Nhiều ý kiến cho rằng ứng dụng Chính phủ điện tử chính là một cuộc cách mạng trong mối quan hệ giữa chính phủ và công dân nhờ sử dụng công nghệ.
Đó cũng là mục tiêu cuối cùng của Báo cáo Đánh giá và Xếp hạng Chính phủ điện tử (CPĐT) Việt Nam 2017 được thực hiện bởi Hội Truyền thông số Việt Nam, do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) chủ trì về mặt kỹ thuật và phương pháp thực hiện. Báo cáo sẽ cung cấp một bức tranh tổng quan về CPĐT tại các cấp ở Việt Nam, đánh giá và xếp hạng các Bộ, ngành, địa phương về mức độ phát triển CPĐT.
Báo cáo này được công bố trong khuôn khổ Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2018 với chủ đề "Phát triển CPĐT hướng tới nền hành chính hiện đại và hiệu quả" do Hội Truyền thông số Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội và IDG Vietnam tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP. Hà Nội.
Báo cáo Đánh giá và Xếp hạng Phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam 2017 được xây dựng nhằm đánh giá mức độ ứng dụng CNTT trong việc phát triển CPĐT; quản lý, triển khai điều hành và cung cấp dịch vụ công tại các Bộ và cơ quan ngang bộ, các cơ quan Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ trong năm 2017 thông qua việc xếp hạng các Bộ, ngành, địa phương. Báo cáo là kết quả của quá trình xây dựng chỉ số; thu thập thông tin, số liệu trên 63 tỉnh, thành; tính toán các tiêu chí và chỉ số tổng hợp cho các tỉnh, thành; và cuối cùng là xây dựng xếp hạng các Bộ, ngành, địa phương. Chỉ số tổng hợp của Báo cáo thể hiện mức độ phát triển của CPĐT thông qua ứng dụng CNTT trong hoạt động.
Góc nhìn toàn diện về CPĐT tại Việt Nam
Mục đích chính của Báo cáo không chỉ là đưa ra đánh giá về tình hình ứng dụng CNTT trong việc xây dựng, ứng dụng CPĐT tại các Bộ, ngành, địa phương mà còn hướng đến phân tích nguyên nhân của thực trạng và từ đó, đưa ra giải pháp phát triển CPĐT tại Việt Nam. Từ mục đích cao nhất đó, Báo cáo có 3 mục tiêu chính.
Thứ nhất, Báo cáo hướng đến xây dựng góc nhìn toàn diện về CPĐT tại Việt Nam; từ đó, xây dựng một chỉ số có ý nghĩa về mặt so sánh giữa các tỉnh, các Bộ, ngành, các cơ quan Chính phủ trong việc ứng dụng CPĐT.
Mục tiêu thứ hai của Báo cáo năm nay là chỉ ra được các vướng mắc trong việc phát triển CPĐT hiện nay và đưa ra các giải pháp mang tính kiến tạo nhằm giải quyết các vướng mắc đó. Mục tiêu cuối cùng của Báo cáo là đưa ra câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao phải phát triển CPĐT?
Với quan điểm CPĐT là cầu nối giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp, Báo cáo tập trung vào yếu tố cung cấp DVCTT đến người dân. Báo cáo năm 2017 đi sâu vào phân tích chỉ số thể hiện kết quả của quá trình cung cấp DVCTT – số lượng HSTT được giải quyết, đặc biệt là ở hạng mục các tỉnh/thành phố trực thuộc TƯ.
Theo báo cáo của Văn phòng chính phủ, trong quý I/2018, cả ba nhóm chỉ số cơ bản của hệ thống CPĐT là số lượng dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân đều đã được nâng cao. Về số lượng dịch vụ công trực tuyến, tổng cộng đã có thêm 13.909 dịch vụ cấp độ 3 và 4 được các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương xây dựng, vận hành.
Như vậy, các bộ, cơ quan ngang bộ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp tổng cộng 1.551 dịch vụ công trực tuyến còn các địa phương cung cấp tổng cộng 45.374 dịch vụ.
Bên cạnh đó, chỉ số hạ tầng viễn thông cũng có sự gia tăng đáng kể; tỉ lệ người dùng internet là 54,2% tổng dân số; số thuê bao cố định là 4,9 thuê bao/100 dân; số thuê bao di động là 129 thuê bao/100 dân; số thuê bao băng thông rộng cố định là 12 thuê bao/100 dân; số thuê bao băng thông rộng di động là 48,4 thuê bao/100 dân.
Trước đó, theo thông tin công bố trong Sách trắng CNTT năm 2017 do Bộ Thông tin và Truyền thông ấn hành thì nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương hoạt động rất hiệu quả, tiếp nhận và giải quyết lượng hồ sơ rất lớn, như Bộ Công an (8,8 triệu hồ sơ), Bộ Công Thương (772.000 hồ sơ), Bộ GD&ĐT (270.000 hồ sơ), Bộ Giao thông Vận tải (144.1189 hồ sơ); TP.Hà Nội (225.173 hồ sơ) tỉnh Lâm Đồng (110.625 hồ sơ); Cà Mau (95.000 hồ sơ), Thái Nguyên là (91.201 hồ sơ); Hà Nam (82.000 hồ sơ)…