Chính sách AI trong kỷ nguyên vươn mình: Thúc đẩy phát triển, kiểm soát rủi ro

21/04/2025 | Kinh tế số
Chiều ngày 15/4/2025, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) đã tổ chức tọa đàm “Xây dựng chính sách pháp luật về công nghệ trí tuệ nhân tạo trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Chính sách AI trong kỷ nguyên vươn mình: Thúc đẩy phát triển, kiểm soát rủi ro

Chia sẻ

Tọa đàm diễn ra theo hình thức trực tuyến, với sự tham dự của nhiều chuyên gia quốc tế, đại diện cơ quan quản lý nhà nước và các trường đại học. Sự kiện là hoạt động tiếp nối chuỗi nỗ lực đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, đặc biệt là nội dung về trí tuệ nhân tạo – một công nghệ then chốt trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong phần tham luận chuyên đề, các chuyên gia quốc tế và trong nước đã mang đến những góc nhìn đa chiều về chính sách phát triển và quản trị rủi ro AI. Giáo sư Martin Ebers (Đại học Humboldt, CHLB Đức) lưu ý rằng Việt Nam không nên xem Đạo luật AI của Liên minh châu Âu như một khuôn mẫu để sao chép, bởi mỗi quốc gia có điều kiện phát triển, hệ thống pháp lý và mức độ sẵn sàng khác nhau; việc điều chỉnh AI cần xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và năng lực quản lý nội tại. Cùng quan điểm này, Giáo sư Jeannie Paterson (Đại học Melbourne, Úc) giới thiệu kinh nghiệm của Úc trong xây dựng khung quản trị rủi ro AI dựa trên nguyên tắc – một phương pháp linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát những hệ thống có khả năng gây tác động cao. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của các khung pháp lý mềm như hướng dẫn kỹ thuật, quy tắc đạo đức, đồng thời kêu gọi Việt Nam nên tiếp cận quản trị AI theo vòng đời hệ thống để kịp thời phát hiện và xử lý các rủi ro.

Từ góc nhìn khoa học kĩ thuật, Giáo sư Trần Thanh Long (Đại học Warwick, Anh) chia sẻ quan sát thực tiễn về ảnh hưởng của chính sách đến hoạt động nghiên cứu và phát triển AI tại Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh (UK). Ông cảnh báo về nguy cơ các quy định pháp luật nếu thiếu đồng bộ hoặc quá chặt chẽ sẽ cản trở sáng tạo và làm chậm tốc độ bắt kịp xu thế toàn cầu. Những phân tích này đã đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng cho Việt Nam trong việc định hình chính sách AI phù hợp với trình độ phát triển, đồng thời không bỏ lỡ cơ hội trong cuộc cạnh tranh công nghệ toàn cầu.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Eunice Huang – Giám đốc Chính sách AI và Công nghệ mới nổi khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Google cho rằng chính sách pháp luật về AI cần duy trì sự linh hoạt và khả năng hỗ trợ đổi mới, tránh tạo rào cản cho thử nghiệm công nghệ mới. Chẳng hạn, quy định dán nhãn sản phẩm do AI tạo ra cần khả thi về mặt kĩ thuật và tránh tạo ra các hậu quả không mong muốn, quy định trách nhiệm cho các chủ thể liên quan đến AI cần được phân biệt rõ ràng và phù hợp với vai trò cũng như khả năng của từng bên.

Những phân tích và thảo luận sâu sắc tại tọa đàm không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ kinh nghiệm hay nhận diện thách thức, mà còn mang ý nghĩa thực tiễn to lớn trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Các góp ý từ chuyên gia quốc tế và trong nước đã cung cấp thêm căn cứ quan trọng để hoàn thiện cách tiếp cận chính sách theo hướng cân bằng giữa thúc đẩy phát triển và kiểm soát rủi ro.