Hoàn thiện pháp lý và hạ tầng cho chuyển đổi số

15/04/2021 | IPS trên Báo chí
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Theo nhiều ý kiến, Việt Nam đang trên đà chuyển đổi tích cực và cần đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số, trước hết là hoàn thiện khung pháp lý tạo hành lang cho hoạt động này.

Chia sẻ

Do tác động của dịch Covid-19, chuyển đổi số tiến triển rất nhanh chóng, cả trong bộ máy nhà nước, doanh nghiệp, xã hội. Ảnh: Lê Tiên

Do tác động của dịch Covid-19, chuyển đổi số tiến triển rất nhanh chóng, cả trong bộ máy nhà nước, doanh nghiệp, xã hội. Ảnh: Lê Tiên

Chuyển động tích cực

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tư duy phát triển phải dựa trên công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số đã nêu ra từ năm 2015, nhưng suốt từ đó đến năm 2019 chuyển biến rất chậm chạp. Năm 2020 do tác động của dịch Covid-19, chuyển đổi số tiến triển rất nhanh chóng, cả trong bộ máy nhà nước, doanh nghiệp, xã hội. Doanh nghiệp tiếp cận khá nhanh, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tương tác giữa Nhà nước và người dân, giữa cơ quan nhà nước thực hiện nhiều qua công cụ số, nâng cao hiệu quả công việc.

Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá Việt Nam đã biến khủng hoảng thành cơ hội thông qua số hóa nhanh hơn. Năm 2020, bùng nổ công nghệ số đã trở thành hiện thực, gần 2/3 số doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã đẩy mạnh sử dụng nền tảng số. Chính phủ điện tử không còn là khái niệm ảo, số dịch vụ công trực tuyến được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia cũng như số lượt truy cập tăng rất mạnh.

Bà Phạm Chi Lan nhận định, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy chuyển đổi số thời gian tới, vì vẫn trong thời kỳ dân số trẻ, ham học hỏi, hệ thống Internet phổ cập, chi phí rẻ… Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng tạo nhận thức mới trong lãnh đạo, trong doanh nghiệp, xã hội về tính cần thiết của đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số cho sự phát triển trong tương lai của Việt Nam.

Làm gì để thúc đẩy chuyển đổi số?

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, chuyển đổi số, kinh tế số là xu thế chung, Việt Nam đã chuyển động tương đối nhanh, nhưng có thể làm tốt hơn. Quốc hội và Chính phủ cần sớm có khung pháp lý cho phát triển kinh tế số, chuyển đổi số thuận lợi hơn, phải nhanh chóng hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư, doanh nghiệp. Về tư duy quản lý, một mặt các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách và cả doanh nghiệp muốn đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhưng một mặt lại lo ngại rủi ro. Nhà điều hành chính sách cũng như doanh nghiệp tìm được điểm cân bằng tối ưu sớm hơn, chính sách cần chấp nhận rủi ro ở mức độ nhất định để khuyến khích đổi mới, khởi nghiệp, kinh tế số.

Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) khuyến nghị Quốc hội và Chính phủ ưu tiên hoàn thiện hệ thống khung khổ pháp lý cho các vấn đề của kinh tế số gồm dịch vụ số và thương mại số; bảo vệ dữ liệu cá nhân; tài sản số, đồng tiền kỹ thuật số... Do công nghệ số là xuyên quốc gia, các vấn đề kể trên không phải chỉ xử lý riêng rẽ trong “biên giới” Việt Nam mà cần đặt trong tương quan với các nước trong khu vực và các thể chế mang tính toàn cầu. “Vì vậy, chủ động tham gia khởi xướng, kiến tạo các sáng kiến pháp lý, các hiệp định thương mại số song phương và đa phương là cách tiếp cận phù hợp, vừa giúp xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động kinh tế số, đồng thời khẳng định vị thế và tham vọng của Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045”, IPS khuyến nghị.

Ưu tiên thứ hai là phát triển hạ tầng cho nền kinh tế số gồm 2 hệ thống hạ tầng chính là hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Theo đó, song song với tiếp tục đầu tư hạ tầng cứng truyền thống như điện, đường, Việt Nam cần ưu tiên cho hạ tầng số như mạng 5G và điện toán đám mây. Sử dụng cơ chế đối tác công tư (PPP) một cách phù hợp, không chỉ huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong nước mà cả các doanh nghiệp lớn nước ngoài, sẽ giúp giải quyết đồng thời bài toán tài chính và bài toán hiệu quả khi đầu tư cho hạ tầng số quốc gia.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, để quá trình chuyển đổi số thành công phải có sự tham gia của tất cả người dân một cách có hiệu quả, an toàn và được thụ hưởng. Để tham gia thành công, người dân phải có năng lực, có kỹ năng để tham gia. Vấn đề đào tạo nâng cao kỹ năng, năng lực người dân đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, kinh tế số là rất quan trọng để theo kịp những chuyển động mạnh mẽ đang diễn ra.

Theo Báo Đầu thầu