Tại dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi, TAND Tối cao đề xuất việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa chỉ thực hiện trong thời gian "khai mạc, tuyên án, công bố quyết định" và đều phải được chủ tọa cho phép. Việc ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa... cũng cần có sự đồng ý của họ.
Đề xuất này đang được các cơ quan của Quốc hội xem xét, chưa thông qua. Nhưng gần đây, tại nhiều phiên tòa xét xử công khai, phóng viên đến tác nghiệp bị làm khó hoặc cấm mang máy tính, ghi âm, ghi hình vào phòng báo chí.
Ngày 4/4, TAND quận Nam Từ Liêm xét xử công khai trùm đường dây cờ bạc online Nguyễn Minh Thành và các đồng phạm lập trình và điều hành hai game cờ bạc, thu lợi hơn 160 tỷ đồng.
Gần 20 phóng viên có mặt từ 7h sáng, trình thẻ nhà báo để làm thủ tục vào đưa tin phiên tòa nhưng đều bị chặn ở cổng với lý do "phải có cả giấy giới thiệu của cơ quan".
Cho rằng đây là "đòi hỏi vô lý", các phóng viên dẫn Luật Báo chí nêu "khi nhà báo tác nghiệp chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo" nhưng thư ký tòa vẫn một mực "không có giấy giới thiệu thì không được vào".
Một số người phải quay về tòa soạn lấy giấy giới thiệu để hoàn tất yêu cầu này của TAND quận Nam Từ Liêm. Tuy nhiên, vào đưa tin phiên tòa, phóng viên không được mang máy ghi âm và điện thoại. Loa tại phòng xét xử thường xuyên mất tiếng khiến người dự rất khó nắm bắt nội dung.
Trước việc này, một nhà báo bức xúc nói: "Phiên tòa xét xử công khai về tội đánh bạc, vì sao báo chí bị cản trở tác nghiệp?".
Một số phiên xét xử vụ án lớn gần đây tại TAND TP Hà Nội và TAND TP HCM như kit test Việt Á, sai phạm tại tập đoàn Tân Hoàng Minh, phiên phúc thẩm vụ án "chuyến bay giải cứu", Vạn Thịnh Phát, phóng viên chỉ được mang giấy bút vào phòng báo chí, theo dõi qua màn hình.
Phóng viên tác nghiệp tại phiên xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu" qua màn hình trong phòng báo chí, tháng 7/2023. Ảnh: Danh Lam
"Không được ghi âm, ghi hình diễn biến phiên toàn khiến phóng viên rất khó truyền tải thông tin đến bạn đọc với lượng lớn lời khai của các bị cáo và tính chất phức tạp tại nhiều vụ đại án", nhà báo Vũ Ân, báo Dân Việt nói và cho rằng, dữ liệu ghi âm, ghi hình còn giúp nhà báo kiểm chứng thông tin và tránh rủi ro pháp lý.
Nhiều năm tác nghiệp tại các phiên tòa ở Hà Nội, nhà báo Nguyễn Hoàng Hải cho rằng việc không cho phóng viên ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa là cản trở báo chí tác nghiệp và trái tinh thần "xét xử công khai" đã được hiến định. Bởi Hiến pháp 2013 quy định TAND xét xử công khai, chỉ xét xử kín trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự.
Luật sư: Cần coi đưa thông tin phiên tòa là phục vụ lợi ích quốc gia
Từ góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), cho rằng trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay thì "không thể hạn chế báo chí ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa". Việc đề xuất chỉ cho phép phóng viên ghi âm, ghi hình lúc khai mạc và tuyên án tại phiên tòa như dự thảo luật là "tước đi hàng loạt quyền tác nghiệp của nhà báo".
Theo ông Đồng, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và Luật Báo chí đều cho phép nhà báo được tham dự đưa tin "diễn biến", "được tác nghiệp" tại các phiên tòa xét xử công khai. Từ góc độ các bị cáo, họ có quyền được xét xử công bằng và việc này cần được giám sát bởi người dân, thông qua báo chí. Đây cũng là lý do chính đáng để báo chí cần được ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa xét xử công khai.
