Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Không mới nhưng vẫn lúng túng

29/06/2021 | IPS trên Báo chí
Bảo vệ quyền riêng tư là chủ đề không còn mới. Trong thời đại công nghệ số như hiện nay thì việc bảo vệ quyền riêng tư trở nên cụ thể là bảo vệ dữ liệu cá nhân. Thế nhưng trước những vụ việc xâm phạm dữ liệu cá nhân gần đây, xã hội 'bị sốc' và tỏ ra lúng túng để tìm ra cách ứng xử phù hợp.
Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Không mới nhưng vẫn lúng túng

Chia sẻ

Vụ việc nữ diễn viên phim “Về nhà đi con” lộ clip nóng, hay việc gần 10 nghìn CMND, CCCD của người Việt bị rao bán trên mạng là những vụ việc điển hình gần đây liên quan tới quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cá nhân.

Khi dữ liệu riêng tư của các cá nhân bị lộ, chia sẻ tràn lan trên mạng, điều này không những gây phiền phức cho các cá nhân mà còn tạo điều kiện cho tội phạm mạng có thể trục lợi, thậm chí là đe dọa, tống tiền, lừa đảo…

Điển hình như chị Diệu Hoa ở Q. Đống Đa (Hà Nội) phàn nàn, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chị không mua sắm trực tiếp được mà phải sử dụng thương mại điện tử để giao dịch. Từ đấy chị liên tục bị làm phiền bởi những cuộc điện thoại, thậm chí có người còn nắm bắt thông tin chi tiết của gia đình chị.

“Đây không phải là lần đầu, trước mình mua vé máy bay cũng vậy. Sát ngày bay là có người gọi đến hỏi có đặt xe ra sân bay không. Mình cảm thấy rất phiền toái. Rõ ràng là bị lọt thông tin, bên dịch vụ họ cam kết bảo mật thông tin mà còn thế này, mình chẳng biết phải khiếu nại ai bây giờ”.

Cũng không ngoại lệ, anh Hoàng Quân ở Q. Long Biên (Hà Nội) chia sẻ sự bức xúc về chuyện nhận được cuộc gọi mời chào tham gia các dự án bất động sản, mua bảo hiểm hàng ngày.

“Mình hay nhận những cuộc gọi điện thoại mời chào tham gia dự án bất động sản, mua bảo hiểm, bảo hiểm y tế. Cũng chả hiểu tại sao người ta có số điện thoại của mình nữa. Mình mua sắm online cũng khá nhiều nên đăng ký tài khoản nhiều khi cũng nhập mấy thông tin như tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại… không khéo là từ đó mà ra”.

Hai xu hướng vi phạm quyền riêng tư đang phổ biến tại Việt Nam là mua bán dữ liệu cá nhân và thông tin cá nhân bị thu thập tràn lan trên các mạng xã hội

Mới đây, tại buổi tọa đàm trực tuyến “Quyền riêng tư và Bảo vệ dữ liệu cá nhân” được tổ chức bởi Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng IPS cho biết, hai xu hướng vi phạm quyền riêng tư đang phổ biến tại Việt Nam là mua bán dữ liệu cá nhân và thông tin cá nhân bị thu thập tràn lan trên các mạng xã hội.

Tuy nhiên, trước những xu hướng này, việc nhận thức và thực hành quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu cá nhân của người dùng tại Việt Nam hiện nay vẫn còn khá yếu.

Cụ thể, viện IPS đã có những nghiên cứu, đánh giá về vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cá nhân tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, chuyên gia, thành viên Hội đồng Khoa học của Viện IPS, những vấn đề về quyền riêng tư cá nhân đã xuất hiện từ rất lâu. Từ thế kỷ thứ 13, nước Anh đã có đạo luật về bảo vệ quyền riêng tư, cá nhân; hay tại Mỹ cũng đã có những phiên tòa và bản án liên quan tới vấn đề này.

Tại Việt Nam, trong Luật dân sự cũng có khẳng định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình được bảo vệ, đó là quyền dân sự, quyền căn bản. Tuy nhiên, theo ông Lập, trong môi trường số, mạng xã hội, chúng ta vẫn còn rất lúng túng.

