Cần hành lang pháp lý để khai thác “mỏ dầu” dữ liệu số

04/03/2023 | IPS trên Báo chí
Vấn đề khai thác một cách hợp pháp, hợp lý và hiệu quả nguồn tài nguyên dữ liệu được ví là “dầu mỏ” đang được đặc biệt quan tâm.
Cần hành lang pháp lý để khai thác “mỏ dầu” dữ liệu số

Chia sẻ

Tại cuộc họp của Ủy ban Quốc gia và Ban chỉ đạo Chuyển đổi số diễn ra cuối tuần qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, năm 2023 sẽ là năm về dữ liệu. Đó là bảo vệ dữ liệu cá nhân; công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành, địa phương; mở dữ liệu để kết nối chia sẻ; an toàn dữ liệu; xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn quốc gia; xử lý dữ liệu số để tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế.

Theo kế hoạch của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, năm 2023 sẽ có 5 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là phát triển dữ liệu mở; phát triển cơ sở dữ liệu; phát triển các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia, phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, nhiệm vụ năm 2023 là 100% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch về dữ liệu mở, bao gồm tối thiểu 3 nội dung: danh mục dữ liệu mở; kế hoạch công bố dữ liệu mở của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý; mức độ tối thiểu cần đạt được trong từng giai đoạn của kế hoạch. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cung cấp hoặc cung cấp lần đầu dữ liệu mở theo kế hoạch.

Theo ông Nguyễn Kim Hùng, quyền Viện trưởng Viện Khoa học và Quản trị kinh tế số Việt Nam, dữ liệu số là tài nguyên quý giống như dầu thô. Chúng ta đã có Hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, nhưng chưa chia sẻ cho đông đảo các thành phần kinh tế tham gia, nên chưa phát huy được tác dụng với nền kinh tế số.

“Chúng ta cần có một ban đặc thù về phát triển kinh tế số. Cùng với đó, phân tích xem cần xây dựng những đạo luật, nghị định, thông tư nào để phục vụ mục tiêu, chia vai trò và phân cấp xuống từng bộ, mỗi bộ làm một khâu, nhận trách nhiệm và giao trách nhiệm. Riêng với dữ liệu số, cần xây dựng và thực thi chiến lược dữ liệu mở bằng cách tạo ra một hành lang pháp lý phù hợp để khai thác giá trị, chia sẻ và sử dụng dữ liệu một cách tối ưu nhất”, ông Nguyễn Kim Hùng khuyến nghị.

Trong khi đó, TS. Đặng Trần Thái (Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn VinBigdata) cho rằng, để khai thác được dữ liệu hiệu quả, Chính phủ và các doanh nghiệp cần xác định rõ nhu cầu và bài toán kinh tế. “Dữ liệu là một loại tài nguyên, do đó Chính phủ cần xây dựng cơ chế, luật về thu thập, khai thác và sử dụng. Đồng thời, các chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân cũng cần được đẩy mạnh”, ông Thái đề xuất.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), dữ liệu cá nhân đang được sử dụng một cách vô tội vạ và không theo chuẩn mực nào cả. Do vậy, phải có luật để dữ liệu của người dân được bảo vệ. Khi có luật, doanh nghiệp hay tổ chức nào đó sẽ phải tự chấn chỉnh quy trình sử dụng dữ liệu, chính quyền cũng định hình lại vai trò kiến trúc về mặt dữ liệu và kế hoạch sử dụng…

“Mỗi địa phương, mỗi ngành phải tư duy chuyển đổi số, dữ liệu số thì ưu tiên và trọng tâm là gì, dữ liệu sẽ phải phục vụ đặc thù riêng của địa phương, của ngành để nâng cao hoạt động hiệu quả và chọn ra những bài toán quan trọng nhất và dùng dữ liệu để giải bài toán đấy”, ông Đồng nói.

Năm 2023 là năm đầu tiên kiến tạo và sử dụng dữ liệu của quốc gia phục vụ nhân dân và hỗ trợ doanh nghiệp. Đó cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và cả cung cấp dịch vụ liên quan đến thị trường, khách hàng. Tuy nhiên, do nguồn dữ liệu được thu thập đến từ người dân, nên vấn đề thu thập, xử lý, cung cấp dữ liệu cần sớm có các quy định để doanh nghiệp không bị “việt vị”.

Theo Báo Đầu tư