Phát triển công nghệ phải đi cùng với bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ảnh: BÁO CHÍNH PHỦ
Những ngày cuối năm 2024, giới công nghệ, đầu tư, doanh nhân bàn tán "xôn xao" về sự kiện NVIDIA và Chính phủ Việt Nam thỏa thuận thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) - VRDC, trung tâm dữ liệu ở Việt Nam.
Trên nghị trường trước đó, Quốc hội thông qua Luật Dữ liệu; thảo luận dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, đưa dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân vào chương trình năm tới. Những chính sách trong các đạo luật nói trên về AI, dữ liệu, bán dẫn nếu được thiết kế phù hợp sẽ là nền tảng cho VRDC, Trung tâm dữ liệu, hay hạ tầng công nghệ vận hành hiệu quả; các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), start-up công nghệ có "đất" để lớn lên.
Lập pháp thay đổi để phát triển công nghệ
Hình ảnh Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA Jensen Huang cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính ngồi uống bia trên phố đêm đông Hà Nội sau khi ký thỏa thuận mang tính biểu tượng rất cao, cho thấy "đại bàng lớn" - bigtech đã chọn Việt Nam để "làm tổ". Trong nước cũng cần rất nhiều SME và không thể thiếu các doanh nghiệp công nghệ, ứng dụng công nghệ, các công ty khởi nghiệp AI.
Theo một khảo sát, năm 2024 Việt Nam có hơn 750 công ty AI start-up, đứng thứ hai ở Đông Nam Á sau Singapore; gọi vốn được khoảng 43 triệu USD, trung bình hơn 60.000 USD/start-up, tức quy mô còn nhỏ. Để nuôi dưỡng các công ty công nghệ trong nước này cần một hệ thống pháp luật thật rõ ràng về công nghệ, cần các chính sách "khơi thông" dòng chảy, thúc đẩy đổi mới - sáng tạo, đảm bảo quyền tự do kinh doanh hiến định. Trong công nghệ số, cần thêm chính sách thúc đẩy và kiểm soát rủi ro của AI, chip bán dẫn, blockchain, dữ liệu, hỗ trợ SME.
Bên cạnh đó, AI phổ biến thay thế con người làm khá nhiều việc, một bộ phận người lao động lo lắng sẽ mất việc làm. Để có chính sách việc làm theo kịp sự phát triển nhanh chóng AI, câu hỏi mấu chốt ở đây là: AI - công nghệ làm được gì và không làm được gì? Khi đã xác định rõ câu trả lời, Nhà nước có thể định hình phương hướng chung về việc làm từ cấp độ cá nhân người lao động đến tổ chức/doanh nghiệp chính sách quốc gia.
Các cơ quan, doanh nghiệp rất cần lao động có khả năng sử dụng AI, biết cách làm việc cùng AI để nâng cao hiệu quả lao động. Vậy thì Bộ luật Lao động, Luật Việc làm (đang được thảo luận ở Quốc hội) cũng cần có những quy định để khuyến khích người lao động tự tìm tòi học hỏi, doanh nghiệp tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực cho người lao động để phù hợp với cấu trúc phân bổ việc làm đã thay đổi thời AI. Các trường đại học, trường nghề phải thiết kế lại chương trình cho phù hợp…
Các cơ quan nhà nước càng cần nhiều nhân sự có khả năng sử dụng AI. Vậy Luật Công chức cũng phải có những điều chỉnh cho thích hợp để các đơn vị đào tạo cho công chức, hoặc Chính phủ có chương trình chuyển đổi đồng loạt cho người lao động.
Đặc biệt, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp cần được sửa đổi để có cơ sở cho hệ thống giáo dục và đào tạo thực hiện vai trò chuẩn bị cho người lao động sẵn sàng với công nghệ; trang bị cho học sinh, sinh viên các kỹ năng AI từ cơ bản đến nâng cao tùy vào từng cấp học; coi AI là một thành phần cốt lõi trong chương trình. Giáo dục STEM với trọng tâm vào kiến thức về AI, các mô hình học tập dựa trên kỹ năng số, bao gồm các chương trình học nghề là những chính sách phù hợp để có lực lượng lao động sẵn sàng.
