Hành xử lành mạnh trên không gian số, có được không?

28/11/2021 | IPS trên Báo chí
Với lượng người dùng mạng xã hội cao hàng đầu thế giới, trong đó đa phần là giới trẻ, tình trạng cư xử thiếu văn hóa trên mạng xã hội như hiện nay rất dễ tạo thành lối sống lệch chuẩn ngoài đời thực.

Chia sẻ

Việt Nam lọt Top 5 quốc gia kém văn minh trên mạng

Theo các số liệu thống kê, hiện Việt Nam đang là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về độ năng động trên internet với 70 triệu người tiếp cận công nghệ mạng này.

Một bảng xếp hạng vào đầu năm 2021 của Microsoft cho thấy chỉ số văn minh trên không gian mạng của Việt Nam đang ở mức “báo động” khi đứng Top 5/25 thế giới, chỉ số càng cao, mức độ văn minh càng thấp. Được biết, kết quả này được xây dựng dựa trên khảo sát những hành vi không chuẩn mực mà người dùng trên 21 tuổi tại các quốc gia ứng xử trên môi trường mạng xã hội.

Theo đó, Top 5 chủ đề người Việt Nam thường có những hành xử không đúng mực bao gồm các mối quan hệ tình cảm (48%), giới tính (48%), ngoại hình (35%), chủng tộc (23%) và quan điểm chính trị (23%). Và có tới 97% số người được khảo sát thừa nhận họ đã bị tổn thương từ những hành xử đó trên không gian mạng và 83% lo lắng rằng họ sẽ gặp phải những hành vi tương tự một lần nữa.

Hành xử lành mạnh trên không gian số, có được không? - Ảnh 1

Ứng xử trên mạng xã hội để bảo vệ không gian mạng lành mạnh. Ảnh: Hải Linh

Cần nhìn nhận, bảng xếp hạng trên đã phản ánh tương đối chính xác hiện trạng sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam khi văn hóa cử xử trên môi trường này đang có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng.


Tưởng như làn sóng “giang hồ mạng” từng dậy sóng cộng đồng mạng Việt giai đoạn 2019 - 2020 đã bị triệt phá khi lần lượt các “đại ca mạng” như Khá Bảnh, Ngọc Rambo, Dũng trọc, Phú Lê… lần lượt dính vòng lao lý. Nhưng tới hiện tại, những cái tên mới như Thắng Cá chép, Đào Chi Lê, Dương Minh Tuyền… vẫn tích cực hoạt động trên môi trường mạng với cách cư xử đậm chất giang hồ nhưng vẫn lôi kéo được hàng trăm nghìn lượt xem cho mỗi video với đa phần người xem là giới trẻ, thậm chí nhiều người vẫn còn ngồi trên ghế học đường.


Không chỉ vậy, trong thời gian gần đây còn nổi lên những trào lưu khẳng định cái tôi bằng cách khoe những phần nhạy cảm nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng. Dạo qua các ứng dụng như Tiktok, Instagram… có thể thấy tràn ngập những video clip khoe mông, khoe ngực hoặc uốn éo theo các tư thế gợi dục… với đa phần người thực hiện là các bạn trẻ và đi kèm với đó là vô vàn những bình luận khiếm nhã. Đáng chú ý những video này thường có lượt người yêu thích lên tới con số hàng chục, hàng trăm nghìn, vượt xa những clip có nội dung tử tế.


Không dừng lại ở đó, đại dịch Covid-19 kéo dài đã khiến tình hình kinh tế - xã hội bị đảo lộn, nhiều người lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng vẫn có những kẻ lợi dụng mạng xã hội để trục lợi trong giai đoạn nhạy cảm. Nhỏ có thể kể đến những bình luận phân biệt vùng miền, giữa khu vực có dịch và không có dịch, đưa tin sai sự thật lên mạng, lớn là lừa đảo thuốc chữa Covid-19 cho đến kêu gọi từ thiện để đút tiền vào túi riêng.


Cách hành xử thiếu chuẩn mực như trên không chỉ đến từ người dùng bình thường mà còn đang dần từng bước lan tràn sang cả những người nổi tiếng như nghệ sỹ, doanh nhân có tiếng. Và với sự nổi tiếng của những người này các hệ lụy đi theo cũng có mức độ lớn hơn rất nhiều lần.


Điển hình là “cuộc chiến” giữa một nữ CEO với hàng loạt nghệ sỹ như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Hồng Vân… về sự minh bạch đối với tiền từ thiện. Ban đầu xuất phát từ ý tốt khi muốn làm rõ những khuất tất đã diễn ra nhiều năm nay trong việc nghệ sỹ kêu gọi từ thiện nhưng dần dần “cuộc chiến” đã chuyển sang hướng tiêu cực khi có những hành động bôi nhọ người khác khi không có chứng cứ cụ thể, xâm phạm đời tư cũng như kêu gọi xã hội công kích vào người nổi tiếng.


