Hội thảo 'Nghiên cứu xây dựng Hướng dẫn thúc đẩy dịch vụ số tại khu vực ASEAN'

16/12/2022 | Tin hoạt động

Ngày 16/12/2022, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng IPS, đã tham gia với vai trò chủ toạ hội thảo 'Nghiên cứu xây dựng Hướng dẫn thúc đẩy dịch vụ số tại khu vực ASEAN' do Viện Chiến lược, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Hà Nội.

Chia sẻ

Ảnh: IPS
Hội thảo có sự góp mặt của đại diện của 06 quốc gia ASEAN gồm Cam-pu-chia, Lào, Ma-lai-xi-a, Bru-nây, Xin-ga-po, chủ nhà Việt Nam, đại diện của EU và tổ chức GIZ, cùng các doanh nghiệp tư nhân như Viettel, TikTok, InfoRe.
Ông Nguyễn Quang Đồng chia sẻ tại Hội thảo
Tại hội thảo, ông Đồng đã trình bày tham luận về bối cảnh phát triển và chính sách pháp lý đối với dịch vụ số tại Việt Nam. Trong đó có 03 điều đáng lưu ý để có thể xây dựng được một hướng dẫn chung cho khu vực ASEAN thúc đẩy dịch vụ số:
- Thứ nhất, xác định chính xác dịch vụ số là gì? Theo IPS, có hai cách tiếp cận với khái niệm này: (1) tiếp cận rộng, dịch vụ số là toàn bộ các dịch vụ 'chạy' trên môi trường internet, bao gồm cả dịch vụ công trực tuyến; (2) tiếp cận hẹp, dịch vụ số là việc nhà cung cấp thực hiện công việc về kĩ thuật, công nghệ trung gian theo yêu cầu người dùng nhằm hỗ trợ kết nối người dùng với người dùng một cách hiệu quả nhất trên môi trường internet. IPS đề nghị sử dụng cách tiếp cận hẹp.
- Thứ hai, xác định chính xác dịch vụ số gồm những loại nào? IPS khuyến nghị chia dịch vụ số thành 02 loại: (1) dịch vụ số mà trong đó bên thứ ba tạo nội dung như dịch vụ kết nối internt, dịch vụ lưu trữ dữ liệu; (2) dịch vụ số mà trong đó người dùng tạo nội dung và kết nối trực tiếp với người dùng khác như dịch vụ mạng xã hội, dịch vụ chia sẻ video, dịch vụ trung gian mua sắm. Từ 02 loại này, IPS đưa ra 10 dịch vụ số.

- Thứ ba, xác định chính xác các thách thức mà dịch vụ số đặt ra. IPS chỉ ra 07 thách thức về chính sách, pháp lý đối với Việt Nam cũng như các quốc gia ASEAN:
+ Bảo vệ dữ liệu cá nhân, lưu trữ dữ liệu tại địa phương,
+ Thông tin sai sự thật, nội dung vi phạm pháp luật,
+ Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,
+ Thuế đối với dịch vụ số xuyên biên giới,
+ Cạnh tranh không lành mạnh (khi các công ty công nghệ lớn kiểm soát thị trường),
+ Hợp tác giữa các quốc gia,
+ Xung đột trong cách tiếp cận chính trị - pháp lý giữa các quốc gia khiến hoạt động kinh doanh trên toàn cầu gặp khó khăn.