Hội thảo có sự tham dự trực tiếp của hơn 20 đại biểu là đại diện các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện Lãnh đạo đơn vị chuyên trách về CNTT của một số bộ như Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, Bộ Tài Chính,… và các cơ quan báo chí. Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham dự trực tuyến qua các đầu cầu tại các Sở TT&TT các tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết chuyển đổi số, trước hết là thay đổi cách nghĩ, sau đó là thay đổi cách làm, nhờ vào dữ liệu và công nghệ số. Chuyển đổi số trở nên chín muồi là nhờ vào sự phát triển và hội tụ cùng lúc của nhiều công nghệ mang tính đột phá, gọi là công nghệ số mà vài chục năm mới có 1 lần. Chính vì vậy, nhiều quốc gia, nhiều thành phố trên thế giới coi chuyển đổi là một phương thức phát triển mới, là cơ hội để bứt phá vươn lên.
Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 ập đến, xã hội giãn cách và thay đổi thói quen một cách đáng kể. Các hoạt động được thực hiện trên môi trường số nhiều hơn. Nhiều quốc gia, nhiều thành phố trên thế giới đã quyết tâm đẩy nhanh chuyển đổi số, coi đây là giải pháp quan trọng vì sự phát triển bền vững. Năm 2020 là năm đầu tiên triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, vì vậy, chủ đề năm 2020 có thể được gọi là: “Chuyển đổi số khởi đầu khát vọng cho một thập kỷ hành động”.
Tiếp nối phần phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, cho rằng, đi vào chiều sâu của chuyển đổi số sẽ là trọng tâm của giai đoạn sắp tới, đặc biệt, đối với khu vực công là khai thác giá trị của dữ liệu số để nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành quốc gia. "Ở góc độ đó, bộ chỉ số DTI sẽ là chỉ dấu quan trọng để biết tính hiệu quả của chuyển đổi số đạt được ở mức nào; đâu là những hạn chế cần cải thiện. Điều này cũng đặt ra yêu cầu bộ chỉ số DTI cần trọng tâm hơn nữa; chú trọng vào các nhóm chỉ số thể hiện "kết quả đầu ra", phản ánh được hiệu quả thực chất của chuyển đổi số”.
Một số điểm nổi bật rút ra từ đánh giá DTI 2020 bao gồm:
Thứ nhất, DTI 2020 cấp tỉnh trung bình là 0,3026; DTI 2020 của các bộ cung cấp dịch vụ công trung bình là 0,3982; và DTI 2020 của các bộ không cung cấp dịch vụ công trung bình là 0,2342. Kết quả này cho thấy chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020 đang trong giai đoạn bắt đầu.
Thứ hai, năm 2020, việc chuyển đổi nhận thức và kiến tạo thể chế được thực hiện khá tốt để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số ngày càng thuận tiện. Đến nay, 12/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết Chuyển đổi số, 50/92 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Chương trình/Kế hoạch Chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025.
Thứ ba, đối với DTI 2020 cấp bộ, Bộ Tài chính là cơ quan dẫn đầu bảng xếp hạng DTI 2020 khối cấp bộ cung cấp dịch vụ công trực tuyến với DTI là 0,4944.
Thứ tư, đối với DTI 2020 cấp tỉnh, TP. Đà Nẵng dẫn đầu bảng xếp hạng DTI 2020 khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với DTI là 0,4874. TP. Đà Nẵng cũng là địa phương xếp hạng nhất ở cả 03 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.
Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT, trình bày về báo cáo kết quả đánh giá chuyển đổi số của cơ quan nhà nước năm 2020
Ông Hoàng Xuân Nam, Phó cục trưởng, Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính, trình bày về bài học kinh nghiệm trong xây dựng Chính phủ số cấp bộ
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện IPS, trình bày báo cáo về khai thác hiệu quả dữ liệu cho tiến trình chuyển đổi số toàn diện
Phiên thảo luận và hỏi đáp có sự đóng góp ý kiến từ đầu cầu Sở TT&TT tỉnh Nam Định, Bắc Giang, và Ông Lê Hồng Hà - đại diện Hội Tin học Việt Nam. Tổng kết phiên thảo luận, Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ Thông tin và Truyền thông rút ra 06 bài học kinh nghiệm là:
- Chuyển đổi số rất cần sự quyết tâm của các lãnh đạo để đưa ra các nghị quyết, kế hoạch chuyển đổi số cấp tỉnh, cấp bộ.
- Chuyển đổi số cần chương trình, kế hoạch triển khai theo định hướng, tổng thể, toàn diện trên cơ sở có kiến trúc chính phủ điện tử. Triển khai chuyển đổi số trên công nghệ mới và dữ liệu.
- Tất cả những thành công đều gắn liền với như cầu của người dân và doanh nghiệp.Triển khai chuyển đổi số trên nền tảng dùng chung để tiết kiệm thời gian, chi phí.
- Thu hút nhân lực, vật lực để cùng tham gia công cuộc chuyển đổi số.
Phiên thảo luận