"Ngành tòa án cần đào tạo để thẩm phán nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, không bị phân tâm trước ống kính máy ảnh, chứ không thể vì lý do này mà hạn chế quyền của nhà báo", chuyên gia Nguyễn Quang Đồng phản biện quan điểm của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng phóng viên chĩa máy quay khiến thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư bị phân tán tư tưởng tại phiên toà.
Ông Đồng nói Việt Nam đang xây dựng nhà nước pháp quyền, người dân có quyền tiếp cận kiến thức về pháp luật. Các phiên tòa là nơi pháp luật được thực thi rõ ràng nhất. Đây cũng là lợi ích lớn nhất của xét xử công khai. Vì vậy, các phiên tòa xét xử công khai "cần được nhìn nhận là cơ hội tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân". Ngành tòa án cần nhìn nhận quyền ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa của nhà báo chính là mang lại lợi ích cho xã hội.
"Quyền ghi âm, ghi hình của nhà báo tại phiên tòa cần được bảo vệ", chuyên gia Đồng nêu quan điểm và cho rằng dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân cần thiết kế để mang lại lợi ích cho toàn xã hội, thay vì "bảo vệ lợi ích hẹp của ngành tòa án".
Chung quan điểm, luật sư Trịnh Văn Tuyến, Văn phòng luật sư Giang Thanh, phân tích việc ghi âm, ghi hình là đặc thù của nghề báo, nhất là với các phiên tòa xét xử công khai, những vụ án dư luận xã hội quan tâm. Dữ liệu từ ghi âm, ghi hình sẽ đảm bảo tính chính xác, có kiểm chứng của báo chí so với thông tin trên mạng xã hội.
Viện dẫn Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 nêu "tòa án nhân danh nhà nước xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính", ông Tuyến cho rằng việc đưa tin các phiên tòa xét xử công khai "cần được coi là hoạt động công cộng vì lợi ích quốc gia, là góp phần phòng chống tội phạm".
"Do vậy, báo chí sử dụng hình ảnh của các đương sự tham gia phiên tòa không cần sự đồng ý của những người này. Ngành tòa án không thể dẫn lý do đảm bảo quyền con người để hạn chế báo chí ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa", ông Tuyến nêu quan điểm.
Theo ông, Luật Báo chí đã "phủ sóng" mọi phương diện hoạt động của nhà báo, gồm cả phạm trù đạo đức, điều kiện tác nghiệp. Luật Tổ chức tòa án nhân dân chỉ điều chỉnh về các hoạt động của bộ máy tòa án. Việc lồng ghép quy định về nghiệp vụ báo chí vào Luật Tổ chức tòa án nhân dân sẽ dẫn đến chồng chéo, vướng mắc, giảm hiệu lực thi hành pháp luật cũng như tiến trình cải cách tư pháp.
-----
Góp ý vào dự thảo Luật Tòa án nhân dân sửa đổi, ngày 28/2, Hội Nhà báo Việt Nam gửi văn bản đến thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nêu quan điểm "cần đảm bảo cho phóng viên các cơ quan báo chí được tiếp cận (ghi âm, ghi hình) diễn biến phiên tòa từ lúc khai mạc cho đến khi kết thúc phiên tòa". Khi tác nghiệp, phóng viên cần đảm bảo các quyền nhân thân của người tham dự.
"Việc nhà báo ghi âm, ghi hình tại phiên tòa sẽ giúp lời nói, phán quyết của thẩm phán, tranh luận giữa các bên chuẩn mực hơn", ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó ban chuyên trách Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam, nêu quan điểm với VnExpress.
Ông Trương Việt Toàn, nguyên phó chánh Tòa hình sự TAND TP Hà Nội, nói ghi âm, ghi hình là hoạt động tác nghiệp của phóng viên, nếu bị cấm mang vào phòng báo chí "khác nào cắt tay họ".
Theo VnExpress