Khung khổ pháp lý cho nước sạch - Bài 2: Cần luật về thị trường nước sạch

28/05/2022 | Ý kiến Chuyên gia
Tiến trình xã hội hóa nước sạch không đi kèm với việc xây dựng một cấu trúc thị trường cung cấp dịch vụ nước sạch hợp lý dẫn đến việc thu hút đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực này chưa hiệu qủa.

Chia sẻ

Như đã nói ở bài trước, Việt Nam đang thiếu khung pháp lý cho thị trường nước sạch, tạo ra nhiều mâu thuẫn, nghịch lý.

Khó thu hút doanh nghiệp vì thiếu khung chính sách - Báo Đại biểu Nhân dân

Cần có đánh giá toàn diện và thiết kế một hệ thống chính sách tổng thể để hoàn chỉnh thị trường kinh doanh nước sạch. Cần tiếp cận đây là dịch vụ công thiết yếu; nước sạch là hàng hoá công hoặc bán công.

Sáu vấn đề lớn cần xử lý

Thực tế của thị trường nước sạch ở thời điểm hiện tại đã đặt ra 06 vấn đề chính sách lớn cần giải quyết:

Thứ nhất: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong việc cung cấp thứ hàng hoá công thiết yếu này nếu như quá trình cung cấp nước cho người dân xảy ra vấn đề như vụ nước sạch sông Đà cách đây vài năm?

Thứ hai, với quá trình tái cấu trúc thị trường nước sạch bằng cách để tư nhân tham gia vào dịch vụ cung cấp nước sạch thì tư nhân sẽ tham gia vào những khâu nào, những công đoạn nào? Có nên để tư nhân tham gia vào khâu lắp đặt ống hay không?

Thứ ba, với cơ chế PPP, trong cung cấp nước sạch tư nhân sẽ tham gia vào cho đầu tư từ từ đầu hay đầu tư theo công đoạn đối với mạng lưới cấp nước/thoát nước thải sinh hoạt vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ? Loại hình hợp đồng PPP nào giữa Nhà nước và tư nhân là phù hợp vẫn chưa có lời giải rõ ràng?

Thứ tư, vấn đề xây dựng cơ chế giá và lợi nhuận cho ngành cũng là vấn đề lớn cần quan tâm. Cần có quy định về biên độ lợi nhuận bắt buộc để doanh nghiệp yên tâm tham gia vào thị trường. Và khi đã ký hợp đồng giữa nhà nước - tư nhân, thì nhà nước phải có nghĩa vụ tuân thủ hợp đồng (khối lượng nước được mua; giá cả) hoặc đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp nếu vi phạm.

Thứ năm, là vấn đề quy hoạch và điều phối liên vùng. Hiện nay, vai trò tổ chức, vận hành, điều tiết thị trường được giao về riêng rẽ cho từng địa phương. Nhưng các địa phương không có cơ chế phối hợp với nhau. Điều này gây khó khăn khi doanh nghiệp muốn cung cấp dịch vụ nước sạch sang một tỉnh lân cận. Việc không điều phối cũng dẫn đến chồng lấn quy hoạch; làm thị trường vận hành thiếu hiệu quả.

Và thứ sáu là vấn đề cơ quan điều tiết thị trường. Giống như Điện lực, cần có một cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm thống nhất; tránh tình trạng 6 bộ cùng quản lý phân mảnh như hiện nay.

Xã hội hoá là chưa đủ

Xã hội hoá dịch vụ nước sạch bằng cách để tư nhân tham gia vào lĩnh vực này là cần thiết. Tuy nhiên, cũng xin được nhấn mạnh thêm rằng, tiến trình xã hội hóa dịch vụ công nước sạch đã không đi kèm với việc xây dựng một cấu trúc thị trường cung cấp dịch vụ nước sạch hợp lý, trong khi Nhà nước thiếu nguồn lực đầu tư thì đồng thời thị trường vẫn không thu hút hiệu quả đầu tư của tư nhân.

Doanh nghiệp tư nhân gặp rủi ro cao khi tham gia thị trường, ví dụ như giá, khối lượng nước được mua dưới công suất. Doanh nghiệp nhà nước cũng khó khăn khi giá nước thấp, không đủ khả năng mở rộng diện tích cấp nước. Tình trạng “tranh tối, tranh sáng” khiến thị trường khó phát triển, tạo ra rủi ro các nhóm “trục lợi chính sách” cạnh tranh không lành mạnh”.

Do đó về lâu dài cần những giải pháp căn cơ hơn cho vấn đề này.

Cần Luật về cấp nước sạch

Cần có đánh giá toàn diện và thiết kế một hệ thống chính sách tổng thể để hoàn chỉnh thị trường kinh doanh nước sạch. Cần tiếp cận đây là dịch vụ công thiết yếu; nước sạch là hàng hoá công hoặc bán công.

Và khi đã là hàng hoá thì phải có thị trường bài bản, hệ thống. Tiến trình này nên gắn liền với việc xây dựng Luật về cấp nước và xử lý nước mà Chính phủ đã yêu cầu và Bộ Xây dựng đang triển khai. Chính phủ cần nhanh chóng vào cuộc để thúc đẩy Luật này.

Việt Nam đang đô thị hoá rất nhanh; nếu không có luật lệ rõ ràng; thì người dân vừa thiếu nước; việc cung cấp nước cũng không hiệu quả.

Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS)

Theo Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp