Luật điện ảnh

02/12/2021 | Tin hoạt động
Luật Điện ảnh Việt Nam đã được đưa vào hiệu lực từ năm 2007 và đến nay đã trải qua nhiều lần sửa đổi. Song vẫn còn đó những lỗ hổng và rào cản gây cản trở sự phát triển của nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam, nhất là trong thời buổi cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra bùng nổ như hiện nay. Dưới hoàn cảnh ấy, Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được đưa ra trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 23/10/2021.

Chia sẻ

Trước đó, vào ngày 15/10/2021, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền Thông (IPS) cũng tổ chức Tọa đàm Luật Điện ảnh (sửa đổi) nhằm mục đích lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp và chuyên gia nước ngoài.

Khách mời tham dự tọa đàm có: ông Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, ông Fraser Thompson - Giám đốc điều hành công ty tư vấn AlphaBeta, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Giám đốc Công ty TNHH Giải trí Thaole Entertainment, cùng các đơn vị báo chí truyền thông.

Nội dung chính của tọa đàm xoay quanh 03 vấn đề:

(i) Xu hướng phát triển kinh tế sáng tạo và cơ hội cho ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam từ dịch vụ truyền hình theo yêu cầu (VOD)

(ii) Ảnh hưởng của khung chính sách về kinh tế số đối với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam và doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh

(iii) Xây dựng khung pháp lý hài hòa để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp điện ảnh trong bối cảnh kinh tế số

Trong cuộc hội thảo, Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền Thông IPS đã đưa ra những góp ý đối với Dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) như: (1) Sửa đổi các thủ tục cấp phép, thủ tục hành chinh để tạo thuận lợi cho ngành dịch vụ điện ảnh; (2) Sửa đổi cơ chế hậu kiểm thông qua phân loại phim.

Ông Nguyễn Quang Đồng Viện trưởng IPS.jpg

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông đề xuất dịch vụ phân loại phim.

Nguồn: VnExpress

Các cuộc thảo luận đều có cái nhìn nhất trí về việc đưa vào sửa đổi Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi 2009) và có cùng quan điểm như: coi điện ảnh là một ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế; đặt sự phát triển của công nghiệp điện ảnh vào trong mối quan hệ tổng hòa với các ngành công nghiệp khác; chỉnh lý và hoàn thiện bộ khung pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi cũng như làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; hoan nghênh sự tham gia của toàn xã hội vào phát triển ngành điện ảnh.