Dữ liệu mở đóng vai trò như thế nào trong nền kinh tế số?

22/09/2021 | Ý kiến Chuyên gia
Dữ liệu mở sẽ tạo ra giá trị mới về kinh tế và xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ công, giúp Chính phủ thăng hạng trên bảng đánh giá về minh bạch thu hút đầu tư.

Chia sẻ

Dữ liệu mở đóng vai trò như thế nào trong nền kinh tế số?

Dữ liệu mở sẽ giúp các công ty phát triển xu hướng mới, kinh doanh mới, tạo giá trị kinh tế và xã hội cho các quốc gia; nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Dữ liệu mở là gì?

Theo cách tiếp cận của tổ chức Open Knowledge , dữ liệu mở được hiểu là dữ liệu có thể được bất kỳ ai tự do sử dụng, sử dụng lại và phân phối - miễn là, nhiều nhất, tuân theo yêu cầu ghi công và chia sẻ tương tự.[1]

Bên cạnh cách tiếp cận này, dữ liệu mở còn được định nghĩa dựa trên các đặc điểm cơ bản của dữ liệu mở. Theo đó, sáu đặc điểm quan trọng để dữ liệu được coi là dữ liệu mở bao gồm:

(1) Dữ liệu mở phải được cung cấp miễn phí, người sử dụng không phải trả bất kỳ một khoản tiền nào để được tiếp cận và sử dụng dữ liệu này.

(2) Dữ liệu mở phải được công bố một cách công khai tới công chúng.

(3) Dữ liệu mở có khả năng sử dụng lại bởi những người sử dụng khác nhau.

(4) Dữ liệu mở không độc quyền bởi bất kỳ ai, đồng nghĩa với việc dữ liệu mở không bị hạn chế tiếp cận, sử dụng bởi quyền tác giả, bằng sáng chế,…

(5) Dữ liệu mở được cấu trúc hoá cho mục đích sử dụng.

(6) Dữ liệu mở phải đi kèm với giấy phép “mở”.

Dữ liệu mở đóng vai trò như thế nào trong nền kinh tế số? ảnh 1

Định nghĩa Dữ liệu mở: Ma trận phân tích – Nguồn: GovLab[2]

Về giấy phép dữ liệu mở, đây là điểm khác biệt đặc trưng giữa dữ liệu công khai và dữ liệu mở; theo đó, các dữ liệu không được cấp bất kỳ giấy phép hoặc được cấp phép nhưng không cho phép sử dụng cho mục đích thương mại hay tạo tác phẩm phái sinh,… thì chỉ được xác định là tài nguyên công khai, có thể truy cập trực tuyến. Hiện nay, các giấy phép mở thường được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn Creative Commons với 03 loại giấy phép được coi là giấy phép “mở” là CC0, CC-By và CC-By-Sa.

Ví dụ, ở Vương quốc Anh, cổng dữ liệu mở sử dụng giấy phép chính phủ mở phiên bản 3.0 cho phép người sử dụng miễn phí và tự do (1) sao chép, xuất bản, phân phối, truyền dữ liệu; (2) tuỳ biến dữ liệu; và (3) khai thác thông tin mở cho các mục đích thương mại và phi thương mại, ví dụ bằng việc kết hợp nó với thông tin khác, hoặc bằng việc đưa nó vào các sản phẩm hoặc ứng dụng của người sử dụng. Điều duy nhất mà người sử dụng cần thực hiện khi sử dụng thông tin, dữ liệu mở của chính phủ Anh là đính kèm dấu hiệu nhận biết về nguồn của thông tin, dữ liệu. Dấu hiệu này có thể là một câu với ý nghĩa các thông tin, dữ liệu được sử dụng đã được cấp phép “mở” cùng đường link dẫn tới giấy phép “mở” phiên bản 3.0.

Tác động của dữ liệu mở

Bên cạnh giá trị kinh tế trực tiếp mà dữ liệu mở có thể đem lại, ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều trường hợp dữ liệu mở của Chính phủ được sử dụng một cách hiệu quả vào cuộc sống nhằm cải thiện hoạt động của chính phủ, nâng cao quyền của người dân, tạo ra nhiều cơ hội phát triển và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.

