Chính sách thúc đẩy AI có trách nhiệm tại Việt Nam

AI có trách nhiệm đề cập đến việc xác định và giải quyết các rủi ro do AI tạo ra trong nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, lao động, môi trường... Việc giải quyết rủi ro trong mỗi lĩnh vực cần sự phối hợp của nhiều giải pháp khác nhau.
Chính sách thúc đẩy AI có trách nhiệm tại Việt Nam

Chia sẻ

Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm (Responsible AI) đang trở thành từ khóa được nhắc đến trong rất nhiều cuộc thảo luận về phát triển và ứng dụng công nghệ này. Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), AI có trách nhiệm đề cập đến việc xác định và giải quyết các rủi ro do AI tạo ra trong nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, lao động, môi trường... Việc giải quyết rủi ro trong mỗi lĩnh vực cần sự phối hợp của nhiều giải pháp khác nhau.

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học "Phát triển và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm: Lý luận và Thực tiễn" chụp ảnh lưu niệm

Về mặt chính sách nhằm quản lý và hạn chế các rủi ro của AI, ông Đồng cho rằng cần nghiên cứu và lựa chọn cách tiếp cận chính sách phù hợp với bối cảnh phát triển của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam nên cân nhắc sử dụng các công cụ chính sách "mềm dẻo" như bộ quy tắc ứng xử hay tiêu chuẩn công nghệ thay vì ban hành các quy định pháp luật "cứng".

Các bộ quy tắc ứng xử, tiêu chuẩn công nghệ vừa giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, vừa giúp hình thành các thực hành tốt để giảm thiểu rủi ro. Trong khi đó, việc ban hành các quy định "cứng" sẽ tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp và không đạt hiệu quả cao nếu cơ quan quản lý chưa có đầy đủ năng lực giám sát thực thi đối với các vấn đề công nghệ.

-----
Sáng ngày 28/02/2024, ông Nguyễn Quang Đồng đã tham gia phát biểu góp ý tại Hội thảo “Phát triển và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm: Lý luận và Thực tiễn” do Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Hội thảo phục vụ việc xây dựng Bộ nguyên tắc và một số hướng dẫn cho phát triển AI có trách nhiệm ở Việt Nam nhằm tăng cường đối thoại chính sách với các cơ quan hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp, giới học thuật và các bên liên quan khác.