Theo dõi “cuộc chiến” trên, người dùng có thể thấy rõ nhiều bài đăng, hình ảnh, livestream thể hiện sự “ảo tưởng quyền lực” của vị CEO khi mặc nhiên cho mình là người đại diện cho công lý mà không cần tới sự trợ giúp của bất kỳ cơ quan luật pháp nào. Và hưởng ứng vị CEO là một cộng đồng cực lớn những fan trung thành, sẵn sàng miệt thị, công kích bất cứ ai được “thần tượng” của mình ngắm vào mà không quan tâm tới thông tin được đưa ra có đúng sự thật hay không.


TS. Phạm Hải Chung (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, nhìn về lâu dài, cách ứng xử lệch chuẩn trên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng tới cả một thế hệ người dùng Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Mặc dù là không gian ảo nhưng cách ứng xử ở đây sẽ khiến hành vi ngoài đời thực thay đổi tương ứng. Không chỉ vậy, những thông tin độc hại, sai sự thật mà mỗi người đưa ra, nếu được phát tán rộng rãi cũng có thể tác động tới nhận thức của nhiều người dùng khác.


Ý thức người dùng là quyết định


Sự cần thiết của việc chấn chỉnh vào tạo dựng một môi trường mạng có văn hóa đã là vấn đề cấp thiết được đặt ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên với việc không gian mạng là một môi trường ảo với sự biến đổi từng giờ về cách cư xử cũng như loại hình đăng tải nội dung mới liên tục xuất hiện, rõ ràng công tác quản lý, đặc biệt là phía cơ quan nhà nước cần phải có sự biến đổi linh hoạt để thích nghi và đưa mọi thứ về một chuẩn mực như xã hội thông thường. Đặc biệt, ý thức của người dùng sẽ đóng vai trò quyết định chính.


Trên thực tế, Việt Nam đã có một hành lang pháp lý đa dạng để kiểm soát về cơ bản các hành vi lệch chuẩn trên môi trường mạng xã hội như Bộ luật Hình sự, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin, Luật Điện ảnh, Luật Báo chí … với nhiều quy định và mức xử phạt cụ thể cho các hành vi. Bên cạnh đó, về khía cạnh cải thiện ý thức người dùng cũng đã có Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (Bộ Quy tắc) do Bộ TT&TT ban hành hồi giữa năm nay.


Có phạm vi áp dụng là toàn bộ các đối tượng đang sử dụng mạng xã hội như cá nhân, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước cho đến nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam. Bộ Quy tắc được đánh giá là hành động kịp thời nhằm hướng dẫn người dùng những chuẩn mực đạo đức, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, qua đó góp phần xây dựng mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.


Thông qua Bộ Quy tắc những hành vi như đăng tin sai sự thật, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội… đều được liệt vào dạng cấm sử dụng trên môi trường mạng. Ngay cả những nhà cung cấp dịch vụ mạng cũng có trách nghiệm kịp thời phát hiện và ngăn chặn những thông tin dạng trên.


Để ngăn chặn trào lưu lệch chuẩn của giới nghệ sĩ đang manh nha tăng mạnh trong thời gian gần đây, Bộ VHTT&DL cũng đang trong quá trình chuẩn bị ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật. Quy tắc này được xác định sẽ là tiêu chuẩn để những người hoạt động nghệ thuật có phát ngôn, hành động đúng mực, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.


Đáng chú ý nhất trong đó là quy tắc yêu cầu nghệ sĩ phải công khai, minh bạch thông tin trong các hoạt động xã hội; tham gia hoạt động quảng cáo phải bảo đảm truyền đạt thông tin trung thực, chính xác về công dụng, tính năng sản phẩm; không đăng tải, chia sẻ và lan truyền nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, chưa kiểm chứng… Những điều này này được kỳ vọng từng bước hạn chế những lùm xùm gần đây trong ứng xử cũng như hoạt động từ thiện của một số nghệ sĩ.


Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS Nguyễn Quang Đồng những Bộ Quy tắc ứng xử nói trên là nỗ lực rất lớn từ phía cơ quan quản lý nhà nước nhằm khuyến khích người dùng cư xử văn minh và có trách nhiệm hơn trên mạng xã hội. Bên cạnh chế tài pháp luật, đây cũng là những quy định “mềm” nhằm cải thiện văn hóa mạng.


"Việc sử dụng mạng xã hội là quyền tự do của mỗi người nhưng không được “thỏa hiệp” với các thông tin “rác” trên môi trường này. Bởi chúng chính là những tác nhân tiêm nhiễm độc hại vào nhận thức của người dùng cũng như những người xung quanh." - TS. Phạm Hải Chung - Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

"Các Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội chỉ mang tính hướng dẫn người dùng về những hành vi cần tránh để không vi phạm pháp luật chứ không bắt buộc phải thực thi. Do đó người dùng vẫn phải nâng cao nhận thức của mình, có cách cư xử phù hợp hơn khi tham gia mạng xã hội, bởi vì đây tuy là môi trường ảo nhưng trách nhiệm nếu có sẽ là thật." - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) - Nguyễn Quang Đồng.

Theo Kinh tế & Đô thị