Make in Vietnam - chìa khóa giải bài toán phát triển

09/01/2021 | IPS trên Báo chí
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông Nguyễn Quang Đồng cho biết: Chiến lược Make in Vietnam chính là động lực quan trọng giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu trở thành cường quốc bậc trung vào năm 2045. Ông đã có cuộc trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về chiến lược Make in Vietnam.
Make in Vietnam - chìa khóa giải bài toán phát triển

Chia sẻ

Hướng tới cường quốc bậc trung


Cách đây hơn 1 năm, chiến lược Make in Vietnam được khởi động và tới hiện tại đã thu được những kết quả rất tích cực. Theo ông, chiến lược này nắm giữ vai trò quan trọng như thế nào trong việc giải quyết các vấn đề của Việt Nam bằng công nghệ mới?


- Việt Nam từng đặt mục tiêu vào năm 2045, thời điểm đất nước kỷ niệm 100 năm nền độc lập, sẽ trở thành một cường quốc bậc trung thịnh vượng và phát triển, với thu nhập người dân nằm trong nhóm trung bình cao của thế giới. Để hiện thực hóa được mục tiêu này, kinh tế số chính là động lực quan trọng nhất khi mở ra nhiều cơ hội do công nghệ số mang lại.


Cần xác định, kinh tế số chính là chìa khóa để Việt Nam giải quyết bài toán lớn nhất mà chúng ta chưa giải thành công sau 30 năm cải cách, mở cửa và đổi mới - đó là bài toán về năng suất lao động. Năng suất lao động thấp sẽ kéo Việt Nam vào “bẫy thu nhập trung bình”.


Hiện tại, Việt Nam cũng đang có “thời cơ vàng” để tạo sự đột phá mới, nâng cao năng suất lao động, thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” khi có cơ cấu dân số và lực lượng lao động trẻ, được đào tạo tốt, nhạy bén với công nghệ.

Make in Vietnam -  chìa khóa giải bài toán phát triển - Ảnh 1

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông Nguyễn Quang Đồng.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa vai trò động lực kinh tế số thì không thể chỉ đơn thuần dựa vào các giải pháp công nghệ từ bên ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam, với các giải pháp công nghệ và sản phẩm số của người Việt cần có sự đột phá và đóng vai trò chủ lực. Do đó, có thể khẳng định nếu Make in Vietnam thành công thì mục tiêu Việt Nam đặt ra vào năm 2045 sẽ được hiện thực hoá.


Trên thực tế, chiến lược làm chủ và giải quyết các vấn đề bằng công nghệ đã được Hàn Quốc, Đài Loan đã triển khai thành công từ 30 - 40 trước, làm thay đổi toàn diện nền kinh tế. Theo ông, chiến lược Make in Vietnam mà Việt Nam đã và đang triển khai liệu có quá chậm?


- Nếu lấy nội hàm của Make in Vietnam là tập trung vào công nghệ số thì cơ hội vẫn còn rất lớn với chúng ta.


Đúng là nếu xét công nghệ trong các lĩnh vực chế tạo, điện tử vốn dựa trên khoa học cơ bản mạnh, đầu tư lớn cho R&D (nghiên cứu và phát triển) thì Việt Nam không còn lợi thế, cũng như không đủ điều kiện về nguồn lực để theo kịp các nước kể trên. Nhưng công nghệ số lại mở ra cho chúng ta cơ hội mới khi dựa trên nền tảng lõi là công nghệ thông tin, không yêu cầu quá lớn về đầu tư cho cơ sở vật chất nghiên cứu khoa học và công nghệ.


Bên cạnh đó, công nghệ số lại chú trọng vào chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin tốt; nhạy bén, linh hoạt; kết hợp với thị trường là người tiêu dùng trẻ, ham thích công nghệ. Vòng đời của một sản phẩm, giải pháp công nghệ - từ nghiên cứu đến triển khai ra thị trường rất ngắn và được tài trợ vốn bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm. Đây đều là những lợi thế của Việt Nam.
Hơn thế nữa, Việt Nam đang có một thế hệ các trí thức, doanh nhân người Việt hiện giảng dạy, nghiên cứu và làm việc trong các doanh nghiệp công nghệ lớn ở nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. Trong thị trường công nghệ số, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để phát huy hết năng lực và đóng góp của cộng đồng này cho đất nước.


Tính “không biên giới” của công nghệ số là điểm ưu việt giúp tạo ra các cơ hội mới cho Việt Nam.


Khởi đầu ấn tượng nhưng cần thay đổi chính sách thuế


Dù chiến lược Make in Vietnam mới chỉ được phát động hơn một năm nhưng chỉ trong quãng thời gian ngắn ngủi đó chúng ta đã có được 38 nền tảng công nghệ do người Việt làm chủ. Ông có đánh giá thế nào về kết quả nổi bật này?

