Tư duy chính sách phải đi trước

17/04/2023 | IPS trên Báo chí
Dù được nhắc nhiều, tuy nhiên “làm chính sách” và thống nhất được chính sách, trước khi soạn điều luật vẫn là điểm yếu trong công tác làm luật hiện nay. Khi các bộ, ngành - với tư cách là chủ thể chịu trách nhiệm soạn thảo chính, không làm tốt nhiệm vụ của mình: không nêu rõ được vấn đề chính sách phải xử lý là gì, không nêu lên được các phương án chính sách (có những giải pháp nào, lợi/hại ra sao) thì khâu thẩm tra và tiếp đó, thảo luận tại diễn đàn Quốc hội, tại các Ủy ban của Quốc hội về dự thảo luật vẫn sẽ khó đạt được hiệu quả và chất lượng như mong đợi.

Chia sẻ

Một ví dụ điển hình mà người viết trực tiếp trải nghiệm cũng như quan sát, đó là những lúng túng, chậm trễ và thiếu hiệu quả của các bộ, ngành trong tiến trình xây dựng khung khổ chính sách và pháp lý về công nghệ số, kinh tế số trong vòng 5 năm qua.
Câu chuyện cụ thể (để dễ hình dung), đó là ứng xử thế nào với các dịch vụ số (digital services) và các nền tảng số (platforms), đặc biệt khi phần lớn các nền tảng số đó hoạt động toàn cầu và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. Có thời điểm, quy định về nhóm đối tượng dịch vụ số, nền tảng số xuất hiện đồng thời trong 4 dự thảo luật hoặc hồ sơ xây dựng luật đề xuất điều chỉnh, gồm dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi); hồ sơ dự án Luật Doanh nghiệp công nghệ số; dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Đó là chưa kể các văn bản luật, nghị định ở cấp độ chuyên ngành khác. Ví dụ, Luật Điện ảnh điều chỉnh về dịch vụ chiếu phim như Netflix, YQIYI; Luật Sở hữu trí tuệ về trách nhiệm xử lý vi phạm bản quyền trên môi trường số, rồi nghị định về quản lý Internet, nghị định về thương mại điện tử…
Trong khi ngành nào cũng muốn giành quyền quản, quyền cấp phép về cho ngành mình, thật khó để tìm thấy trong các hồ sơ luật các phân tích rõ ràng về chính sách phát triển ngành là gì? Những vấn đề (problems) mà dịch vụ số, nền tảng số gây ra với thị trường, với xã hội là gì? Khi điều chỉnh các nền tảng như vậy thì ảnh hưởng tốt (tức mang lại lợi ích/benefit gì cho ngành (industry); cho nền kinh tế số (digital economy) và ảnh hưởng lan tỏa ra tổng thể nền kinh tế); cũng như tạo ra chi phí gì tuân thủ (cost) cho doanh nghiệp trong ngành như thế nào?
Về phía trong nước, lợi ích của các nhóm doanh nghiệp “truyền thống”; lợi ích của những nhóm doanh nghiệp công nghệ mới sẽ bị tác động như thế nào; theo đó ngành kinh doanh đó, và nền kinh tế sẽ thay đổi theo hướng như thế nào? Nếu các doanh nghiệp truyền thống (taxi, truyền hình; phim ảnh, viễn thông) bị tác động thì liệu có giải pháp chính sách nào khác bù đắp những thiệt hại như vậy?
Thiếu tư duy chính sách, thiếu tầm nhìn chính sách, trực tiếp đã có thể dự báo hậu quả nhãn tiền, đó là sự chồng chéo và phân mảnh pháp luật (một vấn đề, một lĩnh vực nhưng nhiều bộ cùng quản; trong một bộ thậm chí nhiều “Cục” giành nhau quản). Điều này đôi khi gây xung đột pháp lý và tạo ra rủi ro cho doanh nghiệp khi thực thi (làm theo luật này thì đúng nhưng luật khác lại sai). Hậu quả lớn hơn là chính sách thiếu hiệu quả ở tầm mức quốc gia; làm lãng phí nguồn lực, tài nguyên và cơ hội phát triển của đất nước.
Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV ghi nhận một bước tiến dài trong hoạt động lập pháp, đó là cách làm “chuẩn bị từ sớm từ xa” cho việc thẩm tra luật; và Quốc hội sẵn sàng họp bất thường để xử lý các vấn đề quan trọng của quốc gia chứ không chờ “hạ, đông nhị kỳ”, “đến hẹn lại lên” mới họp. Với tinh thần đó, hiệu quả làm chính sách và quyết những vấn đề quan trọng của đất nước có thể tiến thêm một bước nữa nếu Quốc hội, cụ thể là các Ủy ban và “lực lượng” đại biểu chuyên trách, chủ động trước ở khâu “làm chính sách”.
Cụ thể, từ phía Quốc hội có thể tiên lượng trước những vấn đề chính sách lớn và định hướng cho Chính phủ, cho các bộ ngành thông qua đề xuất “gói luật” để xử lý. Chính sách thường nhiều công cụ, thường đồng thời bao gồm nhóm tài chính (công cụ thuế/gói hỗ trợ tài chính); quy định điều tiết thị trường - và do đó cần một lúc làm nhiều luật/hoặc đụng chạm nhiều luật - chứ không phải là một luật đơn nhất như cách làm hiện nay.
Quốc hội “làm luật” là cách nói, cần hiểu đúng: đó là đại biểu Quốc hội “quyết” về chính sách; và chính sách được thể hiện trong “cái áo” là điều luật pháp lý. Do đó, cần chú trọng tư duy chính sách, “quyết” chính sách trước, như là “điều kiện cần”; và "kỹ thuật pháp lý" - soạn thảo tốt điều luật, mới là điều kiện đủ theo sau.