Việt Nam 2016 – 2020: Cải cách thể chế và các vấn đề chính sách nổi bật

28/12/2020 | Tin sự kiện
Chiều ngày 28/12/2020, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) đã tổ chức Tọa đàm chính sách với sự tham gia của các diễn giả, chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật và chính sách công cùng một số đơn vị báo chí.

Chia sẻ

Tại phiên thảo luận thứ nhất, ông Đậu Anh Tuấn chỉ ra 4 xu hướng nổi bật trong 5 năm vừa qua liên quan đến cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam: Cải cách điều kiện kinh doanh; Nâng cấp môi trường kinh doanh; Chương trình phát triển kinh tế tư nhân; Tăng cường quản trị doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trình bày tại phiên thảo luận thứ nhất

Những xu hướng này cho thấy Việt Nam đang gần hơn với mô hình nhà nước của các nước Anh-Mỹ. Cũng từ đây, Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Sĩ Dũng đưa ra những đánh giá tổng quan về cải cách thế chế Việt Nam tập trung vào 3 điểm chính: Sự học hỏi, tiếp thu và có những giằng xé giữa hai mô hình nhà nước điều chỉnh (kiểu Anh-Mỹ) với nhà nước kiến tạo phát triển (kiểu Đông Bắc Á) trong tiến trình phát triển của Việt Nam; Xu hướng trung ương tập quyền và phân quyền cho địa phương thể hiện trong chính sách và thực tế; Mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền, Quốc hội và Chính phủ trong vận hành đất nước.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tại buổi tọa đàm

Tại phiên thảo luận thứ hai, nhiều khách mời đã cùng trao đổi về vấn đề cải cách thể chế trong quá trình chuyển đổi số quốc gia như: tác động của thương mại tự do, công nghệ đến thể chế của Việt Nam, chất lượng và tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước cùng nguồn nhân lực cần hướng đến…
Kết thúc tọa đàm, diễn giả cùng khách mời đều bày tỏ niềm tin vào sự phát triển của Việt Nam dù còn nhiều chông gai phía trước.