Mong ước nối 2 thế kỷ của người dân sống ven con rạch khủng khiếp nhất Sài Gòn

May 21 2021 | IPS in the press
Người dân sống cạnh những dự án hàng chục năm chưa thể khởi công như rạch Xuyên Tâm, Bình Quới - Thanh Đa kỳ vọng những đại biểu của nhiệm kỳ mới có thể giúp cuộc sống của họ sang trang.

Share

12h trưa ngày 19/5, ông Phan Hữu Danh ngồi trước nhà trong con hẻm trên đường Điện Biên Phủ (phường 15, quận Bình Thạnh), đọc kỹ hồ sơ của các ứng viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp để chuẩn bị cho ngày bầu cử 23/5 tới. Sống đối diện rạch Cầu Bông, một phần của rạch Xuyên Tâm, mong ước lớn nhất của cử tri 64 tuổi là con rạch hôi thối trước nhà sớm được chính quyền cải tạo.
Mong ước nối 2 thế kỷ của dân sống ven con rạch khủng khiếp nhất Sài Gòn - 1
Hình ảnh con rạch bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân
"Tôi ở đây đã 40 năm. Ngày xưa kênh này sạch lắm nhưng sau này ngày càng hôi. Mấy tháng nắng nóng hôi nhất, đặc biệt khi nước ròng, qua tháng mưa thì đỡ hơn. Trước đây còn ngập, nước lên đen xì, rác tràn vào nhà nhưng giờ đỡ rồi. Quanh đây, nhà nào có tiền họ đi chỗ khác, để lại nhà cho thuê", ông Danh tâm sự.
Mong ước nối 2 thế kỷ của dân sống ven con rạch khủng khiếp nhất Sài Gòn - 3
Mong ước nối 2 thế kỷ của dân sống ven con rạch khủng khiếp nhất Sài Gòn - 5

Nhấn để phóng to ảnh

Ông Danh nhận sửa xe lặt vặt ngay trước nhà nên không thể đóng cửa cho bớt mùi hôi. Sống cùng vợ chồng con gái, cháu ngoại trong căn nhà nhỏ gần 50 m2, ông Danh nói cả gia đình đã quen mùi hôi của con rạch này sau nhiều năm. Gia đình ông không có sự lựa chọn khác.
"Người lao động như tôi ở sao cũng được, miễn có miếng ăn, khỏe mạnh, không bệnh tật. Muốn đi nơi khác cũng không có tiền, đâu dễ gì! Ở đây hôi nhưng đi đâu cũng gần. Chợ, trường học, nhà thương đều xung quanh, qua cầu là tới", ông Danh nói.
Cách nhà ông Danh chưa đến 5 m, bà Lê Thị Oanh, hàng ngày chiên khoai tây và chuối bán cho người đi đường. Năm nay gần 70 tuổi, bà Oanh kể đã sống cạnh con rạch hơn 60 năm và cũng "ngửi riết quen mùi".
Mong ước nối 2 thế kỷ của dân sống ven con rạch khủng khiếp nhất Sài Gòn - 6
Chất thải ô nhiễm chất thành đống
Than thở việc buôn bán ế ẩm, bà nói tiền lời chưa đến 100.000 đồng mỗi ngày. Người mua hàng đa số khách quen, còn những người đi ngang khu vực này ít khi dừng lại lâu vì mùi hôi của con rạch, nhất là vào mùa nắng nóng.
Cả ông Danh hay bà Oanh chia sẻ chưa có dịp tham dự các buổi tiếp xúc cử tri hay gặp gỡ trực tiếp đại biểu. Ông bà chỉ mong muốn sau ngày bầu cử tới, các đại biểu được bầu có thể giúp dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm sớm được khởi công sau gần 20 năm bị treo. Các cử tri này mong ước con rạch sẽ sớm trong xanh trở lại, không còn ô nhiễm, có bờ kè, đường được mở rộng.
Mong ước nối 2 thế kỷ của dân sống ven con rạch khủng khiếp nhất Sài Gòn - 8
Ông Danh kể gần đây xem tivi, nghe tin rạch Xuyên Tâm sẽ được cải tạo trong 5 năm tới nhưng vẫn bán tín, bán nghi, không biết khi nào chính quyền mới chính thức triển khai. "Dự án này nhiều người hứa rồi nhưng gần 20 năm vẫn chưa thấy làm", ông Danh nói.
Còn bà Oanh, nay đã có chắt, nghĩ đến ngày con rạch được giải tỏa, không còn hôi thối vì rác, môi trường hết ô nhiễm, bảo "chắc là đã lắm". Ngày dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm không còn treo, các hộ dân xung quanh như bà cũng có thể an tâm sửa chữa, xây dựng, mua bán nhà cửa, không còn thấp thỏm.
Mong ước nối 2 thế kỷ của dân sống ven con rạch khủng khiếp nhất Sài Gòn - 10
Mong ước nối 2 thế kỷ của dân sống ven con rạch khủng khiếp nhất Sài Gòn - 12