Biến dữ liệu thành tài sản
Khách du lịch ở qua đêm phải đưa căn cước công dân để nhân viên lễ tân khách sạn, nhà khách chụp lại gửi thông tin cho công an cấp xã gọi là để đăng ký lưu trú. Dữ liệu khách lưu trú được chia sẻ để các cơ quan nhà nước thống kê, báo cáo nhưng chưa có cơ sở pháp lý cho các tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận để phân tích tình hình, cải thiện hiệu quả kinh doanh du lịch. Khung pháp lý về dữ liệu hiện đã hoàn chỉnh để lưu trữ, kết nối, chia sẻ, sử dụng vào quản lý nhà nước. Nhưng bao nhiêu đó chưa đủ, làm sao để dữ liệu trở thành "nguồn tài nguyên dùng chung" để cả xã hội cùng khai thác, sử dụng tạo ra giá trị gia tăng tốt hơn, phục vụ nhiều tiện ích hơn cho con người.
Về lâu dài, việc mở kho tài nguyên dữ liệu hợp lý có thể mang lại hiệu quả kinh tế lớn, tăng động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp, tạo việc làm và góp phần nâng cao hiệu suất của nền kinh tế. Lộ trình mở dữ liệu để khai thác đi qua các bước như khai thác nội bộ trong ngành, chia sẻ cho cùng địa phương, "mở" có thu phí đối với một số giao dịch dữ liệu (ví dụ dịch vụ xác thực eKYC), và sau cùng là tạo và khai thác dữ liệu mở (open data). Một khi đã có dữ liệu mở, cần có quy định điều kiện được cung cấp dịch vụ trung gian, dịch vụ tổng hợp, phân tích dữ liệu một cách minh bạch. Quy định này không tạo thêm rào cản cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong tiếp cận, khai thác nguồn "tài nguyên" mới này.
Bên cạnh đó, thực tế triển khai các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng đặt ra những vấn đề cần giải quyết khi Quốc hội xem xét dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo nội dung dự luật, các doanh nghiệp sẽ phải xây dựng các hệ thống bảo mật tiên tiến, cóp nhân viên bảo vệ dữ liệu. Các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ dữ liệu có thể cản trở đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ cao. Trong khi đó, việc tối ưu hóa dữ liệu công khai để đào tạo các mô hình AI sẽ thúc đẩy đổi mới phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Như vậy, việc bảo vệ dữ liệu các quy định về quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân cần hài hòa, cân bằng với tạo điều kiện sử dụng dữ liệu vào nghiên cứu, sáng tạo. Có thể cho phép sử dụng lại dữ liệu cá nhân vào mục đích khác mà không xâm phạm quyền, lợi ích của chủ thể dữ liệu, việc sử dụng này phải có biện pháp bảo mật tương thích. Đặc biệt, việc này phải được chủ thể dữ liệu đồng ý. Pháp luật về bản quyền cũng điều chỉnh để hỗ trợ đổi mới sáng tạo, có các ngoại lệ tương tự như trường hợp Singapore cho phép các nhà phát triển AI dùng dữ liệu để đào tạo các mô hình AI tương tác với các nguồn thông tin và tập dữ liệu khác nhau.
"Năm 2024 có tổng cộng 29 luật, 42 nghị quyết đã được thông qua tại hai kỳ họp Quốc hội (trong khi 6 kỳ họp trước của Quốc hội khóa này có 43 luật, 60 nghị quyết được thông qua). Bên cạnh những luật về lĩnh vực đầu tư, tài chính, quản lý tài sản công có những dự án luật rất mới, phù hợp xu thế phát triển như Luật Dữ liệu và Luật Công nghiệp công nghệ số… Quốc hội cũng đã cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.
Năm 2024 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng họp đến 36 phiên để xem xét, cho ý kiến đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết do Chính phủ trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thông qua hơn 360 nghị quyết.
Lãnh đạo Quốc hội nhận định cường độ làm việc lớn là để nâng chất công tác lập pháp đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới, đồng thời tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội." - Tiến Long
Theo Tuổi trẻ cuối tuần.