Kinh tế số: Việt Nam không thể đứng ngoài

27/10/2024 | Kinh tế số
Nền kinh tế số (KTS) đã và đang hình thành. Châu Á-Thái Bình Dương đang là thị trường trọng tâm, động lực mới của tăng trưởng. Các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu từ vài thập niên nay cũng lấy châu Á làm trọng tâm. Với Trung Quốc, Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á, nơi đặt các nhà máy và công xưởng chính của thế giới. Dĩ nhiên Việt Nam cũng ở trong cuộc chơi chung đó.
Kinh tế số: Việt Nam không thể đứng ngoài

Chia sẻ

Từ giấc mơ quốc gia số

Công nghệ số - với điện thoại thông minh (smartphone) kết nối internet, phổ cập rộng rãi mạng xã hội (MXH), càng trở nên phù hợp với châu Á phần lớn là người trẻ, năng động, dễ dàng thích ứng với công nghệ mà Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines là biểu trưng.

Việt Nam cũng là một phần của xu thế đó, với tỷ lệ sử dụng smartphone cao nhất, thời gian online và sử dụng MXH hàng ngày nhiều nhất, hoạt động giải trí, mua sắm, làm việc trên môi trường số diễn ra sôi động nhất.

Trong bối cảnh đó, nội dung của tầm nhìn “quốc gia công nghiệp phát triển”, nên được thay đổi thành “quốc gia phát triển về công nghệ và dịch vụ số”. Phải nhìn nhận thẳng thắn, khái niệm công nghiệp với trọng tâm là công nghiệp sản xuất - chế tạo, gắn với các nhà máy, công xưởng, đã không còn phù hợp với Việt Nam.

Sẽ thực tế hơn nếu Việt Nam hiện đại và phát triển của năm 2045 gắn liền với công nghệ số, dịch vụ số (không phải là công nghiệp sản xuất, chế tạo).


Điều này dựa trên 3 thực tế. Thứ nhất, sau 30 năm công nghiệp hóa, hiện đại hóa bắt đầu từ đổi mới, Việt Nam chưa thành công trong xây dựng nền tảng cho công nghiệp - bao gồm năng lực khoa học và công nghệ phục vụ cho công nghiệp; lực lượng lao động công nhân kỹ thuật cao và ý thức lao động công nghiệp chuyên nghiệp; phát triển thị trường hàng hóa cho sản phẩm công nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nền công nghiệp chúng ta chỉ dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và chỉ giúp giải quyết bài toán lao động việc làm, không tạo được nền tảng nội lực cho công nghệ, cho nâng cao năng suất lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao.

Những hạn chế mang tính nền tảng này có thể thay đổi trong những thập niên tới, song cũng khó trông chờ vào sự đột phá nào đó.


Thứ hai, dân số Việt Nam trẻ, năng động và nhạy bén với các công nghệ số mới, dựa trên nền tảng giáo dục phổ cập ở cấp phổ thông tương đối rộng rãi. Thêm vào đó, lực lượng người Việt ở nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ, công nghệ số có khả năng hợp tác và đóng góp phát triển cho khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước dễ dàng hơn, giúp tạo thêm nguồn lực dồi dào cho phát triển.


Thứ ba, công nghệ số đã chứng minh được tiềm năng rõ rệt trong việc nâng cao năng suất lao động trong các lĩnh vực được ứng dụng - từ khu vực tư, với mua bán online, dịch vụ tài chính, dịch vụ vận tải, giao nhận đến khu vực công với giao dịch hành chính trực tuyến và cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý. Điểm yếu cố hữu về năng suất lao động thấp của Việt Nam có thể được hóa giải nhờ công nghệ số.

Kinh tế số: Việt Nam không thể đứng ngoài ảnh 1

Dân số Việt Nam trẻ, năng động và nhạy bén với các công nghệ số mới.

Đến “công dân số”


Giáo dục và đào tạo vẫn là chìa khóa cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên số với mục tiêu kép: chuẩn bị kỹ năng cho người lao động trong kỷ nguyên số và hợp tác toàn cầu; chuẩn bị cho thế hệ “công dân số” mới.

Có sự đồng thuận rộng rãi với đề xuất Diễn đàn Kinh tế Thế giới về bộ kỹ năng mới của người lao động trong kỷ nguyên số, trong đó nhấn mạnh đến tư duy sáng tạo và phản biện; khả năng tự học và tự đào tạo liên tục của từng cá nhân. Kiến thức không còn là điều quan trọng, thay vào đó kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng mềm để tự học và thích ứng mới là điều cần thiết.


Điều này gợi ý chiến lược đột phá cho nền giáo dục Việt Nam - liệu có thể thay đổi chương trình đào tạo theo hướng rút ngắn thời gian học phổ thông hệ 12 năm hiện nay, để sớm đưa công dân trở thành lao động trẻ làm việc gắn với học hỏi kỹ năng?

Chương trình học tập trung từ truyền thụ kiến thức và tri thức hiện nay sẽ trở thành chương trình trang bị kỹ năng mới.

Và phương thức giáo dục vốn dựa trên trường công và đào tạo chính quy như hiện nay chuyển đổi sang hợp tác công tư với các doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu vào kết hợp cung cấp dịch vụ giáo dục như STEM, kỹ năng số, bộ kỹ năng mềm (tư duy, sáng tạo, phản biện, tự đào tạo…).


Thực tế cho thấy, ứng dụng chuyển đổi số đã và đang tiếp tục làm tăng năng suất lao động của Việt Nam. Công nghệ số là mấu chốt để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, vươn lên trở thành cường quốc bậc trung vào năm 2045. Ngoài các ngành tài chính, thương mại điện tử, vận tải du lịch, công nghệ số sẽ tạo hiệu ứng tăng năng suất rõ rệt trong 3 lĩnh vực: giáo dục, y tế, nông nghiệp.


Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam cũng đang đối mặt với 2 thách thức lớn trong phát triển KTS: (1) giáo dục kỹ năng số, chuẩn bị lực lượng lao động, các công dân số sẵn sàng cho kỷ nguyên số; (2) Thể chế chính sách phải tháo gỡ được các rào cản cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đã đến lúc Việt Nam cần có khung chính sách cởi mở, linh hoạt, thay vì tư tưởng bảo hộ.


Nói cách khác, khát vọng của một đất nước phát triển và thịnh vượng là không thay đổi, nhưng mục tiêu và con đường đi sẽ phải đổi khác. Bởi thời điểm 2020 bối cảnh thế giới đã thay đổi căn bản so với đầu những năm 1990, khi đất nước bước vào cải cách mở cửa và mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đặt ra. Hướng đến mục tiêu quốc gia thịnh vượng phải dựa trên phát triển KTS.

Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS)

Theo Báo Sài Gòn giải phóng điện tử

Author

Nguyễn Quang Đồng

Nguyễn Quang Đồng