'Các địa phương đừng chỉ nhìn mỗi thứ hạng đổi mới sáng tạo'

18/03/2024 | IPS trên Báo chí
Điều quan trọng nhất của Chỉ số PII là giúp địa phương thấy điểm yếu để cải thiện, chứ không phải "thứ hạng bao nhiêu", Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) Nguyễn Quang Đồng nói.

Chia sẻ

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), là người có nhiều năm nghiên cứu chính sách công nghệ số. Chia sẻ với VnExpress về Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương 2023 (PII - Provincial Innovation Index) của Bộ Khoa học và Công nghệ, ông cho rằng đây là thước đo quan trọng, giúp địa phương có thêm động lực đổi mới.
- Với bộ chỉ số PII vừa được công bố, ông thấy đâu là những điểm đáng chú ý?
- Điểm nhấn lớn nhất của PII 2023 là tạo ra thước đo giúp từng địa phương biết mình ở đâu, điểm mạnh - yếu hoặc thiếu trong tiến trình xây dựng, tạo lập môi trường cho đổi mới sáng tạo.
PII đồng thời phác họa bức tranh tổng quát, từ đó, các địa phương nhìn vào nhau, so sánh, tạo động lực lớn hơn cho hành động. Từ phía doanh nghiệp, họ cũng có thêm dữ liệu trong cân nhắc, lựa chọn nơi kinh doanh. Và việc doanh nghiệp nhìn vào chỉ số, tăng đầu tư là sự ghi nhận cho nỗ lực của địa phương.
PII cũng làm tốt được ở khía cạnh phản ánh sát bối cảnh riêng của Việt Nam. Đổi mới sáng tạo bản chất là một tiến trình, trước khi đi đến kết quả còn cần nguồn lực, yếu tố đầu vào. Những chỉ số quốc tế hiện có, khi đánh giá, thường ưu tiên đo kết quả. Trong khi phần lớn các tỉnh đang trong quá trình xây dựng, thực hiện những bước đi đầu tiên. Việc ghi nhận những yếu tố đầu vào - tức nỗ lực đầu tư, gây dựng của địa phương, cũng là cần thiết.
Điểm mạnh của bộ chỉ số này là ghi nhận quá trình thực hiện trong khi chờ đợi những yếu tố đầu vào (như thể chế, chính sách) chuyển hóa thành đầu ra (sản phẩm, kết quả đổi mới sáng tạo). Đánh giá như vậy toàn diện và công bằng hơn. Từ đó khuyến khích các địa phương tốt hơn, so với việc chỉ chăm chăm nhìn vào kết quả.
- Vậy địa phương nên sử dụng bộ chỉ số này như thế nào?
- Địa phương có thể sốt ruột khi nhìn vào thứ hạng là đúng, nhưng quan trọng hơn cần dùng PII như bảng "khám sức khỏe". Biết mình yếu ở đâu hay những gì sẽ đóng góp dài hạn để cải thiện môi trường đổi mới sáng tạo mới là quan trọng nhất.
Có sự ganh đua giữa các nơi cũng tốt, nhưng nếu thực sự muốn cải thiện tình hình, địa phương sẽ phải nhìn nhận, phân tích sâu từng cấu phần, tìm điểm mạnh, yếu để đạt được kết quả cuối cùng. Mỗi địa phương sẽ có đặc thù nhất định, giống như nâng tạ, hạng cân của bạn là 70 kg thì không nên cố ở mức của người 100 kg.
- Nhưng hầu hết địa phương top đầu trong PII đa phần là đô thị lớn, thu nhập cao như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng hay các nơi tập trung khu công nghiệp như Bắc Ninh, Bình Dương. Vậy có bất công với những địa phương quy mô hạn chế hơn?
- Đúng là những tỉnh, thành lớn sẽ có nhiều lợi thế tự nhiên hơn. Tuy nhiên, các địa phương nên nhìn vào thế mạnh hiện có trong đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Thực tế, nhóm ngành đang tăng trưởng mạnh là dịch vụ, tiêu dùng, trong đó, đáng chú ý như thương mại điện tử, truyền thông/quảng cáo, dịch vụ giải trí.
Có một điểm tôi nghĩ chúng ta cần tự hào, cứ 25 game cho điện thoại di động tạo ra trên toàn cầu có một trò chơi của Việt Nam. Và cứ 6 trong 10 game di động được chơi nhiều nhất thuộc về sáng tạo Việt. Game là ngành dịch vụ hiếm hoi xuất khẩu được dịch vụ giá trị gia tăng cao thực sự. Môi trường số, công nghệ số thực sự là môi trường, động lực sáng tạo mới. Các sản phẩm đó cũng được "thử lửa", kiểm chứng bởi thước đo toàn cầu.
Ở những ngành này, hoạt động sáng tạo không phụ thuộc vào vị trí địa lý. Lợi thế của Internet, công nghệ số giúp xóa nhòa khoảng cách, giảm bớt những bất lợi. Những địa phương như Quy Nhơn, Bình Định, Thừa Thiên Huế vẫn có lợi thế cạnh tranh sòng phẳng với các đầu tàu kinh tế như TP HCM, Hà Nội trong phát triển những trung tâm dịch vụ, khoa học. Điều quan trọng là chất lượng môi trường sống, dịch vụ xã hội (y tế, giáo dục, giải trí) để thu hút lao động, doanh nghiệp.
Đây là giai đoạn khác biệt với phát triển kiểu cũ dựa vào FDI, cần nằm trong "vùng phát triển" - với logistics, giao thông tốt, chuỗi công nghiệp phụ trợ. Lợi thế đổi mới sáng tạo của Việt Nam nên nhìn ở ngành sáng tạo, trong đó dịch vụ, du lịch, giải trí, văn hóa là đầu tàu dẫn dắt.
