Quan trọng hơn là tìm hướng đi dài hạn

04/12/2023 | IPS trên Báo chí
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông Nguyễn Quang Đồng cho rằng, nỗ lực tìm cách hỗ trợ các cơ quan báo chí trong thời điểm cực kỳ khó khăn hiện nay của Bộ Thông tin và Truyền thông là đáng ghi nhận và Bộ Tài chính cần ưu tiên xử lý những đề xuất này. Song đó chỉ là gỡ khó trong ngắn hạn. Về lâu dài, cần tìm ra hướng đi giúp báo chí hoạt động kinh tế bền vững.
Quan trọng hơn là tìm hướng đi dài hạn

Chia sẻ

- Được biết, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) từng thực hiện nghiên cứu về hoạt động kinh tế báo chí và hướng phát triển bền vững cho báo chí Việt Nam trong kỷ nguyên số. Vướng mắc lớn nhất về tài chính với các cơ quan báo chí Việt Nam qua nghiên cứu này là gì?
- Nghiên cứu tình hình hoạt động của các cơ quan báo chí Việt Nam của chúng tôi cho thấy, kể từ Đổi mới, đây là giai đoạn khó khăn nhất về hoạt động kinh tế báo chí. Nguồn thu của các tòa soạn đều sụt giảm đáng kể những năm vừa qua. Chúng tôi cũng dự báo tình hình có thể chưa sáng sủa hơn trong giai đoạn ngắn hạn sắp tới.
Một mặt, trong hơn 10 năm qua sự thay đổi của thị trường truyền thông, thị hiếu đọc báo khiến lượng phát hành báo in sụt giảm, các cơ quan báo chí truyền thống mất đi một nguồn thu quan trọng. Trong khi đó, báo chí cũng đánh mất ưu thế về quảng cáo, ưu thế truyền thông so với mạng xã hội, khiến nguồn thu quảng cáo và truyền thông truyền thống ngày càng co hẹp.
Thêm vào đó, tình hình kinh tế khó khăn, khiến các doanh nghiệp cắt giảm ngân sách truyền thông, theo đó tác động trực tiếp đối với doanh thu các tòa soạn. Đối với nhóm báo chí là đơn vị sự nghiệp, yêu cầu tự chủ tài chính khiến nguồn kinh phí từ ngân sách giảm, trong khi cơ chế đặt hàng dịch vụ chưa vận hành suôn sẻ.
Một loạt yếu tố bất lợi, cả từ khách quan (nền kinh tế khó khăn, xu hướng giảm bao cấp cho báo chí) và chủ quan (báo chí không cạnh tranh được về sức mạnh quảng cáo so với các kênh truyền thông mới), đến cùng thời điểm quả thực khiến nhiều cơ quan báo chí lao đao.
Cũng cần nói thêm, khó khăn của báo chí Việt Nam không phải là ngoại lệ. Thị trường kinh doanh báo chí toàn cầu cũng đối mặt với những khó khăn gay gắt trong khoảng hơn 5 năm gần đây. Và ngắn hạn, ngành kinh doanh báo chí toàn cầu vẫn sẽ phải tiếp tục vật lộn để định hình hoạt động, tìm mô hình kinh doanh mới thích ứng với thời đại số.
- Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số quy định về cơ chế tài chính để tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan báo chí. Ông nghĩ sao về điều này?
- Nỗ lực tìm cách hỗ trợ các cơ quan báo chí trong thời điểm cực kỳ khó khăn hiện nay của Bộ Thông tin và Truyền thông là đáng ghi nhận. Báo chí cách mạng Việt Nam là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước; kênh thông tin truyền thông của Nhân dân và đóng vai trò đặc biệt quan trọng với hệ thống chính trị. Sự suy yếu của hệ thống báo chí chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh thông tin, tuyên truyền của Đảng và Nhà nước. Do đó, gỡ khó về ngắn hạn, tìm ra hướng đi giúp báo chí hoạt động kinh tế bền vững về dài hạn là yêu cầu bắt buộc.
Trong ngắn hạn trước mắt, nếu những vướng mắc đến từ quy định về cơ chế tài chính cho cơ quan báo chí mà Bộ Thông tin và Truyền thông nêu được giải quyết sẽ tạm thời giảm nhẹ khó khăn cho nhiều tờ báo, đặc biệt đối với nhóm báo chí là đơn vị sự nghiệp công lập. Nguồn thu từ đặt hàng nhiệm vụ truyền thông, giảm nhẹ gánh nặng thuế - dù không quá lớn, nhưng vẫn là vô cùng quý giá trong giai đoạn báo chí “khủng hoảng” nguồn thu như hiện nay.
- Thế còn về dài hạn thì sao?
- Như đã nói, ngành kinh doanh báo chí toàn cầu đều gặp khó khăn; khi công nghệ số và mạng xã hội phổ biến trong đời sống thông tin hàng ngày và phá vỡ vị thế độc quyền của báo chí. Do đó, những kiến nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông có ý nghĩa gỡ khó về ngắn hạn; còn về dài hạn, đổi mới hoạt động, đổi mới mô hình kinh doanh, tìm nguồn thu mới để thích ứng với thời đại số mới là lối ra bền vững.
Thời đại số, chuyển đổi số không phải chỉ là công nghệ; quan trọng hơn là tư duy hoạt động báo chí, tư duy kinh doanh báo chí trong môi trường số. Có những nguồn thu tiềm năng mới từ thu phí độc giả, từ quảng cáo số; từ hoạt động truyền thông số - cần được khám phá và khai thác.
Yêu cầu tự chủ, tự hoạt động kinh tế đòi hỏi phải cạnh tranh và thích ứng. Sẽ có những cơ quan báo chí không đủ cạnh tranh, không kịp thích ứng và phải rời cuộc chơi. Đó là thực tế phải chấp nhận. Nhưng về dài hạn, báo chí có những lợi thế cạnh tranh cốt lõi, đó là thông tin đáng tin cậy, là chiều sâu thông tin - những lợi thế mà không loại hình truyền thông nào có được. Đó là “tài sản” quý giá nhất để báo chí “sống” và tiếp tục phát triển trong chặng đường dài sắp tới.
- Xin cảm ơn ông!