Tọa đàm 'Quyền riêng tư thời AI'

15/06/2023 | Tin sự kiện
AI tác động như thế nào đến quyền riêng tư của mỗi cá nhân, và hoạt động thu thập dữ liệu cá nhân bằng công nghệ Trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra những thách thức gì đối với các quy định trong Nghị định 13/2023/NĐ-CP? Đây là những vấn đề được thảo luận tại Tọa đàm “Quyền riêng tư thời AI” do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) tổ chức ngày 15/06/2023.

Chia sẻ

Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom Meetings, với sự tham gia của các diễn giả thuộc lĩnh vực nghiên cứu, học thuật và doanh nghiệp:
- Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông;
- Ông Trần Hữu Nhân, Kỹ sư dữ liệu và máy học, Công ty Cổ phần One Mount Group;
- Ông Huỳnh Thiên Tứ, Giảng viên, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh;
- Bà Nguyễn Lan Phương, Cán bộ phân tích chính sách, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông.
Ngoài ra, Tọa đàm còn có sự tham dự của các đại biểu đến từ các cơ quan nhà nước, cơ sở giáo dục đại học, tổ chức phi chính phủ cùng nhà báo, phóng viên đến từ nhiều cơ quan báo chí.
Mở đầu Tọa đàm, ông Trần Hữu Nhân và bà Nguyễn Lan Phương đã trình bày về mối quan hệ giữa công nghệ trí tuệ nhân tạo với quyền riêng tư cá nhân và chính sách bảo vệ quyền riêng tư tại Việt Nam. Theo ông Nhân, trí tuệ nhân tạo là bước tiến công nghệ tiếp theo của lịch sử loài người, sau các sáng chế về máy móc kĩ thuật, mạng internet. Trí tuệ nhân tạo được hiểu là công nghệ có khả năng mô phỏng hành vi của con người, trong đó dữ liệu chính là "Trái tim". Trí tuệ nhân tạo chỉ hoạt động được khi được cung cấp dữ liệu đầu vào và đây là công cụ phục vụ mục đích của con người. Chính vì cần dữ liệu đầu vào nên phải thực hiện thu thập dữ liệu, trong đó có dữ liệu cá nhân.
Các diễn giả/ Đại biểu tham dự Tọa đàm

Bà Phương đánh giá, các quy định trong Nghị định 13/2023/NĐ-CP đã đáp ứng được thách thức do loại công nghệ phức tạp như công nghệ trí tuệ nhân tạo đặt ra. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa dự liệu hết các rủi ro khi áp dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý dữ liệu cá nhân. Công nghệ trí tuệ nhân tạo phát triển rất nhanh chóng nên quy định nghĩa vụ đánh giá rủi ro và khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn công nghệ sẽ đảm bảo hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân luôn được thiết kế để đảm bảo quyền riêng tư cá nhân.

Phần thảo luận sau đó đã diễn ra sôi nổi với rất nhiều câu hỏi dành cho các diễn giả về những vấn đề như: (1) công nghệ AI tác động đến hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực y tế, giáo dục, báo chí, (2) quy tắc đạo đức và quy định pháp luật khi sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để xử lý dữ liệu cá nhân, (3) vai trò của Nhà nước và tư nhân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Tài liệu tọa đàm vui lòng xem tại đây.