Khi tài xế và hãng xe công nghệ là trung gian thu thuế GTGT

21/12/2020 | IPS trên Báo chí
Thuế GTGT là thuế gián thu do người tiêu dùng cuối cùng trả, các hãng xe lẫn tài xế là trung gian thu hộ. Tuy nhiên, điều này gây lo lắng lẫn khó khăn cho các bên liên quan.

Chia sẻ

Tài xế chưa hết lo lắng

Nghị định 126 có hiệu lực từ ngày 5/12, quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Cụ thể, điểm c khoản 5 Điều 7 của Nghị định 126 nêu rõ: “Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh”.  

Với quy định này, kể từ ngày 5/12, các nền tảng gọi xe công nghệ phải thực hiện kê khai thuế GTGT cho toàn bộ doanh thu phát sinh do hợp tác kinh doanh ở mức 10%. Để thực hiện việc này, các hãng như Gojek, Grab... đã điều chỉnh cước phí, tính thêm VAT và thay đổi tỷ lệ khấu trừ trên doanh thu chia sẻ của đối tác tài xế nhằm nộp đủ thuế GTGT về cho ngân sách nhà nước. Việc thực thi quy định mới này gần như ngay lập tức vấp phải phản ứng dữ dội từ phía tài xế, nguyên nhân là do khá nhiều tài xế hiểu rằng, họ là đối tượng phải cõng thuế GTGT, trong khi thực chất cả tài xế lẫn hãng xe đều chỉ là đối tượng thu hộ.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách & Phát triển truyền thông, thuế GTGT là thuế gián thu, “đánh lên” người dùng cuối cùng và cần được tính vào giá thành bán ra. Như vậy, thực chất là tài xế sẽ không phải trả thuế GTGT, mà người dùng mới là đối tượng trả thêm phần thuế này, tài xế thu tiền từ người dùng, hãng xe thu lại tiền thuế GTGT của người dùng từ phía tài xế và đem nộp cho nhà nước.

Trên thực tế, thị trường xe ôm công nghệ hiện đang khá cạnh tranh, cả về giá cả lẫn chất lượng. Nhiều người dùng lựa chọn xe ôm công nghệ bởi tính thuận tiện, minh bạch, và trên hết là giá cả hợp lý, không bị “chặt chém”. Nếu tăng cước do phải gánh thêm thuế GTGT, tài xế sẽ đối diện với khả năng bị giảm thu nhập là không nhỏ, không đảm bảo cho nhu cầu thiết yếu của cuộc sống chưa nói đến tình trạng thất nghiệp vì cộng hưởng nhân tố khác như dịch Covid-19 dai dẳng lâu nay.

.

Kể từ ngày 5/12, các nền tảng gọi xe công nghệ phải thực hiện kê khai thuế GTGT cho toàn bộ doanh thu phát sinh do hợp tác kinh doanh ở mức 10%


Doanh nghiệp giảm lợi thế cạnh tranh

Trong vai trò là đơn vị thu hộ, nộp hộ thuế cho toàn bộ doanh thu, kể cả phần doanh thu chia sẻ không nhận được, các hãng xe công nghệ gặp không ít khó khăn. Nếu giữ nguyên mọi thứ, không thực hiện điều chỉnh giá và mức khấu trừ, các hãng xe công nghệ sẽ phải trả toàn bộ 10% GTGT trên tổng doanh thu, nghĩa là sẽ phải gánh luôn thuế cho phần doanh thu chia sẻ mà họ không nhận được và qua đó sẽ phải trả thuế suất lên đến 50% chứ không còn là 10% nữa, như nhiều chuyên gia đã phân tích.

Nhưng một khi tăng giá cước, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất đi thị phần khách hàng chuộng giá rẻ. Theo ThS. Luật sư Đặng Văn Cường (trưởng VP luật sư Chính Pháp), khi bị tăng thuế, các hãng xe công nghệ buộc phải tính toán, lựa chọn cẩn thận giải pháp, vì dù gì đi nữa, tuân thủ Nghị định 126 chắc chắn vẫn là ưu tiên hàng đầu. Việc điều chỉnh giá, điều chỉnh tỷ lệ khấu trừ của tài xế chắc chắn sẽ gây ra những ảnh hưởng, hệ lụy đến hoạt động của hãng, dù muốn hay không cũng khó tránh khỏi.

“Về ngắn hạn, tăng giá cước có thể tác động lớn đến nhiều đối tượng khách hàng khi họ sẽ phải cân nhắc kĩ hơn về việc sử dụng dịch vụ xe công nghệ. Về lâu dài, các hãng xe công nghệ sẽ bị ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh đối với các đối thủ truyền thống”, Luật sư Cường cho biết.

Việc tăng cước phí cho khách hàng và tăng tỉ lệ khấu trừ của tài xế nhằm đảm bảo tuân thủ Nghị định 126, đảm bảo thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với nhà nước, “về dài hạn, còn có thể gây áp lực mạnh đến các hãng xe công nghệ và ảnh hưởng đến thị phần, làm giảm khả năng tái đầu tư của doanh nghiệp trong tương lai bởi lẽ khi giá dịch vụ tăng nhu cầu sẽ giảm xuống theo quy luật cung cầu của thị trường, đồng thời mối quan hệ “đối tác” giữa doanh nghiệp và tài xế chắc chắn bị ảnh hưởng ít nhiều”, ông Cường phân tích.

Bởi vậy, khi doanh nghiệp là người trung gian thu hộ thuế VAT, câu chuyện không đơn thuần chỉ là việc thu thuế nữa, mà các hãng xe công nghệ phải đối diện với bài toán thu chi khó khăn hơn và vất vả hơn trong việc hài hòa mối quan hệ với các đối tác tài xế lẫn khách hàng.

Theo Báo Đầu tư