Báo cáo Thị trường Game toàn cầu 2020 từ NewZoo cho thấy dù trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát, tổng doanh thu ngành công nghiệp game toàn cầu năm 2020 đạt 159,3 tỷ USD, tăng trưởng 9% so với 2019, trong đó phân nửa đến từ game di động. Cụ thể, game di động cho tablet và smartphone đạt tổng doanh thu 77,3 tỷ USD, riêng nhóm game di động cho thiết bị điện thoại thông minh (smartphone) tăng trưởng doanh thu theo năm 15,8%. Một con số lạc quan trong bối cảnh các ngành kinh tế hay lĩnh vực khác đang tụt dốc do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch.
Châu Á là thị trường game lớn nhất, chiếm gần nửa trong tổng doanh thu tính theo khu vực và thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng nhanh bên cạnh Châu Mỹ Latinh và Trung Đông và Châu Phi. Theo các số liệu khả quan gần đây, cho thấy thị trường game ở Việt Nam có tiềm năng lớn và đã có nhiều đột phá trên thị trường thế giới. Từ cú hích Flappy Bird năm 2015 đến nay, danh sách các công ty game đứng đầu khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương về lượng tải game 2021 trên toàn cầu do App Annie công bố đã có đến 5 công ty đến từ Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Trong nhiều năm qua, Google đã có nhiều chương trình và hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho ngành ở các cấp độ, hay tập huấn các nhà phát triển đơn lẻ, công ty nhỏ giúp họ tiếp cận quy trình làm game chuyên nghiệp, và đưa các sản phẩm xuất sắc của công ty game Việt Nam ra thị trường quốc tế. Google tiếp tục hỗ trợ các nhà phát triển và nhà sáng tạo nội dung tạo ra những câu chuyện thành công thông qua Google Play, nền tảng có hơn 2 tỷ người dùng hoạt động tại hơn 190 quốc gia. Thông qua Google Play, các nhà phát triển game tại Việt Nam có thể đưa sản phẩm của mình tiếp cận thị trường toàn cầu. Theo bảng xếp hạng của App Annie 2020, các công ty game Việt Nam đứng thứ 7 về lượt game được được tải nhiều nhất trên thế giới. Cứ mỗi 25 game được tải thì có một game do công ty Việt Nam sản xuất.
Nhằm xây dựng cộng đồng và hệ sinh thái game vững mạnh tại Việt Nam, Google tổ chức chuỗi sự kiện trực tuyến Think Games Vietnam trong ba ngày từ ngày 2 - 4/6/2021 nhằm thúc đẩy sự phát triển lâu dài và bền vững cho ngành công nghiệp game Việt Nam. Bên cạnh đó, Google công bố hai chương trình chuyên sâu Gaming Growth Lab và GameCamp Việt Nam nhằm hỗ trợ các công ty làm game di động tại Việt Nam phát triển tốt hơn tại các thị trường quốc tế.
“Google đã đồng hành cùng cộng đồng các nhà phát triển ứng dụng và startup tại Việt Nam từ một thập kỷ nay. Thông qua nhiều chương trình thiết thực, hoạt động hỗ trợ bài bản và mới đây nhất là sự kiện Think Games, dự án GameCamp, chương trình Gaming Growth Lab dành riêng cho các công ty và cá nhân đam mê làm game tại Việt Nam, chúng tôi hy vọng có thể sớm thấy sự tăng trưởng vượt bậc của ngành game Việt Nam trên thị trường quốc tế, đưa ngành game trở thành ngành xuất khẩu giá trị cao mũi nhọn, góp phần hỗ trợ quá trình hồi phục kinh tế trong và sau đại dịch,", bà Trâm Nguyễn - Giám đốc quốc gia Google Châu Á Thái Bình Dương, phụ trách Lào, Campuchia và Việt Nam cho biết.
Bình luận về thực trạng thị trường ngành game Việt Nam, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho biết, dù là ngành kinh doanh giàu tiềm năng, và thực tế đang là ngành duy nhất "xuất khẩu" được sản phẩm nội dung số của Việt Nam ra thế giới. Song "chơi game", "làm Game", "kinh doanh Game" ở Việt Nam chưa nhận được cái nhìn tích cực và thiện cảm từ xã hội. Giải toả những hiểu nhầm, phá đi những định kiến, gỡ bỏ những rào cản về pháp lý và có những chính sách mang tính khuyến khích sẽ là những cú hích mạnh thúc đẩy ngành game phát triển.
Theo ông Nguyễn Quang Đồng, sự kiện Think Games từ Google là dịp để cộng đồng, xã hội có những hiểu biết đầy đủ và tích cực hơn về "làm game", và "kinh doanh" game. Với những người làm chính sách, hiểu và định vị Game như một ngành công nghiệp nội dung số đầy tiềm năng chiếm lĩnh thị trường thế giới sẽ giúp mở rộng những thảo luận và định hình những chính sách mới thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ngành Game; giúp thay đổi những quy định để tạo ra một môi trường pháp lý thân thiện và mang tính khuyến khích cho ngành kinh doanh này.