Thương mại kỹ thuật số cho phép các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tận dụng các công nghệ mới để vượt qua các rào cản tăng trưởng, tiết kiệm chi phí đầu tư vào tài sản cố định, dễ dàng tiếp cận và phân phối sản phẩm, dịch vụ tới hàng triệu khách hàng có kết nối Internet ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Về bản chất, nền tảng của thương mại kỹ thuật số là sự di chuyển của dữ liệu. Dữ liệu vừa là phương tiện sản xuất vừa là “tài sản” có thể được trao đổi.
Trong khi đó, điện toán đám mây được biết đến là việc cung cấp, phân phối các tài nguyên công nghệ thông tin như máy chủ, kho lưu trữ, phần mềm…, để lưu trữ và xử lý khối lượng dữ liệu lớn.
Bởi vậy, phát triển điện toán đám mây là tiền đề của sự phát triển thương mại kỹ thuật số.
Điện toán đám mây là hạ tầng số quan trọng trong nền thương mại kỹ thuật số
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và các thành tựu công nghệ mới, dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông đang dần trở thành xương sống của thương mại kỹ thuật số, cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết, làm nền tảng cho việc số hóa cũng như gia tăng các loại hình dịch vụ trong hoạt động thương mại kỹ thuật số.
Theo các nghiên cứu của Amazon Web Services (AWS), các doanh nghiệp có thể rút ngắn khoảng 2,5 tháng để khởi chạy các ứng dụng mới trên đám mây công cộng của Amazon ra thị trường, đồng thời các sản phẩm còn được cung cấp thêm 26,4% các tính năng, bản cập nhật và sửa lỗi mới cho mỗi bản phát hành.
Điểm đánh giá mức độ hài lòng của người dùng đối với các ứng dụng được chuyển sang AWS có sự gia tăng đáng kể, tăng từ 7,0 lên 8,8 đối với nhân viên và từ 6,8 lên 8,8 đối với khách hàng.
Tương tự, báo cáo của Công ty Dữ liệu quốc tế (IDC) về Giá trị kinh doanh của việc cải thiện hiệu suất khi sử dụng nền tảng Google Cloud cũng cho thấy, mỗi khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng đám mây công cộng của Google có thể đạt được lợi ích trung bình khoảng 1,09 triệu USD bằng việc cải thiện tính nhanh nhạy của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, khả năng mở rộng, tính linh hoạt và chức năng nền tảng tích hợp khác; tối đa hóa năng suất và thời gian làm việc bằng sự tự động hóa, công nghệ nhúng và hỗ trợ của Google.
Trên thế giới, Hoa Kỳ hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu về lĩnh vực thương mại kỹ thuật số cùng với những chính sách nhằm thúc đẩy phát triển các công ty điện toán đám mây. Sự thành công và phạm vi áp dụng không chỉ dừng lại ở khu vực tư mà ngay cả khu vực công cũng đã nhanh chóng đón nhận và sử dụng điện toán đám mây như hạ tầng cho chính quyền ‘số’.
Việc sử dụng điện toán đám mây đã được đặt ra như một yêu cầu bắt buộc đối với các cơ quan nhà nước ở khu vực công. Cho đến nay, theo báo cáo của Cơ quan giải trình trách nhiệm chính phủ Hoa Kỳ (GAO), tác động của yêu cầu này tạo ra những hiệu quả kinh tế đáng ghi nhận khi 13/16 cơ quan nhà nước sử dụng điện toán đám mây đã tiết kiệm được 291 triệu USD.
Điển hình như Cơ quan dịch vụ công Hoa Kỳ (GSA), sau khi chuyển cổng thông tin USA.gov sang một máy chủ lưu trữ dựa trên đám mây, GSA có thể giảm thời gian nâng cấp trang web từ chín tháng xuống còn một ngày; thời gian ngừng hoạt động hàng tháng được cải thiện từ hai giờ lên mức khả dụng 99,9%. Từ đó, cơ quan này đã tiết kiệm được 1,7 triệu USD cho các dịch vụ lưu trữ.
Thách thức đối với điện toán đám mây trong hoạt động thương mại quốc tế
Trong những năm gần đây, các quốc gia trên thế giới đang có xu hướng thay đổi dần hướng tiếp cận trong đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do. Cụ thể, các chủ đề trên bàn đám phán không chỉ dừng lại ở các vấn đề thương mại truyền thống mà mở rộng ra các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử, thương mại kỹ thuật số.
Đến năm 2017, 69 hiệp định thương mại khu vực (RTA) có đặt ra các quy định về thương mại kỹ thuật số, ví dụ như quy định về lưu chuyển thông tin xuyên biên giới, yêu cầu bản địa hoá dữ liệu, quy định không phân biệt đối xử giữa các sản phẩm số,…
Dữ liệu, thông tin khi được xử lý trên điện toán đám mây thường xuyên được di chuyển giữa các máy chủ đặt tại các quốc gia khác nhau, tùy thuộc vào nơi có không gian lưu trữ.
Tuy nhiên, mặc dù có các RTA nhưng trên thế giới hiện vẫn chưa có hiệp định mang tính toàn cầu về vấn đề này, một số hệ thống pháp luật giữa các quốc gia đôi khi còn có sự xung đột dẫn đến khả năng cản trở dòng chảy dữ liệu, thông tin xuyên biên giới.
Điển hình cho sự xung đột pháp luật trên là yêu cầu về bản địa hóa dữ liệu. Hiện nay, một số quốc gia như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ,… có đặt ra yêu cầu đối với thành lập hiện diện thương mại tại địa phương để có thể cung cấp dịch vụ hoặc hàng hóa thông qua Internet.
Ngay cả khi không có yêu cầu pháp lý cụ thể về việc thành lập, các quy định hiện hành trong một số trường hợp nhất định cũng có thể dẫn đến việc một công ty phải tự thành lập hiện diện tại nước sở tại.
Nhìn chung, đây là một vấn đề nan giải đối với các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây vì tính độc lập về không gian địa lý là cốt lõi của công nghệ này.
Bởi vậy, Việt Nam, nếu muốn thành công trong việc nắm bắt và tận dụng được các lợi thế của hạ tầng đám mây để thúc đẩy thương mại số, việc xây dựng một môi trường chính sách và pháp lý thông thoáng hơn, hài hoà quyền lợi tốt hơn cho ngành thương mại số, trong đó gồm hạ tầng đám mây là điều cần thiết.
Theo Báo Đầu tư