Khách mời tham dự Tọa đàm gồm ông Lê Đức Sảo - Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền thông số Việt Nam, ông Steve Taylor - Đại diện Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam, ông Đinh Văn Hải - Chủ nhiệm Tạp chí điện tử Viettimes, ông Trương Trí Vĩnh - Nguyên Giám đốc điều hành Cafe F, ông Hoàng Đình Chung - Giám đốc Trung tâm bản quyền số của Hội Truyền thông số Việt Nam. Bên cạnh đó, tọa đàm cũng có sự tham gia của đại diện các tổ chức truyền thông, phóng viên và nhà báo đến từ các hãng tin tức trong nước.
Tọa đàm "Kinh tế báo chí ở Việt Nam - Những vấn đề và xu hướng sau đại dịch COVID-19"
Phát biểu khai mạc, ông Lê Đức Sảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền thông số Việt Nam đã điểm lại 02 vấn đề nổi lên trong hoạt động báo chí tại Việt Nam trong thời kì chuyển đổi số hiện nay gồm nguồn tài chính cho cho hoạt động báo chí và cuộc cạnh tranh khốc liệt trong hoạt động cung cấp thông tin giữa cơ quan báo chí và mạng xã hội.
Cũng trong phiên khai mạc, ông Steve Taylor, đại diện đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam nhấn mạnh ý nghĩa của một nền báo chí tự do đối với cuộc sống của con người. Việc phát minh ra báo chí in cách đây 500 năm cho phép con người được chia sẻ thông tin nhanh chóng và trên quy mô rộng, tạo điều kiện phát triển nền văn minh. Giờ đây, máy tính và internet là phiên bản hiện đại của máy in ngày in ngày xưa, cho phép chúng ta tiếp cận tin tức 24/7. Và chính công nghệ số đã tái định hình ngành báo chí. Cơ quan báo chí cũng đang thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với nhu cầu của độc giả.
Ông Lê Đức Sảo đang trình bày
Bàn về mô hình kinh doanh kinh báo chí, ông Trương Trí Vĩnh, Nguyên Giám đốc điều hành Cafe F nhân định ‘phải coi báo chí là ngành công nghiệp, cơ quan báo chí phát triển như một doanh nghiệp’ thì sẽ tìm ra lời giải cho hoạt động của cơ quan báo chí. Khi coi mình là một doanh nghiệp, các hãng tin tức cần trả lời bốn câu hỏi: sản xuất cái gì? bán cho ai, bán ở đâu? Và cơ cấu hoạt động như thế nào? Ba câu hỏi đầu tiên xác định tin tức được coi là một mặt hàng để phục vụ nhu cầu cho một nhóm đối tượng nhất định thông qua các kênh phân phối khác nhau. Câu hỏi cuối cùng chính là mô hình kinh doanh nào để có thể sản xuất được ra tin tức chất lượng, phân phối chính xác đến những người có nhu cầu.
Các yếu tố ảnh hưởng đến cơ cấu hoạt động của một cơ quan báo chí chính là đầu tư và chi phí. Về đầu tư, cơ chế quản lý cơ quan báo chí ở Việt Nam hiện nay không đảm bảo cho đầu tư dài hạn. Ông Vĩnh nhấn mạnh, thách thức lớn nhất và cơ bản nhất của ngành báo chí Việt Nam không phải là vấn đề nội dung mà là đầu tư. Về chi phí, đây là bài toán của sản lượng nội dung và lương cho nhân viên. Mặt bằng lương trung bình của nhà báo, phóng viên thấp trong khi tòa soạn thực hiện mở rộng sản lượng nội dung đến mức dư thừa và nếu có khủng hoảng tài chính xảy ra thì phóng viên, nhà báo là những người bị cắt giảm đầu tiên. Sản lượng nội dung dư thừa đến từ bên sản xuất và từ người đọc, trong khi báo chí cung cấp quá nhiều thông tin còn người đọc, trong một ngày chỉ có thời gian, khả năng tiêu thụ một lượng tin nhất định. Sản lượng nội dung dư thừa là một nguyên nhân khiến tòa soạn thu không đủ bù đắp chi. Để tìm lời giải cho hoạt động kinh doanh của báo chí, các tòa soạn cần quay lại với độc giả, độc giả là khách hàng thực sự, mọi nguồn thu khác như từ quảng cáo, truyền thông sự kiện đều đến vì hãng tin đó có độc giả.
Cùng nói về mô hình kinh doanh, bà Dương Nguyễn, Chuyên gia chương trình Google News Initiative tại Tập đoàn Google trình bày về mô hình dựa trên thu phí người dùng (reader revenue). Bà Dương nhận định, ngành công nghiệp báo chí đang gặp khủng hoảng ở nhiều nơi trên thế giới.
Các hãng tin tức đã và đang thay đổi các hình thức kinh doanh, trong đó hình thức kinh doanh thu phí có các nhánh đa dạng như thu phí toàn bộ (hard paywall), thu phí một phần (Metered paywall or membership) và mỗi hình thức phù hợp với đặc điểm của một hãng tin tin khác nhau chứ không có một hình thức thu phí dành cho mọi hãng tin tức.
Và để có thể thúc đẩy hoạt động kinh doanh báo tương tự như hoạt động của một doanh nghiệp tại Việt Nam, cần một cơ chế chính sách rõ ràng cho ngành. Về điểm này, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) đưa ra các gợi ý chính sách cho Việt Nam. Về dài hạn, cần tiến tới coi hoạt động báo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, xác lập khuôn khổ bảo vệ tốt hơn cho các chủ thể phi nhà nước đầu tư vào cơ quan báo chí, khuyến khích giải quyết các tranh chấp bằng phương thức tư pháp hơn là hành chính. Về ngắn hạn, cần thúc đẩy văn hóa tôn trọng quyền tác giả, quyền liên quan đối với các tác phẩm báo chí và hỗ trợ chuyển đổi số cho các tòa soạn.
Ông Nguyễn Quang Đồng đang phát biểu
Phát biểu bế mạc tọa đàm, ông Lê Đức Sảo nhấn mạnh một lần nữa về tầm quan trọng của mô hình kinh doanh và cơ chế đầu tư đối với hoạt động báo chí. “Báo chí hướng tới nhiều thứ, nhưng phải hướng tới người đọc, muốn có người đọc phải có nội dung hay, muốn có nội dung hay phải có nhà báo giỏi. Muốn có nhà báo giỏi thì phải có tiền. Nhiều tiền chưa chắc đã làm được nội dung hay nhưng muốn được làm được nội dung hay thì phải có tiền. Không cần phải là nguồn tiền đầu tư từ nhà nước mà phải có cơ chế để có các nhà đầu tư dám đầu tư vào cơ quan báo chí”.