Ngày 23/3/2021, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1903/VPCP-KSTT truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an nghiên cứu phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về việc lo lắng “tắc dòng chảy” dữ liệu.
Theo đó, Dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân có quy định yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp hành chính, kỹ thuật bắt buộc để bảo vệ dữ liệu qua biên giới. Quy định này tạo lợi thế cho doanh nghiệp công nghệ lớn có cơ sở hạ tầng trong nước nhưng gây khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi khiệp, làm ách tắc dòng dữ liệu, có thể tác động xấu đến thu hút đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, ngày 14/3/2021, Diễn đàn Doanh nghiệp có bài viết “Lo lắng “tắc dòng chảy” dữ liệu”. Theo đó, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông cho rằng, việc xây dựng quy trình chuyển dữ liệu qua biên giới và dòng chảy dữ liệu tự do được xem là một trong những trọng tâm của Dự thảo lần này.
Đối với doanh nghiệp có hoạt động chuyển dữ liệu của công dân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam phải thực hiện thủ tục đăng ký đối với Ủy ban bảo vệ dữ liệu cá nhân. Hồ sơ đăng ký gồm có: đơn đăng ký, báo cáo đánh giá tác động cũng các văn bản và thông tin liên quan đến nội dung trong đơn đăng ký, báo cáo đánh giá tác động, được phản hồi trong vòng 20 ngày (tính từ ngày gửi hồ sơ hợp lệ) bằng văn bản đồng ý hoặc không đồng ý của Ủy ban bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Quy định yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp hành chính, kỹ thuật bắt buộc làm ách tắc dòng dữ liệu, có thể tác động xấu đến thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa
Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải đáp ứng 03 điều kiện bắt buộc khác là: có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu về việc chuyển giao, dữ liệu gốc được lưu tại Việt Nam và có văn bản chứng minh quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc một khu vực cụ thể trong quốc gia hoặc vùng lãnh thổ chuyển đến đã ban hành quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân ở mức độ bằng hoặc cao hơn với quy định tại Dự thảo này.
Như vậy, để tuân thủ quy định này, doanh nghiệp buộc phải xây dựng trung tâm lưu trữ dữ liệu vật lý hoặc thuê cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại Việt Nam, đồng thời nghiên cứu pháp luật liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân của quốc gia nhận dữ liệu để thấy trước khi chứng minh được quốc gia đó có mức độ bảo vệ “bằng hoặc cao hơn” Việt Nam hay không.
Bên cạnh dó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông cũng nhận định, quy định này có thể tạo lợi thế cho doanh nghiệp công nghệ lớn có cơ sở hạ tầng trong nước và việc thiết lập cơ sở hạ tầng để lưu trữ dữ liệu trong nước cũng thúc đẩy tạo ra nhiều việc làm hơn. Nhưng lợi bất cập hại.
Bởi yêu cầu khắt khe về lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam gây khó khăn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp khởi nghiệp như: nếu phải xây dựng hoặc thuê trung tâm dữ liệu trong nước có thể không tối ưu được chi phí, riêng doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng mới phải mất thời gian đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao xử lý dữ liệu.
Đồng thời, quy định về thủ tục đăng ký, cấp phép chuyển dữ liệu cá nhân qua biên giới cũng tốn nhiều thời gian của doanh nghiệp trong khi dòng dữ liệu cần được luân chuyển từng giờ, từng phút để tạo ra giá trị kinh tế, xã hội trong một thế giới vẫn đang nỗ lực thương mại tự do.
Những quy định này cũng có thể tác động xấu đến nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ. Bởi những công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là công ty đa quốc gia, thường xuyên chuyển dữ liệu từ công ty con ở Việt Nam về trụ sở công ty mẹ ở nước mà họ đăng ký thành lập hoặc đặt trụ sở.
Nếu vừa bắt buộc lưu trữ toàn bộ dữ liệu tại Việt Nam, vừa phải thực hiện thủ tục đăng ký và chứng minh pháp luật bảo vệ dữ liệu của nơi nhận dữ liệu “bằng hoặc cao hơn” Việt Nam sẽ khiến dòng chảy dữ liệu ách tắc hoặc dữ liệu sẽ vẫn chảy thì khi đó quy định không khả thi trên thực tế.