Thúc đẩy triển khai cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam

07/11/2019 | Tin hoạt động

Ngày 7/11/2019, tại Hà Nội, đại diện Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) đã tham dự và phát biểu tại Tọa đàm “Thúc đẩy triển khai cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam” do Báo Đầu tư tổ chức.

Chia sẻ

Buổi tọa đàm có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp, buổi tọa đàm nhằm giúp các nhà quản lý, các doanh nghiệp có góc nhìn toàn diện hơn về cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam.

Toàn cảnh tọa đàm

Trong buổi tọa đàm, IPS chỉ ra một số vấn đề như các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều đã thực hiện cơ chế “thử nghiệm pháp lý”, tuy nhiên Việt Nam vẫn đang bị bỏ lại phía sau vì vẫn tiếp tục “bàn” nhưng chưa thấ kết quả. Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài đều đang kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của “nền kinh tế chia sẻ” dù chưa có hành lang pháp lý chính thức. Bên cạnh đó, một môi trường pháp lý “tranh tối, tranh sáng” và việc thực thi pháp luật còn thiếu sự nhất quán có thể tạo ra rủi ro trong ngắn hạn và dài hạn cho doanh nghiệp. Và bản thân các đề án như “Đề án Kinh tế chia sẻ”, “Đề án Chuyển đổi số Quốc gia” không trực tiếp hình thành cơ chế “thử nghiệm pháp lý” mà chỉ mang tính định hướng.

 

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) trình bày tại Tọa đàm

Trên cơ sở đó, IPS khuyến nghị hai giải pháp trực tiếp. Một là, Chính phủ cần thành lập ngay tổ công tác của Chính phủ về cơ chế “thử nghiệm pháp lý” gồm lãnh đạo các bộ chính gồm Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước để điều phối và thực thi thống nhất tầm nhìn chính sách của Chính phủ về chính sách công nghệ. Đầu mối chịu trách nhiệm của tổ công tác nên là Bộ Thông tin và Truyền thông. Tổ công tác cần hoàn thiện và đệ trình Chính phủ quy trình pháp lý và hướng dẫn thực thi “cơ chế thử nghiệm pháp lý” cho các sản phẩm công nghệ. Hai là, thành lập một Văn phòng quốc gia về sandbox nhằm thực hiện chức năng “một cửa” tiếp nhận hồ sơ đăng ký sandbox, cấp phép thực hiện và giám sát thực thi các hồ sơ được cấp phép thử nghiệm.