Sự khởi đầu như vậy là rất ấn tượng. Tốc độ và sự sáng tạo của các doanh nghiệp trong nước khi mau chóng cho ra mắt các sản phẩm như vậy cho thấy tiềm năng về sáng tạo rất lớn của lực lượng công nghệ trong nước.


Điều quan trọng hơn, đằng sau những con số như vậy, các giải pháp, nền tảng số đã thực sự xâm nhập sâu vào các lĩnh vực kinh tế - tạo ra khởi sắc về hiệu quả quản trị, vận hành và nâng cao năng suất cho các doanh nghiệp. Đặc biệt là trong khu vực ngân hàng - tài chính; thương mại điện tử; du lịch; giáo dục.


Điều này được chứng thực rõ hơn ở góc độ vĩ mô khi chỉ số tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), theo công bố của Tổng cục Thống kê, của toàn nền kinh tế đã cải thiện rõ rệt trong 5 năm qua (2016 – 2020) so với giai đoạn trước đây. Đây là tín hiệu theo tôi là rất tích cực và đáng mừng.


Tuy nhiên, tôi cho rằng sự thành công cần thêm một bước kiểm chứng nữa đó là khả năng vươn ra thị trường nước ngoài của các sản phẩm và giải pháp Việt Nam. Chiếm lĩnh thị trường trong nước là quan trọng nhưng thước đo thành công trong giai đoạn tới còn là thành công trong môi trường toàn cầu. Ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp và giải pháp số Việt Nam vẫn chưa đạt được yếu tố này. Tất nhiên, chúng ta cần thêm thời gian để kiểm chứng. Nhưng ở góc độ vĩ mô, các định hướng và hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khát vọng và tầm nhìn toàn cầu là rất quan trọng.


Hiện, nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp sáng tạo công nghệ nhưng ở Việt Nam thì các doanh nghiệp dạng này phải đóng thuế 15 - 20% dựa trên doanh thu, đây là con số rất cao. Theo ông, chúng ta cần thay đổi chính sách ưu đãi thuế như thế nào để khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển?


- Đúng là môi trường chính sách hiện nay chưa có những ưu đãi và tạo thuận tiện cho doanh nghiệp trong nước, cả về chính sách thuế, lẫn các quy định, điều kiện kinh doanh, giấy phép.


Về vấn đề thuế, các ưu đãi thuế theo hình thức ưu đãi thu nhập cá nhân cho doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp đổi mới sáng tạo không được thực thi trong thực tế khi doanh nghiệp hầu như không tiếp cận được. Do đó, các cơ quan làm chính sách cần đánh giá lại toàn diện hiệu quả các thực thi của chính sách thuế.


Tuy nhiên, theo tôi, ưu đãi thuế chỉ nên dành cho doanh nghiệp hiệu quả; công nghệ và sản phẩm được thị trường tiếp nhận; sản phẩm có thể vươn ra và chiếm thị phần trên toàn cầu thì xứng đáng được hỗ trợ. Bên cạnh đó, chính sách thuế cần được điều chỉnh để đảm bảo bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp các ngành khác.


Điều quan trọng hơn là cải cách các quy định kinh doanh và vấn đề giấy phép. Hiện nay, thủ tục xin phép, cấp phép kéo dài, rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp công nghệ lớn khiến nhiều doanh nghiệp e ngại, phải thành lập pháp nhân ở Singapore thay vì Việt Nam.


Kế đó, một số ngành kinh doanh mới, các cơ quan quản lý lúng túng vì không có tiền lệ. Thực tế Việt Nam là nước duy nhất trong top 6 nền kinh tế ở khu vực Đông Nam Á chưa có một cơ chế sandbox (thử nghiệm pháp lý) nào. Vấn đề này còn quan trọng là thuế.


Đáng lưu ý, để xử lý những vướng mắc trên hoàn toàn nằm trong tầm tay của các bộ ngành mà lại không tốn kém về chi phí. Vấn đề chỉ là phối hợp, điều phối giữa các bộ. Ở tầm vĩ mô, các tuyên bố ở cấp cao nhất của Chính phủ rất cởi mở và khuyến khích; nhưng khoảng cách giữa lời nói và thực hiện thực tế ở cấp bộ ngành lại khá xa. Đây là điểm nghẽn cần nhanh chóng gỡ.


Xin trân trọng cám ơn ông!

Được phát động từ giữa năm 2019, tính tới hiện tại, chiến lược Make in Vietnam đã thu được nhiều thành quả đáng kể. Theo đó, chỉ trong vòng hơn 1 năm, đã có trên 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28%. Qua đó nâng số lượng doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số lên mức 58.000. Như vậy mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 mà Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể đạt được vào năm 2025.

Theo Kinh tế & Đô thị