Khách mời tham dự tọa đàm gồm các diễn giả là ông Jeff Paine, Giám đốc điều hành Liên minh Internet châu Á (AIC), ông Michael Mandel, Kinh tế gia trưởng kiêm Phó Chủ tịch Viện Chính sách Tiến bộ (PPI) Hoa Kỳ, bà Vũ Thị Hồng Yến, Giám đốc hãng luật Rouse Legal Việt Nam và ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA).
Về phía cơ quan nhà nước gồm đại diện Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư Pháp,… Về phía các tổ chức nước ngoài gồm đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ, Đại sứ quán Vương quốc Anh, thành viên của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam,... Các doanh nghiệp nước ngoài gồm đại diện Google LLC, Amazon Web Service,… tại Việt Nam.
Thêm vào đó, tọa đàm cũng nhận được sự quan tâm của các cơ quan truyền thông trong nước như Thông tấn xã Việt Nam, Báo Đại biểu Nhân dân, Tạp chí Thông tin và Truyền thông,… cùng nhiều tổ chức và cá nhân khác.
Tọa đàm “Xây dựng chính sách quản lý dịch vụ trên Internet thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam”
Khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam đã điểm lại những thay đổi mà đại dịch COVID-19 đã mang đến và khẳng định rằng công nghệ số gắn với các hoạt động kinh tế là phương thức quan trọng trong việc phục hồi, duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.
Trước tiên, bàn về triển vọng kinh tế số Việt Nam nói chung, ông Michael Mandel, Kinh tế gia trưởng kiêm Phó Chủ tịch Viện Chính sách Tiến bộ (PPI) Hoa Kỳ đánh giá nền kinh tế số, cụ thể hoạt động kinh tế trên nền tảng/ứng dụng số (app economy) tạo ra nhất nhiều việc làm. Theo nghiên cứu của Viện PPI, số lượng lao động trong khu vực kinh tế dựa trên nền tảng/ứng dụng (app economy) của Việt Nam là 72.000 lao động tính đến tháng 2 năm 2022. Hệ sinh thái iOS bao gồm 54.500 việc làm và hệ sinh thái Android bao gồm 60.900 việc làm (lưu ý, một công việc duy nhất có thể thuộc về nhiều hệ sinh thái khác nhau).
Về dịch vụ nội dung số và dịch vụ điện toán đám mây, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng Việt Nam có tiềm năng nhưng để khai thác là vấn đề khó. Bởi hiện nay, nhà quản lý luôn giữ tư duy bảo vệ thị trường tiêu dùng dịch vụ thay vì thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ.
Việc quản lý các dịch vụ trên internet trong thời kì bùng nổ công nghệ số thực sự là bài toán đối với Việt Nam khi vừa mong muốn khai thác giá trị kinh tế từ công nghệ số vừa mong muốn siết chặt, kiểm duyệt thông tin trên môi trường số.
Giải quyết bài toán này, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP đã có nhiều điểm thay đổi đáng lưu ý và đang gây ra nhiều tranh luận giữa các bên liên quan.
Bà Vũ Thị Hồng Yến, Giám đốc Rouse Legal Việt Nam nhận định Nghị định 72/2013/NĐ-CP được coi như một “đạo luật về internet” ở Việt Nam và Dự thảo Nghị định đã bổ sung những nghĩa vụ mới dành cho chủ thể cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới, mạng xã hội và trang thông tin điện tử trong nước, dịch vụ trung tâm dữ liệu.
Có thể do Nghị định 72/2013/NĐ-CP mang tầm vóc như một “đạo luật về internet” ở Việt Nam nên Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định này “ôm đồm quá nhiều mục tiêu chính sách”, từ chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, quản lý hoạt động phát sinh doanh thu/thuế, bảo vệ dữ liệu cá nhân, an ninh thông tin trên mạng, theo đánh giá của ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS). Đồng thời từ góc nhìn của doanh nghiệp trong nước, ông Đồng cho rằng đang có sự mất cân đối về nghĩa vụ của doanh nghiệp trong nước so với doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp trong nước phải thực hiện quá nhiều nghĩa vụ về xin phép để được gia nhập thị trường, điều này dẫn đến tình trạng ‘bảo hộ ngược’.
Ở phía bên kia, từ góc nhìn doanh nghiệp nước ngoài, ông Jeff Paine, Giám đốc quản lý Liên minh Internet châu Á (AIC) cho rằng có một số nghĩa vụ tạo ra gánh nặng thực thi và không khả thi về mặt kĩ thuật. Bên cạnh đó, một số quy định chưa rõ ràng hoặc thiếu hợp lý khiến doanh nghiệp khó tuân thủ như quy định về thời gian chặn, gỡ nội dung thông tin vi phạm pháp luật, quy định về hợp tác nội dung giữa nhà cung cấp nền tảng số với cơ quan báo chí Việt Nam, quy định về đặt trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Cuối cùng, với mong muốn đóng góp ý kiến để hoàn thiện chính sách quản lý dịch vụ trên internet tại Việt Nam trong sự cân đối giữa cơ hội phát triển kinh tế và sự an toàn của môi trường thông tin trên internet, các diễn giả, khách mời đã cùng thảo luận và đưa ra 06 khuyến nghị về cách tiếp cận xây dựng chính sách và 08 khuyến nghị cụ thể để hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.
Về cách tiếp cận xây dựng chính sách quản lý dịch vụ trên internet, Việt Nam cần:
(1) có sự chuyển đổi từ tập trung bảo vệ thị trường tiêu thụ nội dung số sang thúc đẩy xuất khẩu nội dung số. Hạ tầng số - trong đó hạ tầng cloud (điện toán đám mây) cần được chú trọng, từ đáp ứng nhu cầu sử dụng điện toán đám mây để lưu trữ dữ liệu mở rộng sang phục vụ nền kinh tế số.
(2) Cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật nên thu hẹp, giảm bớt các mục tiêu chính sách đối với Dự thảo Nghị định.
(3) Xây dựng chính sách quản lý dịch vụ trên internet có sự kết hợp của công cụ pháp lý và công cụ công nghệ.
(4) Xây dựng các nhóm làm việc chung giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp công nghệ.
(5) Có biện pháp thúc đẩy người dùng giải quyết tranh chấp theo phương thức tư pháp thay vì phương thức hành chính.
(6) Có biện pháp nâng cao kĩ năng liên quan đến công nghệ số cho người dùng, chẳng hạn cần bổ sung giáo dục kĩ năng số trong chương trình phổ thông.
Về hoàn thiện Dự thảo Nghị định, các nhóm quy định được khuyến nghị gồm (1) điều kiện kinh doanh đối với chủ thể cung cấp dịch vụ mạng xã hội, trang thông tin điện tử, (2) thời gian xử lý nội dung vi phạm và yêu cầu gỡ bỏ thông tin đối với doanh nghiệp cung cấp thông tin xuyên biên giới, (3) dịch vụ phát sinh doanh thu, (4) hợp tác về nội dung giữa chủ thể cung cấp dịch vụ cung cấp thông tin xuyên biên giới với cơ quan báo chí Việt Nam, (5) biện pháp bảo vệ trẻ em trên mạng, (6) yêu cầu lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam, (7) quy định về trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây, (8) quy định về thời gian chuyển tiếp.