Mừng, lo của người kinh doanh khi Hà Nội mở lại dịch vụ

22/06/2021 | IPS trên Báo chí
Trên trang cá nhân, đồng sáng lập một chuỗi cắt tóc viết “hẹn anh em Hà Nội sáng 22/6", một cái hẹn mà cả người bán lẫn người mua đã phải dồn nén lâu ngày.
Mừng, lo của người kinh doanh khi Hà Nội mở lại dịch vụ

Chia sẻ

Từ 0h ngày 22/6, các dịch vụ cắt tóc, gội đầu, ăn uống trong nhà tại Hà Nội được phép mở lại, kèm theo các yêu cầu về chống dịch sau 27 ngày bị tạm dừng.
"Chúng tôi rất mong chờ được tiếp tục phục vụ khách hàng", Bùi Quang Hùng, đồng sáng lập chuỗi cắt tóc 30Shine vui vẻ nói qua điện thoại. Theo tính toán của Hùng, trung bình cứ 3 tuần đàn ông phải đến tiệm một lần để cắt tóc. "Họ thấy khó chịu, vướng víu nếu tóc dài quá 1-2 cm", Hùng phân tích.
Để đáp ứng nhu cầu bị dồn nén hơn một tháng qua, của cả khách lẫn chính mình, họ sẽ mở từ 7h30 sáng và đóng vào tối muộn.
Kinh nghiệm từ những lần trước cho đội ngũ 30Shine biết rằng lượng khách sẽ tăng đột biến 2-3 lần sau khi được nới lỏng. Điều này có thể duy trì trong vòng 2 tuần trước khi trở lại bình thường. Trước khi làn sóng dịch thứ tư xuất hiện, một tháng chuỗi này làm đẹp cho hơn 300.000 khách.
Các cửa hàng ăn uống tại trung tâm thương mại AeonMall Hà Đông trưa 20/6. Ảnh: Đức Minh.Các cửa hàng ăn uống đóng cửa tại trung tâm thương mại AeonMall Hà Đông trưa 20/6. Ảnh: Đức Minh.

Nhưng không phải ai cũng yên tâm ngay khi nghe tin mở cửa. Việc các ngành dịch vụ bị ngừng trệ khiến cho người lao động khốn đốn nhưng việc mở cửa hoạt động lại cũng không dễ dàng, vì "bóng ma" Covid-19.

Anh Quân, chủ chuỗi cửa hàng và nhà máy sản xuất kem Goofoo Gelato, dù cũng phấn khích trước thông tin mở cửa của Hà Nội nhưng sau 3 lần đóng - mở, anh cho rằng, trước và sau khi hoạt động trở lại, khách hàng sẽ không nhiều do ngại dịch.

Bên cạnh đó, việc tìm cách vận hành bộ máy trơn tru, kéo khách hàng trở lại sau dịch cũng là bài toán khó với người kinh doanh. "Sau một thời gian nghỉ dài thì nhân sự của nhà hàng, quán sẽ bị xáo trộn và người mua đã có những thói quen tiêu dùng mới nên có thể nhà hàng sẽ mất đi một lượng khách", Hoàng Tùng, CEO của Pizza Home lưu ý. Ví dụ, dịch bệnh đã khiến khách hàng hình thành thói quen "ăn ở nhà" thay vì "ăn tiệm" như trước.

Bên ngoài một nhà hàng tại quận Hà Đông tối 21/6. Ảnh: Đức Minh.Bên ngoài một nhà hàng tại quận Hà Đông tối 21/6. Ảnh: Đức Minh.

Nhu cầu tiết kiệm khi dịch bệnh kéo dài cũng làm thay đổi hành vi tiêu dùng của khách. Cô Nhung, một người bán đồ trẻ em, mở thêm cả tiệm cắt tóc ở Phúc Xá (Ba Đình) đã phải đóng cửa thời gian qua, cũng lo lắng: "Giờ có mở ra cũng chỉ được vài ngày đầu thôi. Chị em nhớ tiệm thì đến, xong dừng tất, có kiếm được đâu mà tiêu nhiều. Dịch thì chưa biết lúc nào kết thúc".

Để sống sót qua những lần đóng – mở cửa này, doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị, chuyển đổi.

4 đợt dịch, trải qua những giây phút nguy hiểm khi dòng tiền âm liên tục khiến anh Tùng hiểu rằng phải cải tiến và chuyển dịch mạnh mẽ mô hình kinh doanh. Đến nay, mô hình của chuỗi Pizza Home đã cắt bỏ các mặt bằng bán hàng không hiệu quả, đồng thời chuyển lên các ứng dụng giao đồ ăn cũng như tập trung dịch vụ giao tận nhà. "Cửa hàng phải bán cả online – offline", anh nói và nhấn mạnh "Kế hoạch dài hơi là phải luôn đi hai chân và chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất, kể cả phải đóng cửa tiếp".

Với chuỗi cửa hàng và nhà máy sản xuất kem Goofoo Gelato, nhờ chuyển đổi sang mô hình bán online các dòng kem đóng hộp có sẵn, anh Quân cho biết "may vẫn trụ được". Người đàn ông này vì von, việc làm ăn của mình, dù giống cái xe chết máy liên tục khi cứ phải đóng rồi lại mở cửa hàng, vẫn lết được chứ không trượt dốc.

Nhưng điểm sâu xa hơn của vấn đề là phải tiêm vaccine Covid-19 cho cộng đồng. Vaccine không phải liều thuốc thần kỳ nhưng là yếu tố quyết định để kinh tế, dịch vụ được mở bung, người dân an tâm kinh doanh, sản xuất. Hiện Việt Nam mới có khoảng 2% dân số được tiêm lần 1 và 0,1% được tiêm lần 2. Yêu cầu tiêm cấp bách nhưng lượng vaccine về nhỏ giọt khiến việc lựa chọn nhóm người ưu tiên càng được chú trọng hơn.

Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công nói rằng thời gian tới nên ưu tiên cho những người lao động phi chính thức tại các thành phố lớn, địa phương bùng dịch. Họ là những người thường xuyên phải tiếp xúc bên ngoài để mưu sinh. Đây là những đối tượng yếu thế, không có khả năng chống chịu trong khủng hoảng, tạo rủi ro cao cho chính bản thân và cộng đồng.

Quan điểm này cũng đã được các chuyên gia của trường Fulbright đưa ra gần đây. Người lao động không có khả năng làm việc từ xa tại những địa phương có nguy cơ dịch cần được ưu tiên tiêm vaccine trước những người làm văn phòng.

Anh Quân nói rằng vẫn chuẩn bị cho việc mở rộng số lượng điểm bán nhưng chỉ triển khai chừng nào vaccine được tiêm rộng rãi ở Việt Nam. Đó là cách duy nhất khiến anh thấy an tâm, còn không, để sống sót, ông chủ cơ sở kem vẫn chọn cách an toàn để giữ mình.

Theo VnExpress