“Trên môi trường mới này, chúng ta tương tác với nhau, gọi là tương tác ảo. Tức là không cần nhìn, không cần gặp nhau, thì phải nói rằng, vi phạm liên quan đến quyền bảo vệ bí mật riêng tư, thông tin cá nhân phát triển mạnh mẽ hơn rất nhiều.”

Việc sử dụng thái quá công cụ pháp luật có thể hạn chế, thậm chí là bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tiếp cận thông tin, vốn là đặc trưng của thời đại ngày nay.

Không chỉ các cá nhân, mà cả về mặt pháp lý, hiện nay chúng ta vẫn còn thiếu các quy định về trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền được bảo vệ đối với dữ liệu cá nhân.

Hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định 02 tội danh là: “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác” (Điều 159); và “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” (Điều 288).

Tuy nhiên, cả 2 tội danh này chưa quy định cụ thể, trực tiếp về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới dữ liệu cá nhân đang diễn ra hiện nay… PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã có những chia sẻ về vấn đề này.

“Chưa có một văn bản quy định rõ ràng nào về quyền dữ liệu cá nhân, cũng như là quyền chúng ta làm chủ những thiết bị, tài sản mà ta có. Ví dụ như dữ liệu đó nằm trong các thiết bị lưu trữ mà ta lại đang sở hữu thiết bị lưu trữ đó, thì rõ ràng là quyền của ta. Còn nếu như bằng cách nào đó bạn phải giao nộp cái dữ liệu đó thì câu chuyện đó khác hoàn toàn, là pháp lý, pháp luật đó. Khi nào tôi giao nộp dữ liệu đó? Ta phải rõ ràng những cái như thế, khi mà chưa có luật cụ thể để xác định rằng dữ liệu được bảo vệ như thế nào”.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng khi ban hành các cơ chế, quy định liên quan đến vấn đề quyền riêng tư cũng cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng. Bởi theo ông Nguyễn Tiến Lập, việc sử dụng thái quá công cụ pháp luật có thể hạn chế, thậm chí là bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tiếp cận thông tin, vốn là đặc trưng của thời đại ngày nay.

Thay vào đó, để hạn chế sự xâm phạm quyền riêng tư, dữ liệu cá nhân thì tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân là điều cấp thiết. Ông Lập chia sẻ.

“Tôi cho rằng công cụ pháp luật là cần thiết, nhưng không lạm dụng quá các hành lang về hành chính hay là hành lang về hình sự. Mà chúng ta phải thức tỉnh mỗi cá nhân về cái quyền của họ, khả năng của họ, kỹ năng, kiến thức để tự bảo vệ mình bằng con đường dân sự. Thế nhưng để bảo vệ bằng con đường dân sự thì trước đó phải có một cái nền tảng về kiến thức được truyền tải ở trường phổ thông, đó là giáo dục về tất cả các hành vi ứng xử, tương tác, xã hội trên không gian mạng xã hội như thế nào”.

Quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân - Đã đến lúc mỗi cá nhân cần tự có trách nhiệm

Trước nhiều vụ việc rò rỉ dữ liệu, thông tin cá nhân trên mạng trong những năm gần đây, chúng ta có thể thấy các âm mưu, thủ đoạn của nhóm tội phạm công nghệ ngày một tinh vi; nhưng cũng một phần lí do đến từ sự chủ quan, lơ là của nhiều người trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình.

Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, Quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân - Đã đến lúc mỗi cá nhân cần tự nhận thức quyền và trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình.

Không biết bao nhiêu lần, tôi buộc phải từ chối tham gia các mẫu khảo sát trực tuyến và trực tiếp. Tôi từ chối, bởi các mẫu khảo sát này đều có yêu cầu bắt buộc: điền email, số điện thoại, ngày tháng năm sinh…

Tôi có thể cam kết những câu trả lời trong các mẫu khảo sát đó là trung thực, chính xác. Nhưng tôi không dám tin vào những cam kết bảo mật thông tin trong các mẫu khảo sát đó rằng ‘thông tin chỉ được phục vụ cho việc nghiên cứu’.

