Ứng dụng sandbox, ngăn chặn các mối đe dọa trong hệ điều hành
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mới đây đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về Cơ chế thử nghiệm (sandbox) có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng...
Các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và các nhà quản lý cấp cao của nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng cũng thảo luận về các giải pháp công nghệ mới đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Hiện có hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số. Vấn đề bảo mật, an toàn rất được quan tâm.
Sự phát triển fintech của Việt Nam rất nhanh, tiềm năng lớn nhưng còn nhiều hạn chế, rủi ro cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư, do quy định pháp lý chưa rõ ràng, vẫn còn những khoảng trống cần hoàn thiện để thị trường tài chính số phát triển bền vững...
Cơ chế thử nghiệm sandbox trong lĩnh vực fintech đã được Ngân hàng Nhà nước bắt đầu nghiên cứu từ năm 2019. Trong giai đoạn 2016-2021 Việt Nam mới chỉ có hai cơ chế thí điểm có cách tiếp cận tương tự như một Sandbox (khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới) là taxi công nghệ và Mobile Money. Đến nay, các sandbox vẫn “vắng bóng” tại Việt Nam.
Tới thời điểm hiện nay, theo Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng và đang hoàn thiện trên cơ sở đóng góp ý kiến của các bộ, ngành và sẽ trình lại Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Dự thảo hiện tại đang nhấn mạnh vào dịch vụ cho vay ngang hàng nhưng chỉ riêng trong lĩnh vực ngân hàng, sandbox còn cần thiết cho các dịch vụ khác như dịch vụ vay – gửi tiền, chấm điểm tín dụng, tiền điện tử, thanh toán, chuyển tiền…
“Việc chưa có Sandbox không chỉ ảnh hưởng chung đến môi trường kinh doanh của Việt Nam, gây khó khăn cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, mà còn làm thiệt hại, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. “Ví dụ như dịch vụ P2P, các app mọc như nấm, lừa đảo các kiểu… chịu hậu quả cuối cùng là khách hàng, người tiêu dùng.”- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng chia sẻ.
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh các dịch vụ dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước thì có nhiều dịch vụ cũng cần sandbox, như trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, đầu tư. Xu hướng giao dịch điện tử (e-trading), giao dịch sao chép (copy trading), giao dịch tần suất cao (high frequency trading), tư vấn đầu tư tự động (robo advice), InsurTech sẽ rất cần sandbox để kiểm tra tính khả thi của các ý tưởng trước khi được cung cấp chính thức và rộng rãi trên thị trường.
Hoàn thiện khung pháp lý, kinh nghiệm từ quốc tế
Viện trưởng Kinh tế Việt Nam PGS, TS Bùi Quang Tuấn cho rằng, khi xây dựng cơ chế thử nghiệm cho Fintech và kinh tế tuần hoàn, kinh tế số cần làm rõ các giải pháp về điều kiện thi hành, tính đồng bộ của cơ chế, chính sách. Hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý.
Chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực cho rằng, Sandbox của Việt Nam nên lựa chọn mục tiêu thử nghiệm chính sách như Thái Lan và Singapore, cần tuyển chọn kỹ lưỡng số lượng tổ chức tham gia vào thử nghiệm (khoảng 5 -10 đơn vị/sandbox). Như vậy, sẽ phù hợp với nguồn lực giám sát của NHNN hiện nay. Kết quả của sandbox sẽ là cấp phép đầy đủ cho fintech hoặc những cải cách về pháp lý trong dài hạn tại Việt Nam.
“Tại Việt Nam, mô hình Fintech kết hợp với Tổ chức tín dụng triển khai các loại hình sản phẩm dịch vụ khá là phổ biến. Vấn đề đặt ra là đảm bảo an toàn cho việc kết nối dữ liệu giữa hai tổ chức này, tránh rủi ro rò rỉ thông tin, rủi ro danh tiếng, … Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét thử nghiệm ban hành chuẩn dữ liệu mở, Trung tâm cơ sở dữ liệu chung giữa các ngân hàng và fintech” - TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Về dài hạn, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định Cơ chế thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, làm tiền đề để xây dựng các Sandbox trong các lĩnh vực khác. Nhìn sang người đi trước như Anh, Singapore, Úc, những quốc gia này đều định hướng xây dựng cơ chế thử nghiệm sandbox rất đa dạng, bao trùm tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế số; tất cả các đối tượng Fintech từ nhỏ đến lớn, từ rủi ro thấp đến cao. Như tại Thái Lan cho thấy việc triển khai nhiều sandbox đã thúc đẩy thị trường tài chính nói chung (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán). Ở các lĩnh vực khác nhau thì mô hình sandbox cho hoạt động fintech nên theo chuẩn chung là có cấp phép, có kiểm soát, có “cởi mở” để vẫn khuyến khích sự sáng tạo mà vẫn kiểm soát được rủi ro với nền kinh tế số.
Thể chế sandbox là cách tiếp cận mới, hiện đại cho quản lý nhà nước trong bối cảnh thế giới không ngừng đổi mới sáng tạo, ngày càng xuất hiện nhiều hình thức đầu tư và mô hình kinh tế mới. “Thay vì chờ đợi đến khi các nước khác đã thực hiện xong rồi mới rút kinh nghiệm và tiếp thu, Việt Nam cần sớm triển khai thực hiện để có cơ hội bắt kịp và đi cùng sự phát triển với các nước tiên tiến” - PGS, TS Bùi Quang Tuấn bày tỏ.
-----
Chính phủ cần ban hành càng sớm càng tốt Nghị định Cơ chế thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, làm tiền đề để xây dựng các sandbox trong các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, khi triển khai cơ chế thử nghiệm sandbox cho hoạt động fintech, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu các giải pháp để đảm bảo an toàn bảo mật thông tin khi chia sẻ dữ liệu giữa Ngân hàng và các công ty fintech. Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét thử nghiệm ban hành chuẩn dữ liệu mở (open data) hoặc thành lập Trung tâm cơ sở dữ liệu chung giữa các ngân hàng và Fintech để tránh rủi ro trong quá trình chia sẻ dữ liệu. (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng)
Theo Kinh tế & Đô thị