Chuyển đổi số y tế: Hai điểm nghẽn lớn nhất cần nhanh chóng tháo gỡ

01/01/2021 | IPS trên Báo chí
Liên quan đến việc phát triển hệ sinh thái y tế số dựa trên cơ sở khai thác dữ liệu số, Doanh nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) xoay quanh việc nguồn tài sản quý của ngành y tế là dữ liệu y tế đã được khai thác hiệu quả hay chưa?

Chia sẻ

Chuyển đổi số y tế là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 6/2020. Khi chuyển đổi số y tế, dữ liệu khám chữa bệnh trở thành tài sản quý của ngành y. Nếu như dữ liệu khám bệnh mấy chục năm qua của bệnh nhân được lưu trữ, được phân tích thì sẽ hỗ trợ rất nhiều cho bác sĩ mỗi lần thăm khám, rất hữu hiệu trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tư vấn cho người bệnh trong sinh hoạt, giữ gìn sức khoẻ.

Như vậy, chuyển đổi số y tế sẽ góp phần hình thành con người số y học, trên những con người số y học này, việc khám chữa bệnh, dự báo trước, quản lý y tế quốc gia, chăm sóc y tế cá nhân hoá ... sẽ có thay đổi căn bản. Những giá trị mới mà nó mang lại sẽ là vô cùng to lớn cho người dân. Chính vì những giá trị to lớn này nên nguồn tài nguyên dữ liệu y tế cần phải được khai thác và bảo vệ sao cho hiệu quả.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) chia sẻ góc nhìn của ông về việc những điểm nghẽn, điểm hạn chế lớn trong thực hiện chuyển đổi số y tế hiện nay.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam về vấn đề quản trị dữ liệu số trong ngành y tế.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) chia sẻ góc nhìn của ông về việc những điểm nghẽn, điểm hạn chế lớn trong thực hiện chuyển đổi số y tế hiện nay.


Thưa ông, trong một hội thảo mới đây, ông có nêu ra vấn đề hiện nay Việt Nam còn đóng kín, hạn chế chia sẻ dữ liệu trong ngành y tế, đặc biệt là thông tin liên quan tới người sử dụng dịch vụ y tế là người bệnh. Ông có thể cho biết, việc đóng kín dữ liệu trong ngành y tế sẽ tạo ra những khó khăn gì trong việc thực hiện chuyển đổi số trong y tế?

Ông Nguyễn Quang Đồng: Vấn đề đóng kín, hạn chế chia sẻ dữ liệu trong ngành y tế là một thực tế hiện nay. Điều này dẫn đến hai khó khăn chính trong việc thực hiện chuyển đổi số trong y tế:

Thứ nhất là khó đạt được mục tiêu y tế toàn dân. Chuyển đổi số y tế được đẩy mạnh trên toàn quốc, đặc biệt triển khai mạnh mẽ tại các thành phố lớn, bệnh viện lớn với điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực đầy đủ hơn, tập trung nhiều lao động trẻ hơn so với khu vực nông thôn. Trong khi đó 11,95% dân số nước ta là người già với tốc độ già hóa dân số thuộc nhóm cao nhất thế giới, 65,6 % dân số thuộc khu vực nông thôn – tiếp cận y tế lớn hơn so với khu vực đô thị, điều này đòi hỏi chuyển đổi số y tế cần diễn ra đồng đều hơn để tăng khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho những đối tượng người già, người ở nông thôn, khu vực vùng sâu vùng xa, đảm bảo tiến gần đến mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau.

Hiện nay, khu vực tư nhân đang tập trung cung cấp dịch vụ công nghệ quản lý và dịch vụ y tế ở khu vực nông thôn, nhất là cấp xã, còn tại các tỉnh thành chủ yếu do tập đoàn lớn là VNPT và Viettel cung cấp.

Do đó, nếu không mở dữ liệu, khu vực tư nhân sẽ khó tiếp cận với khối dữ liệu y tế người dân ở cấp cơ sở khiến chuyển đổi số y tế khó toàn diện và khó đạt được mục tiêu y tế toàn dân.

