Hội nghị Tham vấn Doanh nghiệp cho Chiến lược Phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng 2030

Ngày 06/08/2020, Cục tin học hóa tổ chức Hội nghị tham vấn doanh nghiệp cho Chiến lược phát triển chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030. Hội nghị thu hút sự tham gia của các lãnh đạo, chuyên viên đơn vị chuyên trách về CNTT của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, và phản biện của doanh nghiệp (Viettel, VNPT, VN Post, FPT, CMC), và các hội, hiệp hội như VFOSSA, VNISA, VDCA (Hội Truyền Thông số Việt Nam).

Hội nghị Tham vấn Doanh nghiệp cho Chiến lược Phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng 2030

Chia sẻ

Dự thảo Chiến lược nhấn mạnh đổi mới quản trị hành chính công dựa trên số hóa dữ liệu và tương tác giữa nhà nước và người dân, doanh nghiệp. Chủ trương đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, mục tiêu giảm bớt thủ tục hành chính và gia tăng hiệu quả phục vụ hành chính công.

Các doanh nghiệp góp ý: 1) tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (mở) cùng các cơ chế giám sát, quản lí; 2) cung cấp dịch vụ công đúng nghĩa, chứ không đơn thuần là số hóa; 3) xây dựng cơ chế chia sẻ doanh thu cho doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công; 4) bảo đảm vốn đầu tư CNTT trung hạn, và kinh phí chi thường xuyên cho CNTT

Các hiệp hội góp ý: 1) đặt mục tiêu có khả năng thực thi và đề ra KPI đánh giá cụ thể; 2) khai thác dữ liệu phục vụ xây dựng chính sách tốt hơn; 3) trách nhiệm tương tác, phản hồi, giải trình với người dân; 3) chuẩn hóa, liên thông pháp luật, thủ tục hành chính, quy trình; 4) truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp.

Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) đại diện Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA) đưa ra 3 góp ý cụ thể:

Ông Nguyễn Quang Đồng, đại diện Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) đưa ra ba góp ý tại hội nghị

Dữ liệu phải tạo ra bằng chứng để hỗ trợ cho quá trình đưa ra quyết định được hiệu quả hơn. Ví dụ, khi có dữ liệu về lao động di cư, nhà nước sẽ đưa ra chính sách hỗ trợ bà con hiệu quả hơn trong và sau giai đoạn covid.

Triển khai chính phủ số phải bảo đảm được trách nhiệm giải trình của người dân. Nhà nước nên đưa vào mục tiêu phải lồng ghép phản hồi của người dân vào thực thi chính sách, sau đó giải trình để người dân có cơ hội đánh giá hiệu quả phản hồi chính sách của nhà nước.

Cần triển khai xây dựng cơ chế hợp tác công tư PPP để lôi kéo sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào xây dựng chính phủ số, bảo đảm chia sẻ doanh thu để hợp tác công tư được hiệu quả, bền vững.