Về cải thiện hoạt động của chính phủ: Năm 2005, Cơ quan Đăng ký Tòa nhà và Nhà ở của Đan Mạch bắt đầu phát hành miễn phí dữ liệu địa chỉ cho công chúng. Trước ngày đó, mỗi đô thị đã tính một khoản phí truy cập riêng, khiến dữ liệu thực tế không thể truy cập được. Cũng có sự khác biệt đáng kể giữa nội dung được lưu giữ trên các cơ sở dữ liệu khác nhau. Một nghiên cứu năm 2010 do chính phủ Đan Mạch ủy quyền thực hiện đã ước tính lợi ích kinh tế trực tiếp chỉ tính riêng trong giai đoạn 2005-2009 là 62 triệu euro thông qua việc cải thiện khả năng hỗ trợ của chính phủ và cung cấp dịch vụ hiệu quả hơn, với chi phí chi trả trong cùng giai đoạn chỉ là 2 triệu Euro.[3]

Về nâng cao quyền của người dân: ở Uruguay, một nền tảng sử dụng dữ liệu mở có tên A Tu Servicio cho phép người dùng chọn vị trí của họ và sau đó so sánh các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe địa phương dựa trên các thông số và chỉ số (ví dụ loại cơ sở, chuyên khoa y tế, mục tiêu chăm sóc, thời gian chờ đợi và quyền của bệnh nhân). Nền tảng này đã được giới thiệu như một mô hình mới về sự lựa chọn của bệnh nhân trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Uruguay, cho phép công dân không chỉ đưa ra lựa chọn chính xác hơn mà còn tạo ra các cuộc trao đổi lành mạnh và đầy đủ thông tin về cách cải thiện lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của đất nước một cách tổng thể.[4]

Về cơ hội phát triển: Từ năm 2007, Cục vận tải London (TfL) ở Vương quốc Anh đã bắt đầu sáng kiến mở dữ liệu. Sau 5 năm khi phát hành các bộ dữ liệu mà mình nắm giữ, nhiều ứng dụng đã được phát triển dựa trên khối dữ liệu này, hàng triệu người tham gia giao thông tại London tiếp cận được và tiết kiệm được thời gian di chuyển. Thành công của sáng kiến này là có trên 5.000 nhà phát triển đăng ký sử dụng dữ liệu trên trang web TfL, 362 ứng dụng có sẵn sử dụng dữ liệu của TfL, khoảng 4 triệu người tiếp cận của các ứng dụng sử dụng dữ liệu của TfL. Đặc biệt, giá trị thời gian mà người dùng các ứng dụng trên tiết kiệm được trong năm 2012 là từ £15 triệu đến £58 triệu.[5]

Về tác động giải quyết vấn đề xã hội: Vào 02/2011, thành phố Christchurch, New Zealand đã phải hứng chịu một trận động đất nghiêm trọng khiến 185 người thiệt mạng và gây ra sự gián đoạn và thiệt hại đáng kể cho phần lớn thành phố vốn đã bị suy yếu bởi một trận động đất trước đó. Để đối phó với trận động đất, các tình nguyện viên và quan chức tại các cơ quan khôi phục đã sử dụng dữ liệu mở, các công cụ nguồn mở, chia sẻ dữ liệu đáng tin cậy và nguồn cung ứng cộng đồng để phát triển một loạt các sản phẩm và dịch vụ cần thiết để ứng phó thành công với các điều kiện mới xuất hiện, bao gồm cả ứng dụng Web thông tin khẩn cấp được cung cấp bởi cộng đồng.[6]

Có thể thấy, trong thời đại chuyển đối số, dữ liệu là nguồn tài nguyên mới có giá trị, là cốt lõi của các giải pháp công nghệ nhằm giải quyết nhiều vấn đề đã và đang tồn tại trong cuộc sống. Đặc biệt, khi các dữ liệu được mở, nguồn tài nguyên này có cơ hội được tận dụng và khai thác hiệu quả một cách tối đa, đem lại nhiều thay đổi lớn với cuộc sống số hiện nay.

Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) và Khối liên minh dữ liệu mở Châu Á (AODP) sẽ đồng tổ chức Hội nghị Đối tác Dữ liệu Mở châu Á 2021 (Asia Open Data Partnership Summit 2021) vào ngày 16/11/2021. Đây là sự kiện thường niên do AODP và các đối tác tổ chức kể từ 2015. Tổng cộng đã có 22 tổ chức của khu vực tham gia.

Hội nghị năm 2021 là năm đầu tiên Việt Nam đứng ra chủ trì tổ chức. Với định hướng khai thác giá trị dữ liệu mở phục vụ cho phát triển kinh tế số, Hội nghị AODP 2021 có chủ đề “Data Exchange & Industrial Collaboration”, với thông điệp tăng cường hợp tác công tư và thương mại hóa thành công dữ liệu mở. Ngoài ra, hội nghị còn tập trung thảo luận về dữ liệu mở trong 2 lĩnh vực là giáo dục và y tế. Dữ liệu mở là nền tảng cho nhiều công nghệ phát triển trong kỷ nguyên số, phù hợp với định hướng, chính sách phát triển trong thời gian tới của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế cùng kết nối, mở ra các cơ hội hợp tác kinh doanh.

Trần Đăng Quang – Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS)

Theo Tạp chí điện tử VietTimes