Ông Nguyễn Hoàng Thao (chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương): Có cơ chế thúc đẩy sự dám nghĩ, dám làm
Thực tế hiện nay cán bộ, công chức có sự dè dặt khi nghĩ ra cái mới, hay muốn áp dụng cách làm mới. Bởi họ có suy nghĩ không khéo làm có lợi thì cho cái chung, nhưng sai sót cá nhân người đó phải chịu.
Tôi kỳ vọng tân Thủ tướng và Chính phủ mới sớm nghiên cứu đưa ra những quyết sách mạnh mẽ để cán bộ, công chức lan tỏa tâm thế dám nghĩ, dám làm, dám đột phá. Những sáng kiến mới, cách làm hay, đột phá sẽ được ghi nhận, tôn trọng và bảo vệ bằng một cơ chế, hành lang, quan điểm rõ ràng, cụ thể. Từ đó thúc đẩy sự cống hiến, đổi mới, sáng tạo trong bộ máy.
Mặt khác, Chính phủ mới cũng phải quyết liệt trong việc tăng tính kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý, điều hành bộ máy hành chính. Không để có chuyện cơ quan, đơn vị, cá nhân này quyết liệt, mạnh mẽ đổi mới nhưng nơi khác lại yếu kém "trên nóng dưới lạnh".
Ông Nguyễn Quang Đồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông - IPS): Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ mới. Trong phát biểu nhậm chức của tân Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc coi trọng chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.
Nhằm hiện thực hóa chủ trương này, Chính phủ mới cần ưu tiên phát triển hạ tầng số, chú trọng phát triển hạ tầng cho nền kinh tế số gồm 2 hệ thống hạ tầng chính là hạ tầng cứng và hạ tầng mềm.
Mặt khác, cần hoàn thiện hệ thống khung khổ pháp lý cho các vấn đề của kinh tế số. Do công nghệ số là xuyên quốc gia, các vấn đề không phải chỉ xử lý riêng rẽ trong "biên giới" Việt Nam mà cần đặt trong tương quan với các nước trong khu vực và các thể chế mang tính toàn cầu.
Ông Thái Trường Giang (Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau): Quan tâm vực dậy Đồng bằng sông Cửu Long
Chính phủ nhiệm kỳ trước đã có nghị quyết 120 đề ra tầm nhìn, quan điểm chỉ đạo, chủ trương và định hướng chiến lược phát triển Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi kỳ vọng Chính phủ mới sẽ tiếp tục kế thừa, khắc phục những tồn tại và phát huy ưu điểm để vực dậy tiềm năng của Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng nhưng nếu không khai thác hết sẽ đánh mất cơ hội. Ví dụ dù chúng ta có nhiều kịch bản nhưng diễn biến của biến đổi khí hậu nhanh hơn kịch bản nên cần phải có điều chỉnh để thích nghi.
Tiến sĩ Võ Văn Chi (Đà Nẵng): Có chính sách kéo người Việt ở nước ngoài đóng góp cho đất nước
Chính phủ thời gian qua đã điều hành rất tốt, vượt qua nhiều khó khăn. Để đột phá hơn nữa, thời gian tới Chính phủ mới cần tập hợp, tranh thủ thêm tiếng nói đại diện của nhiều tầng lớp, nhất là đội ngũ trí thức để đưa ra những quyết sách, vấn đề quan trọng quốc gia khi ban hành phù hợp với nguyện vọng nhân dân, đi vào thực tiễn cuộc sống. Trong đó, việc xây dựng các chính sách, chủ trương cần tạo sự thông thoáng và phù hợp thông lệ quốc tế.
Hiện nay, vấn đề nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo ở nước ta còn khiêm tốn trong bối cảnh cách mạng 4.0. Tôi mong Chính phủ khơi dậy lòng tự hào dân tộc để người Việt Nam trong, ngoài nước xung phong đóng góp cho sự nghiệp xây dựng Việt Nam hùng cường.
Ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt (Hà Nội): Cần tăng trưởng đi vào thực chất
Tôi kỳ vọng Chính phủ mới sẽ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề môi trường, bảo vệ rừng - tài nguyên cho thế hệ sau; bảo vệ di sản văn hóa; quan tâm đến các vấn đề đô thị, ví dụ như phát triển giao thông công cộng, không gian xanh trong thành phố, nhà ở, các sân chơi cho trẻ em... hay vấn đề bất bình đẳng giàu nghèo đang ngày càng tạo hố sâu trong xã hội.
