Trí tuệ nhân tạo (AI) giải quyết những thách thức lớn mà Việt Nam và thế giới đang phải đối mặt như biến đổi khí hậu, già hóa dân số cho đến quản lý đô thị hóa. Hiện nay, một số tỉnh tại Việt Nam đã bắt đầu ứng dụng AI vào các hoạt động thực tiễn. Điển hình là hệ thống phản ánh kiến nghị của tỉnh Tây Ninh sử dụng AI để tự động thu thập, xử lý và phản hồi ý kiến công dân thông qua cổng tiếp nhận trực tuyến. Những ứng dụng này không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà còn giúp nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý, hướng tới một nền hành chính hiện đại và minh bạch.
Tuy nhiên, việc ứng dụng AI trong khu vực công còn gặp nhiều thách thức khi thiếu nguồn lực tài chính, thiếu khuôn khổ pháp lý, thiếu dữ liệu đầu vào có chất lượng,... Do đó, chính phủ cần phải có những chiến lược cụ thể để tháo gỡ những khó khăn đồng thời không lãng phí nguồn lực quốc gia, trong đó chú trọng vào cải thiện chất lượng dữ liệu đầu vào và xây dựng một khuôn khổ pháp lý rõ ràng để giám sát và quản lý việc triển khai AI.
Để thúc đẩy việc ứng dụng AI trong khu vực công, IPS đã và đang phối hợp với UNDP tại Việt Nam thực hiện chương trình nghiên cứu AIRA (Artificial Intelligence Readiness Assessment). Chương trình này tập trung vào việc đánh giá sự sẵn sàng của Chính phủ trong việc tận dụng các lợi ích của công nghệ AI một cách có đạo đức, đồng thời giảm thiểu các mối nguy hại của AI. Với những nỗ lực này, AI được kì vọng sẽ trở thành công cụ mạnh mẽ, giúp cải thiện chất lượng dịch vụ công và thúc đẩy sự phát triển bền vững tại Việt Nam.