Tọa đàm góp ý chính sách về "Các vấn đề tài trợ vốn và cơ chế giám sát trong dự án PPP"

28/04/2020 | Tin sự kiện

Ngày 28/04/2020, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) đã tổ chức tọa đàm góp ý chính sách về "Các vấn đề tài trợ vốn và cơ chế giám sát trong dự án PPP".

Chia sẻ

Thành phần tham gia: Đại diện Vụ Kinh tế - Văn phòng Quốc Hội, Ủy ban PPP – Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Hội Điện lực Việt Nam, Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi, Ngân hàng Phát triển châu Á, Công ty luật Baker & Mc Kenzie, các chuyên gia PPP và các cơ quan báo chí.

Tọa đàm góp ý chính sách về "Các vấn đề tài trợ vốn và cơ chế giám sát trong dự án PPP

Trong tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Lập, Chuyên gia Luật IPS chỉ ra 4 vấn đề của việc đầu tư dự án PPP ở Việt Nam hiện nay.
Thứ nhất là mất cân đối về số lượng dự án trong các lĩnh vực đầu tư PPP, đó là số lượng dự án ở lĩnh vực giao thông chiếm đa số vì có yếu tố lợi ích nhóm.
Thứ hai là quyền lợi của cộng đồng và người dân, với tư cách là người tiêu dùng, không được bảo đảm.
Thứ ba là chất lượng sản phẩm của các dựa án PPP không tốt, nhanh xuống cấp, nhất là các công trình giao thông.
Cuối cùng là lượng vốn tư nhân bỏ vào công trình không nhiều, phần lớn là vốn của Nhà nước và vốn ngân hàng (cũng do nhà nước bảo hộ để không phá sản).
Theo luật sư Lập, nên bỏ luôn hình thức đầu tư công trình theo phương thức xây dựng - chuyển giao (BT) trong các phương thức PPP. Lý do, "đây là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng". "Quy định mới nhất cho phép đấu thầu dự án để chọn nhà đầu tư nhưng ở Việt Nam, việc đấu thầu dự án chưa bảo đảm minh bạch nên không thực chất. Hơn nữa, các nước trên thế giới sử dụng rất hạn chế phương thức đầu tư công trình theo hình thức BT", luật sư Lập trình bày.
Về cơ chế giám sát, Luật sư Nguyễn Tiến Lập cũng đề nghị một cơ chế giám sát mới là cùng một công trình thì nên lập thêm một dự án đầu tư công bên cạnh dự án PPP để đối chứng.
Kết thúc buổi tọa đàm, các nội dung đã được triển khai gồm có giải đáp hai câu hỏi đó là nguồn vốn tài trợ cho các dự án PPP đến từ nguồn nào; làm sao thu hút nguồn vốn đầu tư và lợi thế của khu vực công để có dự án PPP thành công; phân tích về dự án BT; phân tích cơ chế giám sát thực hiện dự án PPP. Trong đó, nguồn vốn tài trợ cho các dự án PPP tập trung vào 3 nguồn chính đó là nguồn từ các tổ chức cho vay, vốn chủ sở hữu nhà đầu tư, vốn và hỗ trợ của Nhà nước. Câu hỏi thứ hai được giải đáp trên các khía cạnh vốn vay, vốn Nhà nước, vốn tư nhân.