Xây dựng chính sách cho ngành điện ảnh (Bài 2): Quy định cấp phép phim cần hợp lý

26/10/2024 | Kinh tế số
Đây là một trong những vấn đề nổi bật cần được quan tâm trong Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này.
Xây dựng chính sách cho ngành điện ảnh (Bài 2): Quy định cấp phép phim cần hợp lý

Chia sẻ

Dự thảo Luật điện ảnh sửa đổi (Dự thảo) được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2 và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022.

Tổng hợp 08 thủ tục hành chính quan trọng trong lĩnh vực điện ảnh

Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội và sự phát triển nhanh của công nghệ, kỹ thuật, số hóa trong điện ảnh, một số quy định của Luật Điện ảnh hiện hành trở nên lỗi thời hoặc chưa phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý và ảnh hưởng tới sự phát triển, hội nhập của điện ảnh Việt Nam.

Hiện nay, Dự thảo quy định tất các các loại dịch vụ sản xuất phim được cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài đều phải được cấp phép bởi Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch.

Cụ thể, Điều 14 Dự thảo quy định: Cơ sở điện ảnh của Việt Nam cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài khi được Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch cấp Giấy phép.

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bao gồm: a) Văn bản đề nghị theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định; b) Kịch bản phim bằng tiếng Việt; c) Văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ sản xuất phim giữa các bên.

Tuy nhiên, ở góc độ của một chuyên gia, tôi cho rằng quy định có điểm chưa hợp lý khi gộp tất cả các loại dịch vụ sản xuất phim vào một hình thức quản lý.

Nguyên lý của việc cấp phép là bởi hoạt động của chủ thể nào đó dễ gây ra những tác động nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của các chủ thể khác trong xã hội, lợi ích quốc gia, dân tộc nên nhà nước phải quản lý hoạt động đó chặt chẽ hơn. Do đó, việc cấp phép dịch vụ sản xuất phim chỉ nên xem xét để dành cho dịch vụ nào ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích chính đáng nêu trên.

Có thể thấy, trong dịch vụ sản xuất phim gồm tiền kỳ và hậu kỳ với rất nhiều loại: xây dựng kịch bản, dựng bối cảnh, thiết kế trang phục, quay phim, âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo, phụ đề,....

Chẳng hạn, giao dịch cung cấp dịch vụ kỹ xảo hay phụ đề cho bất cứ một phim nước ngoài nào hoàn toàn có thể diễn ra trên môi trường mạng trong thời gian nhanh chóng. Nếu buộc cơ sở điện ảnh phải nộp hồ sơ cấp phép với kịch bản bằng tiếng Việt và đợi 30 ngày kể từ khi hồ sơ hợp lệ để được cấp phép cung cấp dịch vụ, đây là điều không thực sự cần thiết, khiến doanh nghiệp, cá nhân cung cấp dịch vụ này tốn chi phí thời gian, tiền bạc và cơ hội kinh doanh.

Với vấn đề này, tôi đề nghị Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi nên thay đổi theo hướng chỉ cấp phép cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài đối với phim lấy bối cảnh lịch sử, chính trị Việt Nam. Trong trường hợp này, việc nộp hồ sơ xin cấp phép với kịch bản tiếng Việt là hợp lý bởi trong kịch bản đó có chứa nội dung về bối cảnh lịch sử, chính trị Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS)

Theo Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp

Author

Nguyễn Quang Đồng

Nguyễn Quang Đồng