Trách nhiệm của phụ huynh trong bảo vệ trẻ em trên MXH theo Nghị định 147

11/12/2024 | IPS trên Báo chí
Các nội dung về bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội và trong game của Nghị định 147/2024/NĐ-CP được cho là khả thi, tuy nhiên, các chuyên gia vẫn nhấn mạnh vai trò của gia đình, phụ huynh vì "doanh nghiệp có thể cung cấp tính năng, nhưng không có trách nhiệm đảm bảo 100% người dùng sử dụng đúng tính năng của mình".
Trách nhiệm của phụ huynh trong bảo vệ trẻ em trên MXH theo Nghị định 147

Chia sẻ

Trẻ em dưới 16 tuổi muốn sử dụng mạng xã hội phải được sự cho phép và giám sát của cha mẹ

Ngày 09/11/2024, Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP) đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Nghị định 147/2024/NĐ-CP được xây dựng hướng tới mục tiêu khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn sau hơn 10 năm thi hành Nghị định 72/2013/NĐ-CP, phù hợp với xu thế phát triển hội nhập công nghệ số, nội dung số và các dịch vụ Internet và kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định 72/2013/NĐ-CP.

Đặc biệt, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã có nhiều quy định mới và chặt chẽ hơn trong việc bảo vệ trẻ em (BVTE) an toàn trên mạng Internet cũng như với game.

Cụ thể, các quy định BVTE khi chơi game yêu cầu người chơi dưới 16 tuổi khi đăng ký chơi game thì cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự đăng ký tài khoản bằng thông tin của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự và có trách nhiệm giám sát và quản lý thời gian chơi, nội dung trò chơi của người chơi dưới 16 tuổi truy cập.

Doanh nghiệp (DN) game, DN cho thuê máy chủ, chỗ đặt máy chủ, DN viễn thông, DN Internet phải phối hợp triển khai giải pháp BVTE trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về BVTE, người dưới 18 tuổi; Người chơi dưới 18 tuổi chỉ được chơi 1 game không quá 60 phút và tổng thời gian chơi trong ngày không quá 180 phút.

Đối với quy định về BVTE trên mạng xã hội (MXH), Nghị định 147/2024/NĐ-CP chỉ rõ người dùng trên 16 tuổi mới được tạo tài khoản MXH để sử dụng; Trường hợp trẻ em (dưới 16 tuổi) muốn sử dụng MXH phải được sự cho phép và giám sát của cha mẹ, người giám hộ hợp pháp và cha mẹ, người giám hộ sẽ có trách nhiệm giám sát, quản lý nội dung trẻ em truy cập, đăng tải và chia sẻ thông tin trên MXH.

Ngoài ra, Nghị định cũng yêu cầu phân loại và cảnh báo các nội dung không phù hợp với trẻ em; Thực hiện các biện pháp BVTE theo quy định về BVTE.

Bước tiến quan trọng xây dựng môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam

Theo bà Nguyễn Lan Phương, cán bộ Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), việc ban hành các quy định BVTE trên MXH nói chung và trò chơi trực tuyến nói riêng là vô cùng cần thiết, bởi trẻ em là nhóm chủ thể dễ bị tổn thương đồng thời cũng chính là thế hệ tương lai của đất nước nên cần nhận được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt.

chi-phuong.png
Theo bà Nguyễn Lan Phương, trách nhiệm chính trong việc quản lý thời gian và cách thức sử dụng MXH, trò chơi trực tuyến nằm ở cha mẹ, người giám hộ của các em.

“Trước mắt, các quy định trong Nghị định số 147/2024/NĐ-CP đã tạo dựng cơ sở pháp lý vững chắc, trao quyền cho các bậc cha me, phụ huynh BVTE mình trước các tác động không tích cực của trò chơi trực tuyến. Đồng thời các quy định này cũng đòi hỏi trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm xã hội cao hơn từ phía các DN kinh doanh trò chơi trực tuyến”, bà Nguyễn Lan Phương nói.

Trong khi đó, trao đổi với PV Tạp chí TT&TT, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), cũng cho biết Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong BVTE trên môi trường mạng và cũng là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam.

Các quy định như bắt buộc xác thực người dùng qua số định danh cá nhân và không cho trẻ em dưới 16 tuổi lập tài khoản MXH, mang lại nhiều lợi ích.

Thứ nhất, quy định giúp hạn chế hành vi giả mạo danh tính. Việc xác thực tài khoản giúp giảm tình trạng mạo danh, phát tán tin giả và lừa đảo trực tuyến.