Thứ hai, đóng dữ liệu gây khó khăn cho quản trị ở Trung ương. Bởi vì, sự thiếu liên thông được dữ liệu y tế giữa các vùng miền dẫn đến không thể tạo ra bức tranh tổng quan về tình hình y tế trên toàn quốc nên có thể dẫn đến các quyết định chính sách và thực thi chính sách chưa đạt được như kỳ vọng.

Ông có thể cho biết tại sao Chính phủ lại cần phải có cơ chế chính sách để “mở kho” dữ liệu y tế?

Từ hai khó khăn chính như tôi vừa nêu về chuyển đổi số y tế vấn đề "đóng kho" dữ liệu y tế, cho nên nếu “mở kho” dữ liệu này sẽ đem lại hai lợi ích lớn cho Chính phủ:

Thứ nhất, mở kho dữ liệu y tế để quản trị tốt hơn. Ngày nay, dữ liệu chính là trái tim là nền kinh tế số. Dòng chảy dữ liệu y tế len lỏi trong khắp các lĩnh vực của đời sống, minh chứng là tiêu chuẩn y tế xuất hiện trong cả giao thông, nhà ở, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… Nếu những dữ liệu này bị đóng kín giống như việc một người nắm cát trong lòng bàn tay, càng nắm chặt thì càng rơi xuống nhiều Việc mở dữ liệu, liên thông dữ liệu các ngành, cho phép các bộ, ngành tham chiếu lẫn nhau để xây dựng chiến lược ngành phù hợp với nhu cầu nhân dân, tối ưu chi tiêu ngân sách và thực thi chính sách.

Thứ hai, mở dữ liệu tạo động lực thúc đẩy tư nhân tham gia vào quá trình chuyển đổi số y tế. Cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa khu vực công và khu vực tư là cơ chế có thể khai thác tối đa giá trị của dữ liệu. Không chỉ có các bệnh viện, cơ quan y tế công nắm giữ thông tin người bệnh mà các phòng khám, bệnh viện tư nhân, các công ty cung cấp dịch vụ theo dõi, chăm sóc sức khỏe cá nhân cũng đang nắm giữ một khối lượng thông tin sức khỏe khổng lồ, đặc biệt là những công ty phát hành các App đo và ghi chú thông tin sức khỏe hằng ngày.

Hiện nay, Quốc hội mới thông qua Luật Đầu tư đối tác công – tư là căn cứ pháp lý, điều kiện cần để khối tư nhân tham gia vào chuyển đổi số y tế, trở thành một bên đối tác chia sẻ gánh nặng cùng nhà nước trong điều trị, chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đồng thời, mở kho dữ liệu là điều kiện đủ để quá trình tham gia của tư nhân vào lĩnh vực y tế trở nên thực chất và hiệu quả hơn.

Ông cho rằng những đơn vị nào đang có nhu cầu cấp thiết cần khai thác dữ liệu y tế, và việc khai thác này sẽ giúp cho việc phát triển kinh tế, xã hội như thế nào?

Hiện nay, theo đánh giá của tôi, những đơn vị đang có nhu cầu cấp thiết cần khai thác dữ liệu y tế là những doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế. Bởi sức hấp dẫn và tiềm năng khai thác của thị trường này ở Việt Nam còn quá lớn với quy mô khoảng 23 tỷ USD, chi tiêu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đạt mức 15,6 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến tăng trưởng 11 % trong 10 năm tới.

Theo tôi, việc khai thác dữ liệu y tế sẽ tạo ra những tác động về kinh tế - xã hội rất lớn. Trong 5 năm nhìn lại đây, xu hướng cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta là phát triển kinh tế tư nhân và khu vực này cũng đóng góp đến 40% GDP, do đó việc doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác dữ liệu y tế, phát triển dịch vụ tạo ra sự cạnh trạnh trên thị trường là yếu tố thúc đẩy kinh tế phát triển. Cũng từ đây, người dân được tiếp cận dịch vụ y tế với đa dạng nhà cung cấp, có đa dạng sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình.

Tuy nhiên khi chuyển đổi số, khai thác dữ liệu càng được đẩy mạnh thì nguy cơ lộ lọt, mất an toàn dữ liệu càng gia tăng, đặt ra yêu cầu bảo vệ quyền riêng tư cá nhân đối với dữ liệu của chính họ, đặc biệt dữ liệu về sức khỏe là dữ liệu nhạy cảm cao.

