Khai thác dữ liệu mở trong khu vực công tại Việt Nam: Kinh nghiệm từ Tây Ninh và Đà Nẵng

07/03/2023 | Ý kiến Chuyên gia
Ngày Dữ liệu mở là một sự kiện thưởng niên được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích việc sử dụng dữ liệu mở. Năm 2023, Ngày Dữ liệu mở sẽ diễn ra trong tuần từ 04-10/03.

Chia sẻ

Bên cạnh những lợi ích trong lĩnh vực kinh tế, thương mại hay giáo dục, dữ liệu mở là một trong các yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ chính phủ điện tử sang chính phủ số tại Việt Nam. Ngoài ra, dữ liệu mở còn có tác động to lớn đến quản lý nhà nước, tăng cường tính minh bạch và giải trình, thúc đẩy sự tham gia của công dân và doanh nghiệp vào hoạt động quản lý nhà nước.
Thực trạng khai thác dữ liệu khu vực công tại Việt Nam
Trong hội nghị Sơ kết một năm triển khai đề án 06 và tổng kết hoạt động của ủy ban quốc gia về chuyển đổi số năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh năm 2023 được xác định là năm dữ liệu, Việt Nam quyết tâm xây dựng được Cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung, dứt khoát không bảo thủ cát cứ.
Trên thực tế, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp, sáng kiến thúc đẩy việc kết nối, chia sẻ dữ liệu. Theo đánh giá của Global data barometer về tình trạng dữ liệu tại 109 quốc gia, tập trung vào khung pháp lý dữ liệu cho khu vực công, khả năng, tính khả dụng, việc sử dụng và tác động của dữ liệu vì lợi ích công cộng, Việt Nam có thế mạnh về cơ sở pháp lý khi đã ban hành được những văn bản điều chỉnh vấn đề này như Nghị định 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước. Các sáng kiến như cổng dữ liệu quốc gia, cổng dữ liệu của một số địa phương như Đà Nẵng, Huế, thành phố Hồ Chí Minh là những minh chứng cho nỗ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn thiếu các ví dụ về việc sử dụng và khai thác giá trị của dữ liệu cũng như các đánh giá đo lường về giá trị của dữ liệu.
Nhìn chung, tồn tại ba vấn đề chính trong việc khai thác giá trị dữ liệu khu vực công, bao gồm: (1) chưa có chiến lược quốc gia về dữ liệu cũng như chính sách phân loại dữ liệu, (2) vai trò của các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và khai thác dữ liệu chưa rõ ràng, (3) thiếu cơ chế khai thác dữ liệu và danh mục dữ liệu ưu tiên.
Kinh nghiệm khai thác dữ liệu ở Tây Ninh: Khai thác dữ liệu để đưa ra các quyết định quản lý, điều hành
Trước tình trạng Cổng thông tin điện tử của tỉnh Tây Ninh thường nhận được nhiều câu hỏi trùng lặp hoặc có nội dung không phù hợp và cán bộ phụ trách phải điều phối câu hỏi một cách thủ công dẫn đến chưa nắm bắt kịp thời nhu cầu, bức xúc của người dân, tỉnh đã triển khai sáng kiến về hệ thống khai thác dữ liệu hỏi đáp trực tuyến.
Sáng kiến về hệ thống khai thác dữ liệu Cổng hỏi đáp trực tuyến của tỉnh Tây Ninh dựa trên bốn trụ cột là (1) làm sạch và phân loại dữ liệu, (2) sử dụng mô hình máy học, (3) phân tích dữ liệu, (4) hệ thống tự động hoá. Dựa trên sáng kiến này, địa phương đã xác định được những từ khoá mà người dân quan tâm theo lĩnh vực, địa bàn, vấn đề cụ thể; từ đó nắm bắt được nhu cầu và vấn đề của người dân để giải quyết. Thêm vào đó, hệ thống được xử lý tự đồng góp phần giảm quy trình hành chính, rút ngắn thời gian xử lý các câu hỏi từ người dân.

Kinh nghiệm khai thác dữ liệu ở Đà Nẵng: Chiến lược dữ liệu phù hợp tạo ra kết quả vượt chỉ

Đà Nẵng là một trong những địa phương có kết quả và thành tích chuyển đổi số cao trong cả nước, với mục tiêu trở thành thành phố thông minh vào năm 2030. Theo đó, chuyển đổi số là phương tiện, giải pháp, chìa khoá để thực hiện thành công mục tiêu trên.

Từ năm 2003 đến nay, Đà Nẵng đã ban hành hàng loạt các văn bản chỉ đạo về xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số phù hợp với từng giai đoạn. Trong đó, 03 kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước và phát triển chính phủ điện tử đã được thành phố ban hành theo các giai đoạn 2007-2015, 2016-2020, 2021-2025; 03 nghị quyết về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong khu vực công. Từ năm 2014 đến năm 2018, Đà Nẵng cũng đã thí điểm ứng dụng thông minh. Về triển khai mô hình cung cấp dịch cụ công, Đà Nẵng thay đổi mô hình cung cấp từ phân tán (năm 2010) sang mô hình vừa phân tán, vừa tập trung (vào năm 2014), và từ năm 2018 là mô hình nền tảng tập trung. Theo kiến trúc thành phố thông minh, dịch vụ công thông minh trở thành một trong 16 lĩnh vực ưu tiên của thành phố.

Để đạt được những kết quả trên, Đà Nẵng đã có những cách làm nổi bật với 04 sáng kiến: (1) sử dụng dữ liệu trong tạo lập công dân điện tử và thay thế thành phần hồ sơ, (2) sử dụng dữ liệu trong xử lý hồ sơ thủ tục hành chính, (3) giám sát, chỉ đạo, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, (4) làm giàu dữ liệu công dân và cung cấp dịch vụ mới.