Nhấn để phóng to ảnh

Cùng đơn vị bầu cử của quận Bình Thạnh với ông Danh, bà Oanh, ông Phạm Hoàng Dân (phường 28) chung kỳ vọng những đại biểu được bầu nhiệm kỳ này có thể giúp giải quyết vấn đề quy hoạch treo, dự án treo.
Chuyển về bán đảo Thanh Đa sinh sống 5 năm nay sau khi lấy vợ, mong mỏi lớn nhất của người đàn ông 31 tuổi này là nơi đây không còn quy hoạch treo để có thể thoải mái sửa chữa, xây nhà cửa. Từ bán đảo Thanh Đa, ông Dân có thể nhìn thấy rõ các chung cư, cao ốc ở khu Thảo Điền (TP Thủ Đức) hay tòa nhà cao nhất Việt Nam Landmark 81. Nhưng ở đây, ông Dân vẫn sống bằng nghề chăn nuôi, ở trong căn nhà xuống cấp, đất đai xung quanh hoang hóa, bỏ không vì quy hoạch treo.
Ông Dân kể 5 năm trước, nghe cán bộ phường nói chờ 5 năm để có nhà đầu tư mới sẽ giải quyết được quy hoạch treo, nhưng nay đã gần hết khoảng thời gian đó vẫn chưa có thêm thông tin mới. Cũng từng ấy năm, ông chưa gặp đại biểu nào để giãi bày tâm tư, nguyện vọng của mình.
Mong ước nối 2 thế kỷ của dân sống ven con rạch khủng khiếp nhất Sài Gòn - 13
"Giờ chỉ cần ai giải quyết vụ quy hoạch treo thôi, cho bà con thoải mái còn làm ăn. Cứ treo hoài, nhà cửa hư muốn sửa cũng khó lắm, đất của mình muốn cất thêm cái nhà cũng không được. Nếu không có nhà đầu tư, không quy hoạch được thì mong Nhà nước ủng hộ người dân được thoải mái, tự do cất nhà", ông Dân nói.
Quy hoạch khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa có từ năm 1992. Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm lần đầu tiên được phê duyệt vào 2002, nhưng đến nay cả hai dự án vẫn treo, chưa hẹn ngày chính thức khởi động. Rạch Xuyên Tâm hay Thanh Đa - Bình Quới đã được nhắc đến không chỉ một lần trong các kỳ họp HĐND TPHCM, thậm chí tại diễn đàn Quốc hội… nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Cũng trong 20-30 năm qua, bộ mặt đô thị của nhiều khu vực tại TPHCM đã thay đổi rõ rệt, nhưng không phải ở hai nơi này.
Mong ước nối 2 thế kỷ của dân sống ven con rạch khủng khiếp nhất Sài Gòn - 15
Chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Truyền thông (IPS), cho rằng việc người dân kỳ vọng các đại biểu có thể giúp giải quyết vấn đề quy hoạch treo là hoàn toàn chính đáng vì đây là lợi ích sát sườn, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ.
Mong ước nối 2 thế kỷ của dân sống ven con rạch khủng khiếp nhất Sài Gòn - 17

