Chiêu trò lừa đảo qua mạng lại nở rộ

24/07/2019 | IPS trên Báo chí
Nhiều vụ lừa đảo đã thành công vì sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết, lòng tham của người dùng.

Chia sẻ

Mặc dù trên các phương tiện truyền thông đại chúng có rất nhiều thông tin, cảnh báo về những vụ lừa đảo trên mạng internet nhưng tình trạng này vẫn âm thầm diễn ra và bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân.

Các đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội thay đổi các chiêu trò khiến hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi hơn. Nhiều vụ lừa đảo đã thành công vì sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết, lòng tham của người dùng.

Điều đáng nói là nguyên nhân của việc bị kẻ xấu lựa chọn làm đối tượng lừa đảo là do người dùng để lộ thông tin cá nhân. Thêm vào đó, các chế tài xử lý tội phạm lừa đảo trên mạng chưa đủ mạnh, đủ rộng và hiệu quả để chấm dứt các hành vi lừa đảo trên mạng.


Nhiều chiêu trò lừa đảo


Là người thường xuyên mua hàng trên các kênh bán hàng qua tivi, bà NTT (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã cung cấp số điện thoại di động, địa chỉ nhà riêng để nhận hàng tại nhà. Bà NTT không ngờ rằng các thông tin của mình lại bị bên thứ 3 biết được.

Trong một lần đặt mua hàng trên mạng, bà T nhận được cuộc gọi từ số 09062260xx thông báo bà đã trúng thưởng một cặp vé đi du lịch nước ngoài, cùng bộ vật dụng gia đình rất có giá trị và mời bà đi nhận thưởng.

Khi nhận thấy bà T có chút nghi ngại, người gọi điện tự xưng là thuộc bộ phận chăm sóc khách hàng của đơn vị liên kết với nhà mạng mà bà đã dùng nhiều năm nay.


Để tăng phần tin tưởng, người gọi còn đọc thông tin địa chỉ nhà bà cùng các thông tin cá nhân, đồng thời chào mời: “Nếu bà không đến nhận quà được, nhân viên nhà mạng sẽ đưa xe đến đón…”.

Thấy bà NTT bớt nghi ngại, người gọi lại  yêu cầu bà T chuẩn bị một số giấy tờ cá nhân, tiền đặt cọc là tiền nộp thuế khi nhận giải… Nghi ngờ vì việc trúng thưởng “bất thường” bà NTT đã không cung cấp các thông tin và bảo sẽ hỏi ý kiến gia đình rồi liên lạc lại số điện thoại này.

Ngay sau khi kết thúc cuộc trò truyện, số điện thoại được dùng để gọi đến cho bà NTT không liên lạc lại được nữa và số này cũng không gọi lại cho bà T nữa. Trường hợp này bà T đã may mắn không bị mắc bẫy lừa đảo nhưng trên thực tế, hàng ngày có rất nhiều vụ lừa đảo diễn ra chót lọt mà nguyên nhân là người dùng đã vô tình để lộ thông tin cá nhân.


Lộ thông tin cá nhân là hiện tượng phổ biến, thống kê cho thấy có đến 80% nguyên nhân lộ thông tin xuất phát từ những hành vi tự nguyện cung cấp thông tin cá nhân của chính người sử dụng. Hậu quả là hàng loạt vụ lừa đảo trúng thưởng qua điện thoại bằng cách rất đơn giản là người được nhận thưởng phải nộp trước một khoản tiền thuế thu nhập không thường xuyên… nhưng vẫn rất nhiều người bị sập bẫy vì tin sẽ được nhận phần thưởng có giá trị cao.

Kẻ lừa đảo chỉ cần nhận 10% tiền thuế của 1 chiếc xe máy, 1 chiếc đồng hồ trị giá vài chục triệu,.. bằng việc yêu cầu người được trúng thưởng nạp tiền thuế qua thẻ cào điện thoại hoặc chuyển tiền vào tài khoản giả mạo. Và sau khi "con mồi" đã nhắn mã thẻ cào điện thoại hoặc chuyển tiền thì đa phần “số thuê bao vừa gọi đã ngoài vùng phủ sóng”. Tội phạm luôn cố gắng xóa sạch mọi dấu vết nhanh nhất có thể sau khi lừa đảo thành công.


Nếu tìm kiếm cụm từ “Lừa đảo trúng thưởng” trên Google, có thể thấy hàng loạt vụ như “Lừa đảo qua điện thoại, chiêu cũ vẫn đầy nạn nhân mới”, “Cảnh giác với chiêu thức lừa đảo trúng thưởng đồng hồ hiệu”, “Chiêu lừa trúng thưởng qua điện thoại lại nở rộ”, “Chúc mừng, bạn đã trúng thưởng iPhone”... Cá biệt có những trường hợp bị lừa, rút tiền trong tài khoản tiết kiệm, tín dụng… để chuyển cho tội phạm.