Nhìn rộng ra, lợi thế này khắc phục được điểm yếu của đổi mới sáng tạo trong mô hình dựa nhiều vào công nghiệp chế biến chế tạo trước đây, như chi phí R&D rất cao, cơ sở hạ tầng cứng cho ngành sản xuất tốt và nhân lực khoa học công nghệ phải đông đảo. Đây là điều Việt Nam thất bại trong ba thập kỷ công nghiệp hóa.
Ngược lại, ở những ngành dịch vụ, như công nghệ số, có những ví dụ thành công đáng ghi nhận trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng và tạo ra sản phẩm sáng tạo. Ví dụ ở doanh nghiệp ở Silicon Valley, họ không cần có trụ sở ở Việt Nam mà vẫn làm việc hoặc liên kết với doanh nghiệp Việt. Con đường đưa sản phẩm trí tuệ của doanh nghiệp làm công nghệ ra thế giới cũng dễ dàng nhờ vào hạ tầng số toàn cầu thông qua kết nối internet, hạ tầng điện toán đám mây.
- Một số địa phương có đầu vào (thể chế, vốn con người, nghiên cứu phát triển (R&D), hạ tầng, trình độ phát triển của thị trường, của doanh nghiệp) cho đổi mới sáng tạo tốt, nhưng đầu ra (sản phẩm trí thức công nghệ, tác động) chưa tương xứng. Làm thế nào để đầu ra của hoạt động này hiệu quả?
- Đây là vấn đề khó cho địa phương vì đầu ra - sản phẩm, dịch vụ tốt, mang lại thay đổi đáng kể, lại là câu chuyện của doanh nghiệp. Tạo được một sản phẩm bài bản cần quá trình dài. Trong khi thế mạnh của Việt Nam là học và ứng dụng chứ không phải sáng tạo từ gốc, tức nghiên cứu khoa học, đi theo quy trình phát huy sáng chế.
Từ góc độ này, Việt Nam phần nào đó khá giống với Trung Quốc thập kỷ trước, tức sao chép nhanh. Đồng thời, dưới áp lực cạnh của thị trường, doanh nghiệp điều chỉnh, tạo ra sản phẩm thích ứng với nhu cầu trong nước. Ví dụ từ Uber, Grab, một mô hình xe công nghệ tương tự được phát triển. Ở đây không có mô hình kinh doanh mới hay công nghệ lõi được phát minh, tạo ra nhưng vẫn có yếu tố sáng tạo để thành công ở Việt Nam.
Tôi cho rằng nên thừa nhận đặc tính như thế để doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn vào phân khúc nào trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ở cấp độ quốc gia, thiết kế chính sách sẽ phù hợp hơn so với kiểu đổi mới sáng tạo của phương Tây - đầu tư cho R&D rất bài bản, kết nối trường đại học và doanh nghiệp. Kéo theo đó, vai trò của địa phương là tạo lập môi trường thuận lợi cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chứ không đòi hỏi phải ngay lập tức có kết quả. Trái ngọt sẽ đơm hoa kết trái từ doanh nghiệp. Địa phương là nơi chuẩn bị "đất".
Như vậy, địa phương cần ưu tiên làm tốt những phần mà chỉ có họ mới thực hiện được, gồm các vấn đề liên quan thể chế, hạ tầng, ưu đãi, khuyến khích đầu tư. Không nên dùng một số kết quả của doanh nghiệp như những thước đo chính để đánh giá nỗ lực của chính quyền.
Thực tế còn nhiều dư địa để chính quyền các địa phương thực hiện. Bởi chính sách cho mảng dịch vụ số, sáng tạo vẫn còn khá mờ nhạt. Môi trường thể chế để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh (thủ tục thành lập doanh nghiệp, cấp phép sản phẩm, thuế, bảo vệ tác quyền) còn hạn chế, khiến nhà sáng tạo lo lắng.
- Một điểm nghẽn khác mà nhiều địa phương gặp phải là chất lượng đào tạo và năng suất lao động. Để cải thiện yếu tố quan trọng với đổi mới, sáng tạo này, nếu xét ở cấp địa phương, ông nghĩ cần phải làm gì?
- Giáo dục đúng là điểm yếu cố hữu và càng nghiêm trọng hơn khi thời đại AI đã đến. Giáo dục của chúng ta nặng về truyền đạt kiến thức, học ghi nhớ, trong khi đó Google, rồi hiện nay là Chat GPT đã trả lời mọi thứ thuộc về kiến thức.
Do đó, lĩnh vực này cần thay đổi căn bản triết lý, đó là dạy cách tư duy, đặt câu hỏi và phản biện. Điều này nhằm phát triển năng lực lõi, gồm tư duy phản biện, sáng tạo khi trở thành lao động thời AI và công dân toàn cầu.
Hiện PII chưa phản ánh được vấn đề này. Giáo dục, đào tạo trong chỉ số đang được đo bằng tiền đầu tư vào lĩnh vực này, tỷ lệ lao động qua đào tạo - tức số lượng, mà chưa phản ánh được thay đổi về chất.
Do đó, địa phương nên quan tâm đến hỗ trợ, khuyến khích tư nhân đầu tư vào mảng này. Bởi chỉ có trường tư mới nhanh chóng đưa được những môn như STEAM (phương pháp giáo dục liên ngành, hướng đến trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng tổng hợp từ 5 lĩnh vực là khoa học - công nghệ - kỹ thuật - nghệ thuật - toán học) vào hệ thống. Cần ưu tiên để có những trường tư dẫn dắt, tạo áp lực khiến hệ thống trường công chuyển biến.