Nhấn để phóng to ảnh

"Người đại biểu có 3 nhiệm vụ chính. Đại biểu Quốc hội sẽ tham gia xây dựng chính sách pháp luật, quyết định các vấn đề lớn của quốc gia và giám sát việc thực thi chính sách. Còn công việc của đại biểu HĐND liên quan đến các quyết sách, vấn đề ở cấp địa phương" - ông Đồng chia sẻ với Dân trí.
Viện trưởng IPS nhận định trong trường hợp đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch treo, đại biểu HĐND tại khu vực đó phải là người sâu sát nhất, có trách nhiệm giám sát việc thực thi chính sách của địa phương. Một dự án treo kéo dài, không thể khởi công trong thời hạn cụ thể thì hoặc chính sách, hoặc việc thực thi có vấn đề. Người dân rất cần tiếng nói của người đại biểu đại diện mình trong những trường hợp này.
Cũng theo ông Đồng, không dễ để một đại biểu có thể nắm bắt đầy đủ nguyện vọng, tâm tư của toàn bộ người dân tại khu vực đang đại diện chỉ thông qua một vài buổi tiếp xúc mỗi năm. Chuyên gia chính sách công này cho rằng cả các đại biểu và người dân nên chủ động tận dụng các kênh thông tin dựa trên nền tảng công nghệ để có thể tương tác thường xuyên, hiệu quả hơn, không còn chỉ phụ thuộc vào các buổi tiếp xúc cử tri truyền thống.
Mong ước nối 2 thế kỷ của dân sống ven con rạch khủng khiếp nhất Sài Gòn - 18
"Các đại biểu hoàn toàn có thể dùng mạng xã hội, email, điện thoại để thu thập ý kiến cử tri. Người dân cũng cần chủ động phản ánh, thể hiện ý kiến. Đại biểu không trực tiếp giải quyết nhưng sẽ nêu vấn đề, giám sát việc thực thi của chính quyền. Còn nếu đại biểu không hành động, cử tri có quyền đánh giá đại biểu không hoàn thành trách nhiệm. Vấn đề là sự chủ động của đại biểu và người dân chứ không thiếu kênh thông tin hiệu quả", ông Đồng phân tích.
Mong ước nối 2 thế kỷ của dân sống ven con rạch khủng khiếp nhất Sài Gòn - 20
Với đơn vị bầu cử HĐND TPHCM số 18, trong đó có phường 15 và 28 của quận Bình Thạnh, nơi người dân thuộc hai dự án rạch Xuyên Tâm và Bình Quới - Thanh Đa đang sinh sống, "lắng nghe, chuyển tải ý kiến" là từ khóa được tất cả các ứng cử viên nhắc đến.
Ngoài ra, cũng có những ứng viên cam kết đề xuất giải quyết các vấn đề cụ thể như quy hoạch treo, dự án treo, cải tạo những điểm đen ô nhiễm. Những cử tri như ông Danh, bà Oanh hay ông Dân đang mong chờ các cam kết này sẽ được thực hiện, tạo ra sự đổi thay cho cuộc sống của họ.
Mong ước nối 2 thế kỷ của dân sống ven con rạch khủng khiếp nhất Sài Gòn - 22

Bài viết: Việt Đức

Ảnh: Hải Long

Thiết kế: Khương Hiền - MS

Theo Dân Trí

Mong ước nối 2 thế kỷ của dân sống ven con rạch khủng khiếp nhất Sài Gòn | Báo Dân trí (dantri.com.vn)