Multi-cloud: Xu hướng tiếp theo của thị trường điện toán đám mây

19/05/2022 | Kinh tế số
Vào ngày 17/11/2021 một sự cố của Google Cloud đã khiến cho một số trang web và dịch vụ lớn như Spotify, Snapchat, Discord và nhiều ứng dụng khác bị sập hoàn toàn lúc đó. Nguyên nhân được xác nhận là do sự cố đường truyền Internet dẫn đến dữ liệu đám mây bị trục trặc. Hậu quả kéo theo là các ứng dụng, trang web sử dụng dịch vụ của Google không thể truy cập được.
Multi-cloud: Xu hướng tiếp theo của thị trường điện toán đám mây

Chia sẻ

Multi-cloud: Xu hướng tiếp theo của thị trường điện toán đám mây

Trong một thế giới mà khi hầu hết các dịch vụ và ứng dụng số đều đã được đưa lên "đám mây", sự cố nói trên đặt ra câu hỏi về sự cần thiết sử dụng đám mây đa nền tảng để giảm thiểu rủi ro khi một nền tảng bị lỗi dữ liệu.

Multi-cloud là gì? Những cải tiến của Multi-cloud

Theo định nghĩa của IBM, nền tảng đa đám mây (Multi-cloud) là việc sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây từ nhiều nhà cung cấp dịch vụ khác nhau. Các giải pháp đa đám mây thường được xây dựng trên công nghệ mã nguồn mở, đám mây gốc, thường bao gồm các chức năng quản lý khối lượng công việc trên nhiều đám mây với một bảng điều khiển trung tâm.

Không chỉ đem lại giá trị toàn diện cho doanh nghiệp khi ngăn chặn được các vấn đề về hiệu suất, hạn chế các chi phí không cần thiết do chỉ sử dụng một đơn vị cung cấp dịch vụ đám mây, multi-cloud còn mang lại nhiều lợi ích về tính linh hoạt dựa trên sự kết hợp các yêu cầu về giá cả, hiệu suất, bảo mật và tuân thủ quy định, vị trí địa lý phù hợp nhất với doanh nghiệp, tối đa hoá lợi ích sử dụng khi có thể áp dụng nhanh chóng các công nghệ tốt nhất từ bất kỳ nhà cung cấp nào, giảm khả năng mất liên lạc dữ liệu.

Đặc biệt, điện toán đa đám mây còn giúp giảm khả năng vi phạm quyền truy cập, bảo mật, khả năng tương thích giữa các nguồn dữ liệu và các vấn đề khác có thể do “shadow IT”.

Nhu cầu sử dụng điện toán đa đám mây tại Việt Nam trong giai đoạn COVID-19

Quản lý đa đám mây cho phép các doanh nghiệp chuyển khối lượng công việc của họ trên nhiều đám mây với các ứng dụng và mức độ quan trọng dữ liệu tương ứng. Nó cho phép quản lý nhiều dịch vụ đám mây như IaaS, PaaS và SaaS và cung cấp tính linh hoạt.

Dưới góc độ kinh tế, theo báo cáo của công ty MarketsandMarkets Analysis, thị trường quản lý đa đám mây dự kiến sẽ tăng từ 1,17 tỷ USD vào năm 2017 lên 4,5 tỷ USD vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 30,9%. Những yếu tố chính được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường là việc tránh bị khóa nhà cung cấp, tăng độ nhạy, tự động hóa và sự gia tăng nhu cầu về chính sách và quản trị cấp cao.

Tại thị trường Việt Nam, hiện nay có thể chia thị trường theo 03 mô hình là đám mây công cộng, đám mây riêng tư và đám mây kết hợp. Trong đó, phân khúc đám mây công cộng thống trị thị trường vào năm 2020 với 65% thị phần do chi phí thấp hơn, không cần bảo trì và khả năng mở rộng gần như không giới hạn với tài nguyên theo yêu cầu. Nhưng điện toán đa đám mây là phân khúc đang phát triển nhanh nhất và được dự báo sẽ đứng đầu về tốc độ tăng trưởng đến năm 2026.

Lý do là điện toán đa đám mây hỗ trợ tốt hơn đối với mô hình làm việc từ xa, cải thiện bảo mật và quản lý rủi ro cùng với khả năng tiếp cận của nhiều nhà cung cấp và các nền tảng của một người dùng.

Ứng dụng điện toán đa đám mây trong một số lĩnh vực tại Việt Nam

Hiện nay, tài chính - ngân hàng được coi là lĩnh vực đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số để tối giản các thủ tục thanh toán. Theo báo cáo của IDC vào 8/2020, 40% ngân hàng được khảo sát cho biết sẽ dịch chuyển một số hoạt động lên môi trường Hybrid Cloud (đám mây lai) bởi chính sách pháp lý đang bước đầu xác định mức độ phân quyền dữ liệu tại các ngân hàng.

Động thái này cũng thúc đẩy động lực số hoá tại các ngân hàng. Ví dụ như Ngân hàng VIB, trước đó ngân hàng này đã ký kết đưa ứng dụng lên cloud AWS, gần đây VIB còn thúc đẩy chuyển dữ liệu lên nền tảng cloud Microsoft Azure. Theo đó, Microsoft và VIB sẽ cùng xây dựng hệ sinh thái multi-cloud với việc sử dụng Microsoft Azure là đám mây chính (primary cloud) dành cho các ứng dụng của ngân hàng này.

Không riêng ngành tài chính ngân hàng, những “ông lớn” cung cấp giải pháp công nghệ cũng đang dần hoàn thiện và ứng dụng nền tảng đa đám mây. Công ty CMC tuy mới phát triển hạ tầng Cloud vào năm 2017 nhưng cũng cho thấy sức bật vượt trội của mình khi đã cho ra đời giải pháp về Multi Cloud, cho phép kết nối với nhiều nền tảng dữ liệu khác nhau. CMC cũng là doanh nghiệp viễn thông duy nhất kết nối trực tiếp tới Cloud của AWS, Microsoft, và Google.

Trong tương lai, khi các doanh nghiệp đồng bộ hóa dữ liệu và các giải pháp công nghệ trên điện toán đám mây thì việc liên kết giữa các ngành lấy cơ sở là nền tảng đám mây hứa hẹn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng sống của người dân.

Nguyễn Anh Phương Linh - Trần Đăng Quang,

Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS)

Theo Tạp chí điện tử Đầu tư tài chính