thảo luận, cụ thể như UK-Japan Comprehensive Economic Partnership (ký ngày 23/10/2020), Singapore-Australia Digital Economy Agreement (hiệu lực từ 09/12/2020), và UK-Singapore digital economy agreement (thảo luận từ 29/06/2021).

Đặc biệt đối với các quy định về việc áp dụng, công nhận giá trị pháp lý khi triển khai công nghệ mới như QR code, blockchain đối với xác thực, định danh, hiện chưa có các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế cụ thể. Do vậy, càng cần tập trung hợp tác, thảo luận khu vực, quốc tế, ví dụ như ISO/TC 307 với sự tham gia của trên 50 quốc gia. 2 vấn đề chính sách chính đối với ứng dụng blockchain là data privacy và blockchain interoperability.

Đối với vấn đề công nghệ như Blockchain, ngoài hợp tác quốc tế thì cần thúc đẩy hợp tác công tư ngay từ đầu. Ví dụ, trên thế giới có Global Blockchian Business Council trực tiếp góp phần xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho blockchain.

Quan trọng nhất là cần hướng tới hoàn thiện các nguyên tắc về bảo vệ dữ liệu cá nhân (điển hình như dữ liệu sinh trắc học) thì mới tạo nền tảng vững chắc cho quản lý “dịch vụ tin cậy” và nhà cung cấp dịch vụ tin cậy. Nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân nên tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như khuôn khổ của khu vực Châu á Thái bình dương - APEC Cross Border Privacy Rules, một hệ thống hiện đang cung cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu cá nhân xuyên quốc gia cho 9 nền kinh tế: Mỹ, Canada, Úc, Mexico, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phillipines, Đài Bắc Trung Hoa.

Ngoài ra, khi xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cho phương pháp xác thực, định danh điện tử, cần lưu ý tuân thủ theo tiêu chuẩn kĩ thuật quốc tế như:

ISO/IEC 24760-1:2019
ISO/IEC 19784-1:2018
FIDO Universal Authentication Framework

Do vậy, lần sửa đổi luật lần này nên được đặt trong bối cảnh rộng về tiềm năng thương mại số của Việt Nam, tính toán đến tính tương thích với các xu thế pháp lý mới về dịch vụ số, về các hiệp định thương mại số đang được bàn thảo sôi nổi trên toàn cầu. Hiện thực hoá được xu thế này sẽ cho phép thương mại số nói riêng, kinh tế số Việt Nam khai thác được các tiềm năng to lớn, đóng vai trò là động cơ tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Tống Khánh Linh - Nguyễn Quang Đồng,

Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS)

Theo Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp