Chuyển đổi số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước đã có 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban (có 6 địa phương do Bí thư trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo là Bến Tre, Hà Giang, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Lào Cai, Bình Định). 100% bộ, ngành, địa phương ban hành chương trình/kế hoạch/đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm. Công cuộc chuyển đổi số đã, đang lan tỏa tới tất cả các cấp, các ngành, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu đã có chuyển biến rõ nét.
Cũng theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho chính phủ số được đẩy mạnh triển khai, trong đó, đáng chú ý là cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp với 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp truy cập thuận tiện (một cửa) đến dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước các cấp;… hơn 1 tỷ lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ là 80%, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến là 52,80%, vượt chỉ tiêu đề ra năm 2022 (50%), hơn 3,88 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 3,45 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, các cơ sở dữ liệu quốc gia khác như bảo hiểm, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp đã đi vào vận hành ổn định, đang mang lại hiệu quả tích cực. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai đang được tích cực triển khai; bước đầu thí điểm chia sẻ thông tin dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thực tế cho thấy, chuyển đổi số là xu thế tất yếu đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng và hàng ngày. Đây là phương thức đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chuyển đổi số ở nước ta, thời gian qua, có nhiều chuyển biến và ghi nhận những kết quả tích cực ở các khía cạnh khác nhau. Trong đó, lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đổi số trước, bao gồm: Y tế, Giáo dục, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải, Năng lượng, Tài nguyên và Môi trường, Sản xuất công nghiệp.
Theo chị Tống Khánh Linh, Chuyên viên phân tích chính sách, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, chuyển đổi số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Đối với người dân chính phủ số đem lại lợi ích cụ thể như: Chính phủ số nhờ dữ liệu số và công nghệ số thấu hiểu người dân hơn, vì vậy, cung cấp dịch vụ số tốt hơn, chăm sóc người dân tốt hơn. Một đứa trẻ khi sinh ra được cấp một mã định danh duy nhất, đến kỳ thì gia đình nhận được thông báo đi tiêm phòng từ chính quyền, đến tuổi đi học thì chính quyền dựa trên số liệu dân cư để quyết định phân bổ cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục, tránh nơi bị thừa, nơi lại thiếu, đến tuổi trưởng thành thì tự động nhận được căn cước công dân. Khi dịch bệnh bùng phát thì kịp thời nhận được cảnh báo, chăm sóc y tế.
Còn kinh tế số cho phép mỗi người dân có thể tiếp cận toàn bộ thị trường một cách nhanh chóng theo cách chưa từng có. Nếu như trước đây, người dân mang hàng ra chợ bán thì chỉ tiếp cận được vài chục đến vài trăm người trong khu vực địa lý hạn chế của mình. Và hiện nay, với thương mại điện tử, người dân có thể bán hàng cho hàng triệu người, trên toàn thế giới. Chỉ cần mỗi người dân với một chiếc điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang là có thể trở thành một doanh nghiệp và có thể tiếp cận cả thế giới.
Chuyển đổi số trong xã hội nhằm hình thành xã hội số, xét theo nghĩa rộng, là bao trùm lên mọi hoạt động của con người. Động lực chính của xã hội số là công nghệ số, dựa trên sự tăng trưởng thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng, làm thay đổi mọi khía cạnh của tổ chức xã hội, từ chính phủ, kinh tế cho tới người dân. Xã hội số, xét theo nghĩa hẹp, gồm công dân số và văn hóa số. Người dân có thể sống khỏe mạnh hơn nhờ các hình thức chăm sóc y tế kịp thời, vui vẻ hơn với các hình thức giải trí đa dạng và an toàn hơn.
Thực tế, hầu hết người dân đều hiểu rằng, việc chuyển đổi số là cần thiết, là phù hợp với thời đại ngày nay. Thế nhưng, khi đăng ký các dịch vụ qua cổng thông tin trên mạng, họ lại gặp khá nhiều phiền toái. Bởi phần mềm, ứng dụng vẫn còn nhiều bất cập, giao diện khó tiếp cận, chưa kể tới việc lỗi mạng, lỗi đường truyền, chính vì vậy, dẫn đến việc chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân trong khi thực hiện các giao dịch hành chính trực tuyến.
Thêm nữa, những năm qua, người dân còn đối mặt với những thiệt hại về tiền của bởi những vụ lừa đảo trên không gian mạng với thủ đoạn vô cùng tinh vi. Đã có rất nhiều trang web, ứng dụng lừa đảo được thiết kế rất giống với của Nhà nước, của Chính phủ. Điều đó cũng khiến cho mọi người có tâm lý e dè, không sẵn sàng cài đặt các ứng dụng hay vào các trang web để kê khai, bởi chắc chắn rằng họ sẽ phải cung cấp những thông tin cá nhân.
Chính vì vậy, để công cuộc chuyển đổi số đi vào cuộc sống, để người dân tham gia hưởng ứng tích cực hơn, quan trọng nhất là chuyển đổi nhận thức để người dân thấy rằng cần phải làm, muốn làm và có thể làm được. Do đó, về mặt quản lý Nhà nước, các cấp, các ngành liên quan cần có những biện pháp để ngăn chặn hành vi lừa đảo, cần có những cải tiến, có những biện pháp, hành động cụ thể để tạo thuận lợi cũng như niềm tin cho người dân, để người dân được sử dụng dịch vụ công cũng như các tiện ích xã hội được thuận tiện hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Tống Khánh Linh - Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông
Theo Báo VOV2