Ông có thể nêu ra những hạn chế lớn trong chuyển đổi số trong ngành y tế hiện nay? Để tháo gỡ những điểm nghẽn này thì phải tháo gỡ từ đâu?

Hiện nay, chuyển đổi số trong ngành y tế gặp phải hai hạn chế lớn.

Thứ nhất, chiến lược chuyển đổi số y tế mới đang dừng lại ở việc số hóa thủ tục hành chính truyền thống, chưa hướng đến tạo ra và quản trị dữ liệu.

Thứ hai, các nhóm dữ liệu y tế ở khu vực công và khu vực tư chưa được liên kết với nhau. Ba khu vực dữ liệu chính trong hệ sinh thái dữ liệu y tế gồm: Nhóm 1, thông tin y tế của người bệnh được tạo ra từ quá trình khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Nhóm 2, thông tin thống kê hành chính bao gồm dữ liệu về y tế dự phòng, các bệnh truyền nhiễm. Nhóm 3, dữ liệu về sức khoẻ cá nhân được thu thập bởi các doanh nghiệp công nghệ thông qua các thiết bị và/hoặc ứng dụng được cài đặt trên thiết bị, sử dụng trực tiếp bởi người dùng, như đồng hồ đeo tay; điện thoại thông minh.

Hiện nay, nhóm 1 và nhóm 2 có những tiềm năng kết nối để khai thác giá trị dữ liệu, được ngành Y tế và ngành Bảo hiểm xã hội quan tâm; thì nhóm 3 đang đứng độc lập và chưa có sự kết nối rõ ràng nào với 2 nhóm còn lại.

Để tháo gỡ những điểm nghẽn này, nên bắt đầu từ chính nhà quản lý, người tiên phong, đầu tàu cho công cuộc chuyển đổi số thành công bởi con người chính là yếu tố năng động và chủ chốt tạo ra sự khác biệt. Cũng bắt đầu từ cấp độ quản lý, chúng ta cần một chiến lược toàn diện cho chuyển đổi số y tế như 1 khung kiến trúc thượng tầng của ngành, trong đó có trọng tâm là làm thế nào để có dữ liệu, mở được dữ liệu có giá trị và thu hút được các doanh nghiệp, các tác nhân mới tham gia vào khai thác, mở rộng, nâng cao các sản phẩm dịch vụ từ dữ liệu, cũng cần tính toán đến dữ liệu xuyên biên giới.

Xa hơn, cần ban hành đạo luật về dữ liệu vì chuyển đổi số càng mạnh, càng toàn diện, ngoài an ninh mạng thì vấn đề riêng tư cá nhân càng cấp thiết hơn bao giờ hết.

Đồng thời, trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật, chúng ta nên ưu tiên thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách (regulatory sandbox) để vận dụng nhanh thành tựu của công nghệ vào quản lý nhà nước. Mô hình được khuyến khích là: Bộ Y tế có trung tâm dữ liệu tiếp nhận dữ liệu từ bệnh viện. Sau khi được phi định danh hoá (gỡ bỏ các thông tin cá nhân xác định người bệnh); dữ liệu này trở thành dữ liệu thứ cấp có thể chia sẻ và khai thác.

Trước mắt, khi thực thi “sandbox” việc khai thác cần thí điểm trước cho các bên ưu tiên (ví dụ cho nghiên cứu y khoa; dược khoa; ngành bảo hiểm nhân thọ). Đồng thời, khi làm “sandbox” cũng giúp thí điểm cơ chế thu phí hay không thu phí đối với tiếp cận dữ liệu. Nhưng về mặt dài hạn, nguyên tắc tiếp cận dữ liệu nên là bình đẳng và công khai (dù có thu phí hay không thu phí) với tất cả các doanh nghiệp; tránh tình trạng một số nhà thầu xây dựng hệ thống, phần mềm y tế được trao đặc quyền tiếp cận.

Xin cảm ơn ông!

Theo Tạp chí doanh nghiệp Việt Nam