Thứ hai, quy định cũng giúp giảm nguy cơ từ MXH và trò chơi trực tuyến. Cụ thể, quy định về thời gian chơi game giới hạn và quản lý nội dung giúp giảm nguy cơ nghiện game và tiếp xúc với nội dung không phù hợp. Như vậy, có thể giúp điều tiết thời gian sử dụng Internet và cân bằng cuộc sống tốt hơn cho trẻ em.

Đặc biệt, bà Nguyễn Phương Linh nhấn mạnh Nghị định đã tăng cường vai trò và trách nhiệm của phụ huynh trong việc bảo vệ an toàn cho con em mình trên môi trường mạng. Cha mẹ hoặc người giám hộ sẽ cần đăng ký và giám sát tài khoản MXH hay tài khoản game để đồng hành và hỗ trợ trẻ kịp thời.

Đảm bảo tính khả thi, tránh áp lực không cần thiết cho các bên liên quan

Tuy nhiên, bà Nguyễn Phương Linh cho rằng việc thực thi cần được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo tính khả thi và tránh tạo áp lực không cần thiết cho các bên liên quan.

Cũng bày tỏ ý kiến về việc thực thi, bà Nguyễn Lan Phương cho rằng về lâu dài, chúng ta cần theo dõi và đo đếm mức độ tác động và ảnh hưởng của các quy định này đến đời sống kinh tế - xã hội.

Theo thông tin được bà Phương đưa ra, các quy định về cấm trẻ em chơi trò chơi trực tuyến trong một khoảng thời gian nhất định (từ 0h00 - 6h00) từng có ở Hàn Quốc, thường được gọi với cái tên đầy tính tượng hình là Cinderella Law, được ban hành năm 2011 sau đó bãi bỏ vào năm 2021 do thay đổi về tư duy quản lý.

Quy định về xác thực người dùng cũng từng được Hàn Quốc ban hành nhưng đã bị Tòa bảo hiến nước này tuyên vi hiến vào năm 2012.

Điều đáng nói, chính sách pháp luật được xây dựng theo mục tiêu tích cực, nhưng chỉ có hiệu quả nếu được sự nhận thức, ủng hộ và thực thi của người dân và các bên liên quan. Chính vì thế, theo lãnh đạo Viện MSD, để đảm bảo tính khả thi, tất cả các bên liên quan cần nhận thức rõ và vào cuộc.

“Ngoài vai trò của nhà nước để đảm bảo về mặt kỹ thuật trong hệ thống xác thực danh tính, bảo mật, hay làm việc, điều tiết cùng các DN, tôi nghĩ quan trọng nhất là đảm bảo người dùng, bao gồm trẻ em và gia đình nhận thức rõ và thực hành tốt những quy định của pháp luật”, bà Nguyễn Phương Linh nói và cho rằng phụ huynh cần hiểu rõ vai trò của mình trong việc đồng hành, giám sát và định hướng con em sử dụng MXH và game.

“Để thực hiện điều này, phụ huynh cần được nâng cao năng lực, đào tạo làm cha mẹ thời đại số, không phải bỏ mặc các con hay cấm đoán các con sử dụng MXH hay chơi game; thay vào đó, là cùng con lập các tài khoản MXH hay tài khoản game đầu tiên, cùng con tìm hiểu và có cách thức sử dụng một cách phù hợp”, chuyên gia của Viện MSD cho biết.

Bên cạnh đó, đối với trẻ em, các con cũng cần được phổ biến thông tin về Nghị định, để có ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật. “Ngoài ra, chúng ta vẫn cần các nỗ lực về giáo dục công dân số để các con có kỹ năng số, nhận thức rủi ro trên môi trường mạng, MXH, và nguy cơ nghiện game, cũng như có sự phối hợp với cha mẹ, tìm kiếm sự giúp đỡ, đồng hành của cha mẹ”, bà Nguyễn Phương Linh nói.

DN có thể cung cấp tính năng, nhưng không đảm bảo 100% người dùng sử dụng đúng tính năng của mình

Chia sẻ ý kiến về tính thực thi của Nghị định 147/2024/NĐ-CP, đại diện Viện IPS cho rằng trên thực tế, các quy định BVTE trên MXH, trò chơi trực tuyến có thể thực hiện. Hiện nay, các nhà mạng hay ngân hàng đã thực hiện xác thực người sử dụng dịch vụ, một số nhà cung cấp trò chơi trực tuyến sẽ khóa lượt chơi khi người chơi chơi đến một số giờ nhất định.

