Ông Nguyễn Quang Đồng đưa ra đánh giá tổng quan về sự gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe do tốc độ già hóa dân số nhanh ở Việt Nam dẫn đến gánh nặng trong quản trị y tế và vai trò của công nghệ với sự tiên phong của doanh nghiệp start-up đi kèm với lợi ích của khai thác dữ liệu một cách an toàn để phản ứng lại thách thức này.
Ảnh: Ông Nguyễn Quang Đồng trình bày tại phiên chuyên đề về chuyển đổi số trong quản trị y tế, trong khuôn khổ hội nghị Chuyển đổi số y tế quốc gia. (Nguồn: Viettimes)
An toàn dữ liệu là một tiêu chuẩn của chính phủ số bền vững, vì vậy khi nhu cầu khai thác dữ liệu y tế trên thị trường là có thực nên có cơ chế pháp lý rõ ràng để những chủ thể có nhu cầu được tiếp cận, sử dụng dữ liệu trong khi nhà nước vẫn nắm quyền quản trị dữ liệu của mình và người dân được đảm bảo quyền riêng tư cá nhân ở mức cần thiết.
Viện trưởng IPS đề nghị cơ chế thử nghiệm chính sách (regulatory sandbox) để giải quyết vấn đề này. Về mặt pháp lý, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông nên có nhóm làm việc chung (task force) để ra trước ‘sandbox’, tạo cơ chế khai thác dữ liệu y tế. Bộ Y tế có trung tâm dữ liệu tiếp nhận dữ liệu từ bệnh viện. Sau khi được phi định danh hoá (gỡ bỏ các thông tin cá nhân xác định người bệnh), dữ liệu này trở thành dữ liệu thứ cấp có thể chia sẻ và khai thác. Khi thực thi ‘sandbox’ việc khai thác cần thí điểm trước cho các bên ưu tiên (ví dụ cho nghiên cứu y khoa, dược khoa, ngành bảo hiểm nhân thọ,...) đồng thời cũng thí điểm cơ chế thu phí hay không thu phí đối với tiếp cận dữ liệu. Nhưng về mặt dài hạn, nguyên tắc tiếp cận dữ liệu nên là bình đẳng và công khai (dù có thu phí hay không thu phí) với tất cả các doanh nghiệp; tránh tình trạng một số nhà thầu xây dựng hệ thống, phần mềm y tế được trao đặc quyền tiếp cận”.
Ông Nguyễn Quang Đồng thẳng thắn nêu quan điểm: Việt Nam thiếu chiến lược về dữ liệu y tế với quy định tường minh về tiếp cận dữ liệu y tế - vốn rất nhạy cảm này (Nguồn: Viettimes)
Nhìn dài hạn hơn nữa, ông Đồng đề xuất Việt Nam cần sớm có một đạo luật chung về dữ liệu. Đạo luật này xác định rõ nguyên tắc bảo mật dữ liệu, phân loại cấp độ nhạy cảm của dữ liệu, phạm vi quyền lợi và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào quá trình tạo ra và khai thác dữ liệu. Từ đó, ngành Y tế với đặc thù của mình sẽ xây dựng quy định bảo vệ dữ liệu của người dùng với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt.