Hội thảo có sự tham gia của 71 đại biểu trực tiếp và 174 đại biểu tham dự qua kênh trực tuyến. Thành phần tham dự bao gồm đại diện đến từ 3 cơ quan (Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp và Văn phòng UBND tỉnh) của 63 tỉnh thành, đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và Văn phòng chính phủ.
Hội thảo: 'Đưa người dân lên môi trường số' diễn ra tại Khách sạn Hà Nội
Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm tham dự của các đơn vị nghiên cứu và các tổ chức chính trị xã hội như: Ủy ban Trung Ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện Lãnh đạo học và Chính sách công - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam, Oxfam, Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW), Liên minh nước sạch, Liên minh khoáng sản,… Cùng sự tham gia đưa tin của các phóng viên, nhà báo đến từ các đơn vị báo chí, đài truyền hình trong nước.
Với tinh thần "người dân ở đâu, chính quyền có mặt ở đó", hội thảo hướng tới tận dụng linh hoạt, hiệu quả các nền tảng có sẵn như mạng xã hội, ứng dụng thông minh,… thay vì chỉ giới hạn trong các Cổng/ trang TTĐT. Nghiên cứu cũng khuyến nghị các tỉnh, thành đẩy nhanh rà soát, khắc phục các rào cản kỹ thuật, thiết kế giao diện lấy người dân làm trung tâm.
Theo đánh giá của Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, thực tế tại địa phương, “Chuyển đổi số” mới chỉ dừng ở mức “tin học hóa” thay vì “số hóa”. Một mặt công dân vẫn phải nộp các giấy tờ bản cứng, một mặt lại vẫn phải thực hiện các thủ tục online. Tương tự, Nhà Nước vừa phải lưu trữ giấy tờ, vừa nhân đôi công việc khi kiêm thêm công đoạn nhập lên máy.
Chia sẻ của Ông Nguyễn Văn Hoàng - thành viên của Liên minh Nước sạch và Tiến sỹ Bùi Hải Thiêm
Ngoài ra, IPS tập trung phân tích cụ thể hai thành tố quyết định sự tương tác của người dân với chính quyền trên các cổng/trang thông tin điện tử. Báo cáo một lần nữa khẳng định lại thực trạng về hiệu quả tương tác chưa cao, vào sự thiếu chuẩn hóa giữa các tỉnh đối với các chuyên mục được rà soát, từ tên gọi, vị trí tiếp cận trên trang TTĐT, cũng như hình thức thể hiện chuyên mục.
Từ góc độ đánh giá trải nghiệm người dùng, nhấn mạnh tương tác hai chiều giữa chính quyền và người dân, IPS đề xuất cần có những hướng dẫn cụ thể hóa các yêu cầu của Nghị định 42/2022/NĐ-CP, đặc biệt đối với các vấn đề như công cụ tìm kiếm, định hướng sử dụng mạng xã hội trong cung cấp thông tin, cho phép tổ chức, cá nhân đánh giá trực tuyến mức độ hài lòng, bảo vệ dữ liệu cá nhân và các chỉ số đánh giá tương tác của người dân trên các cổng TTĐT. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia của chính quyền địa phương trong việc tìm hiểu nhu cầu cũng như giải quyết khó khăn cho người dân.
Dựa trên tư duy đánh giá dịch vụ “cung cấp thông tin” trực tuyến, lấy người dân làm trung tâm của mình, IPS hy vọng rằng những chia sẻ trong Hội thảo vừa qua sẽ là nguồn tham khảo cho các Cơ quan Nhà Nước và Chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả tương tác của các cổng/trang TTĐT, thống nhất chuẩn hóa để hình thành nên thương hiệu Chính phủ số Việt Nam.