Chính vì thế, các nhà cung cấp dịch vụ có thể xây dựng thêm các tính năng để đáp ứng yêu cầu của pháp luật. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến phát sinh chi phí thực thi cho DN đồng thời gây ra những quan ngại về tính hợp lý của quy định.

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Lan Phương, trách nhiệm chính trong việc quản lý thời gian và cách thức sử dụng MXH, trò chơi trực tuyến nằm ở cha mẹ, người giám hộ của các em. DN có thể cung cấp tính năng, nhưng không có trách nhiệm đảm bảo 100% người dùng sử dụng đúng tính năng của mình.

“YouTube đã cung cấp ứng dụng YouTube Kids và các tính năng quản lý tài khoản dành cho cha mẹ nhưng không phải phụ huynh Việt Nam nào cũng biết hoặc thành thạo sử dụng. Vì vậy, ngoài việc đặt ra nghĩa vụ mới cho DN, cơ quan quản lý cần đặc biệt phân biệt trách nhiệm của các bên một cách hợp lý, phối hợp với DN cung cấp và truyền thông về các hướng dẫn, khóa tập huấn dành cho phụ huynh để họ chủ động bảo vệ con em mình trên không gian mạng”, bà Nguyễn Lan Phương nói.

Trở thành công dân số chuẩn để phát huy lợi ích và giảm thiểu rủi ro trên MXH hay trong game

“Công nghệ sẽ mang lại những lợi ích và giảm thiểu rủi ro nếu trẻ em và người lớn có thể có kỹ năng phù hợp, làm chủ công nghệ, làm chủ bản thân. Chúng tôi có chương trình Giáo dục kỹ năng số tên là Công dân số chuẩn, trong đó có bài học về sử dụng MXH và sử dụng game, giúp phát huy các lợi ích và giảm thiểu rủi ro”, bà Nguyễn Phương Linh nói.

“Ví dụ, bài học về game hướng tới giúp trẻ nhận thức game đúng, game đủ, game đúng cách, giúp trẻ em và gia đình phát hiện các rủi ro và cách thức đưa ra các giải pháp, các quy định để trẻ em và gia đình điều tiết thời gian chơi, cách thức chơi an toàn, thông minh và cả báo cáo khi gặp rủi ro. Tôi nghĩ, Nghị định là nền tảng, nhưng thực hành của trẻ em và gia đình là rất quan trọng; chính vì thế, việc phổ biến nội dung pháp luật cần đi kèm chặt chẽ với việc nâng cao nhận thức, năng lực của trẻ em và gia đình”.

nguyen_phuong_linh_vien_truong_m.jpg
“Công nghệ sẽ mang lại những lợi ích và giảm thiểu rủi ro nếu trẻ em và người lớn có thể có kỹ năng phù hợp, làm chủ công nghệ, làm chủ bản thân", bà Nguyễn Phương Linh.

Thêm vào đó, bà Linh cho rằng trẻ em và gia đình cũng có thể cần thêm những sự trợ giúp như các trung tâm tư vấn, hotline, hỗ trợ tư vấn, tâm lý khi trẻ em và gia đình có các câu hỏi và vấn đề trên môi trường mạng. Lúc này Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em hay đường dây nóng cần phát huy tác dụng và hiệu quả hơn nữa đáp ứng các nhu cầu của trẻ em và gia đình.

Ngoài ra, Viện trưởng Viện MSD cũng cho rằng đối với với các DN cung cấp nền tảng MXH và game, việc tích cực truyền thông các quy định và kiến thức ngay trên nền tảng cũng có thể mang lại tác dụng. Các nền tảng cũng cần nỗ lực nhiều hơn trong việc phân loại nội dung, dán nhãn, cảnh báo…. Các nền tảng cần có các nút tắt, cơ chế báo cáo nhanh dành riêng cho trẻ em để các em có thể có được sự trợ giúp ngay khi cần thiết.

“Nghị định 147/2024/NĐ-CP là một bước đi kịp thời nhằm BVTE trước các rủi ro từ mạng xã hội và trò chơi trực tuyến. Tuy nhiên, việc thực thi cần kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ hiện đại, giáo dục nhận thức, và trách nhiệm từ cộng đồng. Chỉ khi các bên liên quan đồng lòng và triển khai quyết liệt, mục tiêu tạo ra một môi trường mạng lành mạnh và an toàn cho trẻ mới có thể đạt được”, bà Nguyễn Phương Linh nhấn mạnh.

Theo Thông tin và Truyền thông.