Ngày 01/7/2022, Văn phòng chính phủ phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo Góp ý dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, đại diện các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp về dự thảo sửa đổi Luật giao dịch điện tử.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông đã nêu ra 05 ý kiến về bản dự thảo lần 03 của Luật Giao dịch điện tử sửa đổi. Cụ thể:
- Hoan nghênh tình thần của dự thảo luật khi tập trung xoay quanh các vấn đề kỹ thuật nhằm hỗ trợ giao dịch điện tử
- Mặc dù phần lớn các quy định đã điều chỉnh các vấn đề trọng tâm, tuy nhiên vẫn còn một số nhóm quy định chưa thực sự phù hợp trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật này, bao gồm: (1) Nhóm quy định về nghĩa vụ của các nền tảng số, dịch vụ số; (2) Nhóm quy định về quản lý chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước.
- Mặc dù mục tiêu cụ thể hoá quy định, tránh tình trạng luật khung, chung chung nhưng dự thảo lần 3 lại loại bỏ nhiều quy định có tính chi tiết so với lần 2.
- Đối với các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ban soạn thảo có thể cân nhắc việc nhóm các quy định về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức tách biệt với nhóm quy định về điều kiện kinh doanh. Thêm vào đó, ban soạn thảo cần đánh giá tác động của các quy định này đối với các loại chủ thể chịu tác động.
- Dự thảo nên bổ sung nguyên tắc bảo vệ dữ liệu của người sử dụng dịch vụ đối với các bên cung cấp dịch vụ, ví dụ như việc tiếp cận, can thiệp vào thông điệp dữ liệu của các bên sử dụng dịch vụ.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng IPS, phát biểu tại Hội thảo
Ngoài ý kiến của ông Nguyễn Quang Đồng, hội thảo còn nhận được nhiều góp ý chi tiết từ đại diện Bộ Tư pháp, Hiệp hội Ngân hàng, các luật sư và đại diện một số doanh nghiệp thường xuyên tham gia vào các giao dịch điện tử.
Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được coi là cơ sở căn bản nhất cho các giao dịch được thực hiện trên môi trường điện tử thông qua các phương tiện điện tử. Xuyên suốt quá trình hình thành và xây dựng dự thảo Luật, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông luôn theo sát, cập nhật 03 văn bản góp ý với 03 phiên bản dự thảo luật. Với tầm quan trọng này, dự thảo Luật chắc chắn sẽ cần tiếp tục được hoàn thiện trước khi được trình Quốc hộ thảo luận cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (Tháng 10/2022) và dự kiến được thông qua tại Kỳ hợp thứ 5 (Tháng 5/2023).