Đại tá Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an chia sẻ: Sử dụng không gian mạng internet để lừa đảo trong giai đoạn vừa qua cũng diễn ra rất là phức tạp. Trong đó tập trung chủ yếu và các loại hình như qua tin nhắn rác từ các số điện thoại lừa đảo; giả danh người nước ngoài nhắn tin làm quen và gửi quà tặng về Việt Nam; nhắn tin lừa trúng thưởng đề nghị nộp một số tiền, để sau đó được nhận phần thưởng…


Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, có tới 80% số người sử dụng điện thoại di động dễ dàng cung cấp thông tin về số điện thoại của mình ở siêu thị, các cửa hàng và đặc biệt là trên các nền tảng bán hàng trực tuyến.

Trong số đó, nhiều người không để ý rằng những thông tin mà họ cung cấp có thể trở thành phương tiện để kẻ lừa đảo lợi dụng, trục lợi. Dễ dàng có được thông tin cá nhân để tiến hành lừa đảo chính là một trong những nguyên nhân của việc bùng phát và không thể kiểm soát được hành vi lừa đảo trên mạng.


Khó xử lý hành vi lừa đảo trên mạng


Trước những hành vi lừa đảo ngày càng gia tăng về số vụ và tinh vi về phương thức, Luật An ninh mạng của Việt Nam với 7 chương, 43 điều đã được Quốc hội khoá XIV thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/12019. Luật An ninh mạng quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Các tổ chức, cá nhân không được sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội như chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng Internet, trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền internet, vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng…


Đặc biệt, vấn đề bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư dữ liệu của người sử dụng cũng được quy định trong Luật An ninh mạng. Tuy nhiên theo phân tích của ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông IPS, Hội Truyền thông số Việt Nam, thì trong Luật An ninh mạng thì có hai lĩnh vực mà nổi bật rõ nhất là tấn công mạng và vấn đề về dữ liệu, quyền riêng tư dữ liệu của người dùng.

Trong đó vấn đề dữ liệu, quyền riêng tư của dữ liệu là một vấn đề tương đối mới không chỉ với Việt Nam mà đối với cả thế giới nên Luật An ninh mạng chưa thể bao phủ, xứ lý các vi phạm trên mạng.


Thạc sỹ Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật S & B chia sẻ:  Loại hình tội phạm công nghệ cao gần đây ngày càng nhiều, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và đe doạ đến an ninh, an toàn mạng. Hình thức tội phạm sử dụng công nghệ cao đã được quy định cụ thể trong Bộ Luật Hình sự. Hiện nay theo các quy định của Bộ Luật Hình sự thì chế tài quy định rất nặng, từ chế tài từ phạt hành chính, phạt tiền, phạt bổ sung thậm chí có thể xử phạt tù chung thân.


Hình thức tuyên truyền, phát tán nội dung phản động bằng tờ rơi như kiểu truyền đơn, thì có thể bị đi tù từ 15- 20 năm. Nhưng như chia sẻ của ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục Trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông thì khi cá nhân núp dưới tài khoản ảo, cung cấp thông tin trên mạng có thể tác động đến hàng triệu người, và hiện chưa giải pháp hiệu quả và biện pháp hợp lý để xử phạt tất cả những đối tượng vi phạm này.

Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015 về tội truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ quy định phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với người có hành vi: sao chép, ưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách báo, tranh ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi truỵ…

Cao hơn là mức phạt tù từ 7-15 năm đối với trường hợp dữ liệu về nội dung khiêu dâm, đồi truỵ được số hoá có dung lượng 10Gb trở lên, hoặc sách báo in có số lượng 101 đơn vị trở lên, ảnh bản giấy có số lượng 501 ảnh trở lên; hoặc đã phổ biến cho 101 người trở lên.

Mặc dù trong Luật đã có những quy định xử phạt cụ thể, nhưng trên thực tế do tốc độ lan truyền của tin thất thiệt trên mạng xã hội nhanh hơn và khó có thể ngăn chặn triệt đề, đề phòng…, phạm vi ảnh hưởng rộng rãi. Không chỉ Việt Nam mà các nước đều phải phải đối mặt với những mặt trái tiêu cực xảy ra trên mạng internet. Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam có ý kiến, Việt Nam cần xây dựng một nền “văn hoá số”, quy định là chuẩn mực hành vi của từng “công dân số”.

Trong môi trường mạng, công dân số phải là những người có ý thức tự bảo vệ thông tin cá nhân, coi đó là tài sản số, không dễ dàng cung cấp lên mạng, website mua hàng trực tuyến, các đơn vị thu thập dữ liệu bằng cách khuyến mại sản phẩm…

Quan trọng hơn nữa là bất cứ ai khi tham gia mạng xã hội cần biết rằng, các thông tin, hình ảnh, clip mà tự mình đăng tải có thể sẽ dễ dàng trở thành “công cụ” để tội phạm mạng tấn công người sử dụng. Để làm được điều này, cần giáo dục, nâng cao nhận thức để người sử dụng hiểu biết, có trách nhiệm với các chia sẻ trên môi trường mạng./.

Theo BNews