Tọa đàm Hướng tới một quốc gia số an toàn: Từ “an ninh mạng” tới “an toàn số” và các khuyến nghị về tiếp cận chính sách mới cho Việt Nam

Mar 18 2021 | Event News
Chiều ngày 18/03/2021, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) đã tổ chức thành công Tọa đàm "Hướng tới một quốc gia an toàn số: Từ 'an ninh mạng' đến 'an toàn số' và các khuyến nghị về cách tiếp cận chính sách cho Việt Nam".

Share

Tham dự tọa đàm gồm có: Các đại diện của các cơ quan trung ương: Vụ văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng (Văn phòng Quốc hội), Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công An), Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), Cục trẻ em (Bộ Lao động và thương binh xã hội), Viện Khoa học giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tao); Các đại diện của các Hiệp hội: Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Hiệp Hội An toàn thông tin Việt Nam, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam; Đại diện của đơn vị sự nghiệp công lập: Trường Đại học Luật Hà Nội; Các đại diện của các tổ chức liên chính phủ, phi lợi nhuận: UNESCO (UN), Childfund Việt Nam, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD).
Tọa đàm gồm 2 phiên. Trong phiên thứ nhất, đại diện Viện IPS trình bày tổng quan kết quả nghiên cứu về thực trạng chuyển đổi số và tính cấp thiết của vấn đề an toàn số ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, Viện IPS khuyến nghị mở rộng phạm vi tiếp cận từ an ninh mạng thành an toàn số và 6 nhóm giải pháp lớn về chính sách để giải quyết vấn đề xâm phạm dữ liệu, nội dung xấu độc trên không gian mạng và đạo đức khi sử dụng công nghệ số như AI hay Big Data.

Ảnh: Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) trình bày tại phiên thứ nhất

Ảnh: Bà Tống Khánh Linh, đại diện IPS trình bày tại phiên thứ nhất

Trong phiên thứ hai, các đại diện các cơ quan Trung ương, UNESCO, MSD, Childfund Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội tham gia đóng góp ý kiến về vấn đề an toàn số tại Việt Nam. Phần thảo luận tập trung chính vào 03 điểm: Thành lập cơ quan quốc gia về an toàn số, năng lực số và giáo dục kỹ năng số ở Việt Nam, dữ liệu, giải pháp công nghệ để giải quyết vấn đề công nghệ và cơ chế tự điều tiết của ngành (self-regulation).

Ảnh: Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD) đóng góp ý kiến trong phiên thứ hai

Kết thúc tọa đàm, các khách mời đều nhất trí rằng an toàn số là vấn đề cấp thiết tại Việt Nam và tọa đàm đã đem lại sự nhìn nhận đa chiều về vấn đề này. Tuy nhiên, để có được các giải pháp cụ thể, đảm bảo sự kết hợp giữa tính khoa học và thực tiễn, các bên liên quan cần tiến hành thêm những nghiên cứu, thảo luận chuyên sâu và đối thoại thiện chí giữa các bên. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, Viện IPS tiếp tục hoàn thiện báo cáo, khuyến nghị về an toàn số và cùng các bên liên quan hướng tới xây dựng môi trường số an toàn, lành mạnh ở Việt Nam.