Không chỉ có thế, tôi còn phải chấp nhận từ bỏ những tài liệu, phần mềm tương đối có giá trị, được miễn phí tải về trong một thời điểm nào đó. Nhưng, để nhận được link download miễn phí, tôi phải khai báo một số thông tin cá nhân. Tôi chấp nhận đi tìm tài liệu này ở những nguồn khác, thậm chí bỏ tiền ra mua để không phải cung cấp thông tin cá nhân và vì vấn đề an toàn dữ liệu.

Lộ, lọt thông tin cá nhân là chuyện đã rồi!

Chế tài hay xử lý cũng chỉ là sự đòi hỏi công bằng sau khi nạn nhân lãnh đủ những phiền toái và khủng hoảng. Do đó, quan trọng vẫn là tự bảo vệ mình trên không gian mạng.

Ngày 17/6 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội với mục đích chính là nâng cao ý thức và tạo thói quen cho người sử dụng mạng xã hội để có các hành vi ứng xử đúng đắn, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn lành mạnh.

Trong bộ Quy tắc này có bao gồm quy tắc an toàn bảo mật thông tin, tuân thủ các quy định hướng dẫn về bảo vệ an toàn thông tin cũng như an toàn cho các đối tượng yếu thế khi tham gia mạng xã hội.

Hay trước đó, vào đầu tháng 2, Bộ Thông tin và Truyền thông bắt đầu lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân với nhiều quy định chặt chẽ. Dự thảo này cũng phân loại thông tin thành “dữ liệu cá nhân cơ bản” và “dữ liệu cá nhân nhạy cảm” cùng với các quy định bảo vệ cụ thể, đồng thời có chế tài với cá nhân, tổ chức sử dụng trái phép dữ liệu.

Đó là những tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy cơ quan chức năng đang vào cuộc quyết liệt để bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân. Nhưng trước khi và kể cả khi các quy định, chế tài pháp luật được hoàn thiện, việc mỗi chúng ta tự nâng cao ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân mới là điều quan trọng.

Ắt hẳn nhiều người trong chúng ta đã từng tự hỏi: Tại sao mấy người bán hàng lại biết số điện thoại của mình để mời chào? Rất có thể khi đăng ký tham dự các chương trình khuyến mãi, bốc thăm trúng thưởng hoặc mua hàng online… tại những địa chỉ thiếu tin cậy, hay vì những thói quen “lười biếng” khi sử dụng internet mà chúng ta đã vô tình “mỡ dâng miệng mèo”.

Môi trường mạng đang ngày một phát triển, kèm theo đó là ngày một nhiều những thủ đoạn mới nhằm đánh cắp thông tin. Do đó, chúng ta cần chủ động tự bảo vệ chính mình, mỗi cá nhân cần trở thành một chốt chặn để ngăn ngừa tình trạng rò rỉ thông tin cá nhân.

Không cần những cách thức quá cầu kì, hãy bắt đầu từ việc thay đổi thói quen khi sử dụng internet, như việc đặt mật khẩu mạnh, có độ phức tạp cao cho các tài khoản mạng; hạn chế sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản; hạn chế nhấp vào các liên kết, email đáng ngờ để tránh thiết bị bị nhiễm virus.

Chúng ta cũng cần tìm hiểu kỹ những người lạ, ít quen biết khi các đối tượng này chủ động làm quen, kết bạn trên mạng xã hội. Việc bỏ qua tìm hiểu, xác minh chính là tạo điều kiện cho kẻ gian tiếp cận để thực hiện kế hoạch lừa đảo hoặc lợi dụng nạn nhân để tấn công những người xung quanh.

Một vài thao tác đơn giản, nhưng cần thiết để bảo vệ chính mình và người thân xung quanh trước một môi trường mạng ngày một phức tạp, khó lường!

Theo VOV Giao Thông