Điều khoản tham chiếu (TOR) tuyển chuyên gia an toàn số

21/04/2022 | Tuyển dụng

Chia sẻ

I. Giới thiệu

- Về Oxfam:

Oxfam là một liên minh quốc tế gồm 19 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại trên 90 quốc gia trên thế giới. Chúng tôi là một phần của phong trào toàn cầu nhằm đem lại tác động lớn hơn trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho bình đẳng.

Tại Việt Nam, Oxfam là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong các lĩnh vực phát triển nông thôn, giảm thiểu rủi ro và ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa, phát triển xã hội dân sự và cộng đồng thiểu số, nâng cao vị thế phụ nữ.

- Về Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông :

Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) là đơn vị trực thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam, hoạt động chính trong lĩnh vực nghiên cứu và tư vấn chính sách, thể chế, và pháp lý về kinh tế số, công nghệ số ở Việt Nam.

- Về chương trình tập huấn an toàn số:

Tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải dịch chuyển phần lớn các hoạt động quản lý và vận hành nội bộ lên môi trường trực tuyến. Kết hợp với xu thế chuyển đổi số, khối lượng dữ liệu được tạo ra ngày càng trở nên khổng lồ. Điều này đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với mọi tổ chức trong việc hoàn thiện quy trình tổ chức và đảm bảo an toàn trên môi trường số. Với tầm quan trọng như vậy, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), với sự hỗ trợ của tổ chức Oxfam tại Việt Nam, tổ chức chương trình tập huấn an toàn số nhằm hỗ trợ các tổ chức nâng cao năng lực phòng, chống các nguy cơ và rủi ro trên môi trường mạng. Do đó, IPS có nhu cầu hợp tác với các tổ chức/nhóm chuyên gia về an toàn số để thực hiện chương trình tập huấn.

II. Mục tiêu

Chuyên gia sẽ thực hiện tập huấn với nội dung an toàn số cho 10-25 tổ chức CSO trong 01 ngày làm việc. Sau buổi tập huấn, các tổ chức được tập huấn nhận biết được các rủi ro, nguy cơ về an toàn an ninh mạng của tổ chức, có các biện pháp phòng tránh phù hợp và được hỗ trợ chuyên môn thông qua một nhóm hoạt động.

III. Nội dung chính và Đầu ra dự kiến

- Thảo luận với 05-06 tổ chức xã hội liên quan để xác định nhu cầu, phạm vi tập huấn, thời gian phù hợp, từ đó xây dựng kế hoạch tổng thể chung. Nội dung tập huấn sẽ được chuyên gia chuẩn bị sau khi thống nhất với IPS.

- Chương trình tập huấn: Hướng dẫn thảo luận và thực hành nhóm về việc kiến thức và kỹ năng an toàn số đối với các tổ chức CSO.

• Giới thiệu các rủi ro về an toàn số.

• Hướng dẫn cách các tổ chức phòng tránh rủi ro

• Giới thiệu các kỹ năng và thực hành an toàn mạng cho nhân viên

- Đầu ra dự kiến:

• Báo cáo đánh giá hoạt động an toàn số dựa theo mục tiêu, kết quả đầu ra và đánh giá trước - sau tập huấn.

• Các tổ chức nhận biết được các nguy cơ, rủi ro trên môi trường số.

• Nắm được các kiến thức, kỹ năng phòng, tránh rủi ro, cách giải quyết các vấn đề an toàn số.

• Các tổ chức có kế hoạch giải quyết và hướng giải quyết phù hợp.

• Các tổ chức có chính sách và/hoặc hướng dẫn nội bộ về quy trình tổ chức để đảm bảo an toàn số của tổ chức.

• Các tổ chức được hỗ trợ xây dựng chính sách, hướng dẫn nội bộ, và/hoặc giải quyết các rủi ro.

IV. Phương pháp thực hiện

- Các phương pháp giảng dạy/thúc đẩy tương tác, thảo luận được khuyến khích áp dụng.

V. Thành phần tham gia

- 10-25 tổ chức xã hội hoạt động trong các lĩnh vực.

VI. Thời gian

- Buổi trao đổi thông tin về nội dung tập huấn: 04/05/2022.

- Buổi tập huấn, đào tạo dự kiến tổ chức: trong tháng 05/2022.

VII. Yêu cầu với tư vấn

Chuyên gia thực hiện là tổ chức/cá nhân:

• Có kinh nghiệm tập huấn các vấn đề an toàn số cho các tổ chức CSO;

• Am hiểu về các nguyên tắc, chuẩn mực và thực hành GDPR hoặc tương tự

• Cam kết tuân thủ các chuẩn mực tương thích với GDPR và quản trị dữ liệu có trách nhiệm khi cung cấp dịch vụ với khách hàng.

Các ứng viên quan tâm, xin gửi gửi lý lịch khoa học (CV) và sơ bộ đề xuất tư vấn bao gồm khung chương trình, nội dung tập huấn, phương pháp, và đề xuất mức phí chuyên gia đến contact@ips.org.vn , trước ngày 01/05/2022.