Tôi kỳ vọng những vấn đề này sẽ được định hướng rõ hơn, dần tháo gỡ từng bước để tăng trưởng của Việt Nam đi vào thực chất.
Ông Đặng Hồng Anh (chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam): Kỳ vọng tinh thần quyết liệtTôi được biết ông Phạm Minh Chính có xuất thân từ ngành công an nên tôi mong ông sẽ là người thấu hiểu những trăn trở của doanh nghiệp về vấn đề hình sự hóa các quan hệ kinh tế, có những giải pháp quyết liệt để tạo được sự đồng thuận từ cộng đồng doanh nghiệp.
Đồng thời, Chính phủ mới cần đẩy nhanh điều chỉnh Luật đất đai bởi vì các doanh nghiệp và kể cả các cấp lãnh đạo hiện vướng rất nhiều ở Luật đất đai.
Ông Quang Phú (Quế Sơn, Quảng Nam): Nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam
Tôi mong Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công sau nhiệm kỳ làm thủ tướng thành công. Đặc biệt, trong vị trí mới, tôi mong Chủ tịch nước nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế lên cao hơn nữa, từng bước hiện thực hóa giấc mơ đất nước hùng cường vào năm 2045.
Tôi rất tự hào vì quê tôi có người làm thủ tướng và bây giờ là chủ tịch nước. Hãy cố lên nhé, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, để làm rạng danh đất Quảng Nam ngũ phụng tề phi!
Ông Ngô Anh Vũ (phó giám đốc điều hành Viện quy hoạch xây dựng, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM): Phân quyền mạnh cho TP.HCM
Tôi kỳ vọng lãnh đạo Chính phủ nhiệm kỳ tới sẽ dành sự quan tâm tương xứng với khả năng mà TP.HCM cũng như các tỉnh thành phía Nam đóng góp từ động lực hạ tầng giao thông. Bên cạnh nguồn lực từ tỉ lệ điều tiết ngân sách được cân đối chung thì rất cần nguồn lực từ cơ chế, chính sách được "cởi trói". Trung ương cần cho cơ chế linh hoạt, phân cấp ủy quyền mạnh cho TP.HCM và các tỉnh để tự chủ tạo thêm nguồn lực đầu tư, phát triển nhanh hơn.
Ngoài ra, tôi kỳ vọng trung ương sẽ tiếp tục khuyến khích, ủng hộ các sáng kiến của TP.HCM đề xuất cho việc thu hút đầu tư, phát triển, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị cũng như các lĩnh vực khác.
Bloomberg: kỳ vọng Việt Nam mở cửa thêm thị trường
Ngày 5-4, thông tin Việt Nam có tân chủ tịch nước và tân thủ tướng đã nhận được sự quan tâm của nhiều báo đài, cơ quan truyền thông quốc tế như Hãng tin Bloomberg (Mỹ), Tân Hoa xã (Trung Quốc), Hãng tin Tass (Nga), tạp chí Nikkei Asia (Nhật Bản), Đài Al Jazeera (Qatar), Hãng tin AP (Mỹ), Hãng tin Reuters (Anh), Hãng tin AFP (Pháp)...
Tân Hoa xã cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thông điệp chúc mừng tới tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trong khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gửi lời chúc tới tân Thủ tướng Phạm Minh Chính. Theo Tass, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng chúc mừng ông Phúc và kỳ vọng phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nga.
Về tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, Nikkei Asia dẫn bình luận của giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Úc): "Rõ ràng ông Chính có được sự ủng hộ của đông đảo ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng" và "Những ưu tiên ngay của ông Chính đã được xác định, đó là đánh bại đại dịch COVID-19 và khởi động việc khôi phục kinh tế Việt Nam".
AP cũng dẫn lời của giáo sư Carl Thayer đánh giá cao những đóng góp của ông Nguyễn Xuân Phúc đối với tăng trưởng kinh tế và cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở Việt Nam thời gian qua. Trong nhiệm kỳ thủ tướng của ông Phúc, nền kinh tế Việt Nam đã duy trì mức tăng trưởng 7% cho tới năm ngoái, khi dịch COVID-19 phủ bóng đen lên thế giới.
Theo Bloomberg, giới phân tích kỳ vọng các lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ tiếp tục giữ các chính sách kinh tế quan trọng của Việt Nam, gồm mở cửa thêm nữa thị trường Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu và cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.
Theo Tuổi Trẻ